Nỗi ám ảnh Covid-19 trở lại, chứng khoán Mỹ và châu Âu bị bán tháo, Dow Jones ‘bốc hơi’ 700 điểm
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Hai (21/09) khi nỗi lo về Covid-19 và sự không chắc chắn về gói kích thích tài khóa kế tiếp khiến nhà đầu tư lo sợ.
Tính tới lúc 20h48 ngày thứ Hai (29/09), chỉ số Dow Jones rớt 696,14 điểm (tương đương 2.52%), còn S&P 500 mất 2,16% và Nasdaq Composite hạ 1.76%. Các chỉ số trên Phố Wall vừa ghi nhận 3 tuần giảm liên tiếp trước đó.
Nhà đầu tư đang theo dõi:
- Anh được cho là đang xem xét áp phong tỏa toàn quốc lần thứ hai để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Thông tin này đã kéo chỉ số FTSE 100 của Anh rớt hơn 3%. Nỗi ám ảnh cũng đã lây lan sang Mỹ khi những cổ phiếu được cho là bị tác động tiêu cực nhất từ khả năng tái áp đặt phong tỏa cũng giảm mạnh. Cổ phiếu Carnival sụt 4%, còn Southwest Airlines và Delta Air Lines lao dốc 4.6% và 7.2%.
- Các cuộc đàm phán về gói kích thích tài khóa bổ sung có thể trở nên phức tạp hơn sau sự ra đi của Thẩm phán Tòa án tối cao Ruth Bader Ginsburg. Ông Trump cho biết sẽ bổ nhiệm một ai đó trong tuần này để thay thế cho vị trí của bà Ginsburg. Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã rơi vào thế bế tắc kể từ tháng 7/2020 sau khi gói kích thích trước đó hết hạn. Chris Krueger, Chiến lược gia tại Cowen, cho biết hai bên khó mà tiến tới gói kích thích mới “cho đến sau ngày 03/11/2020 khi cuộc tranh cãi về chiếc ghế trống mà bà Ginsburg để lại sẽ chiếm lấy tâm trí của các chính trị gia ở Washington D.C.”.
- Nhóm cổ phiếu công nghệ lại suy giảm. Cổ phiếu Apple, Microsoft và Amazon giảm ít nhất 1%.
- Cổ phiếu Nikola – vốn là cổ phiếu xe điện đã bay cao trong khoảng thời gian vừa qua – rớt 20% sau khi nhà sáng lập Trevor Milton tự nguyện từ chức Chủ tịch điều hành cũng như thành viên Hội đồng quản trị. Động thái này diễn ra sau khi công ty Hindenburg Research cáo buộc công ty gian lận. SEC và Bộ Tư pháp Mỹ được cho là đang điều tra về công ty này. Cổ phiếu GM – công ty vừa có được 11% cổ phần tại Nikola – lao dốc 5.6%.
- Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo trên diện rộng sau khi một báo cáo cho thấy nhiều ngân hàng toàn cầu đã dung túng cho nạn rửa tiền. Một cuộc điều tra của BuzzFeed và Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) phát hiện ra hơn 2 ngàn tỷ USD giao dịch có liên quan tới vấn nạn rửa tiền hoặc các tội phạm tài chính khác trong giai đoạn 1999-2017. Cổ phiếu Deutsche Bank rớt 8.3%, còn JPMorgan Chase lao dốc hơn 2.8%.
* FinCEN: HSBC giúp kẻ lừa đảo “rửa” hàng triệu USD
* NYTimes: Nhiều ngân hàng lớn vẫn chuyển tiền dù nghi ngờ hoạt động bất chính?
- Trong khi đó, căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ công bố các điều khoản đối với “danh sách thực thể không đáng tin”. Thông tin này được đưa ra sau khi Mỹ công bố lệnh cấm đối với WeChat và TikTok.
“Dường như lý do lớn nhất dẫn tới đà giảm trên thị trường chứng khoán toàn cầu là châu Âu có thể phải thắt chặt biện pháp kiểm soát virus vì khả năng số ca nhiễm tăng mạnh trong thời tiết lạnh giá”, Matt Maley, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Miller Tabak, cho biết trong báo cáo ngày thứ Hai (29/09).
Chỉ số S&P 500, Dow Jones Industrial Average và Nasdaq Composite giảm tuần thứ 3 liên tiếp trong tuần trước, qua đó đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2019. Cổ phiếu Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Alphabet và Microsoft đều chứng kiến tuần giảm mạnh. Chỉ số Nasdaq Composite đang trong phạm vi điều chỉnh, giảm hơn 10% từ mức đỉnh gần đây. Cho tới nay, đây là một tháng khó khăn cho thị trường và cổ phiếu công nghệ. S&P 500 rớt 5% trong tháng 9/2020.
Nhóm công nghệ đang chịu nhiều áp lực một phần vì lo ngại về định giá cao cũng như là quyền chọn chứng khoán hết hạn.
Tại thị trường châu Âu, các chỉ số giảm mạnh khoảng 3%, trong đó, chỉ số DAX sụt mạnh nhất với 3.44%.
Ở thị trường hàng hóa, giá vàng thế giới cũng giảm mạnh, rớt 44 USD xuống 1,918 USD/oz.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|