EU mua 300 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 của Sanofi và GSK
EU ngày 18/9 đã nhất trí mua vắc-xin tiềm năng ngừa COVID-19 của Sanofi và GSK tại thời điểm sắp tới hạn chót gia nhập cơ chế COVAX của WHO về tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa COVID-19.
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất vaccine tại công ty dược phẩm Sanofi ở Val-de-Reuil, Pháp ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Liên minh châu ÂU (EU) ngày 18/9 đã nhất trí mua vắc-xin tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hai công ty sản xuất dược phẩm lớn Sanofi (Pháp) và GSK (Vương quốc Anh) trong thỏa thuận tương tự thứ hai nhằm đảm bảo nguồn cung tại thời điểm sắp tới hạn chót gia nhập cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiếp cận toàn cầu đối với vắc-xin ngừa COVID-19.
Ủy viên phụ trách lĩnh vực y tế của EU Stella Kyriakides cho biết với thỏa thuận trên, Sanofi và GSK sẽ cung cấp 300 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho EU. Đổi lại, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trả trước chi phí sản xuất cho hai công ty này và chính các quốc gia thành viên EU sẽ mua loại vắc-xin trên của họ.
Thỏa thuận trên đã khẳng định lại tuyên bố được Sanofi và GSK đưa ra ngày 31/7 vừa qua và bước đi này đạt được sau thỏa thuận trước đó giữa EU với hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca về việc cung ứng tới 400 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19.
EU ký thỏa thuận trên ngay sát thời hạn chót cho các thành viên của WHO gia nhập cơ chế COVAX - vốn hướng tới mục tiêu mua vắc-xin ngừa COVID-19 và đảm bảo việc tiêm phòng được triển khai một cách công bằng, hiệu quả.
Cho đến nay, 92 quốc gia có thu nhập thấp đang tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX - một phần trong chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch COVID-19 (ACT-A) của WHO, trong đó hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin, thuốc điều trị và các xét nghiệm chẩn đoán.
Khoảng 80 quốc gia có thu nhập cao hơn cũng bày tỏ sự quan tâm, song để tham gia cơ chế này đòi hỏi các nước phải đảm bảo được nguồn cung vắc-xin ngừa COVID-19 một cách riêng rẽ.
BNews
|