Những hiệu quả tức thời ngay sau khi thực thi Hiệp định EVFTA
Ngay trong tháng đầu thực hiện Hiệp định EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.
* Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện EVFTA
* Hiệp định EVFTA: Sức bật mới cho ngành thủy sản Việt Nam
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
|
Ngày 24/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)-Những điều doanh nghiệp cần biết” với mục đích cung cấp cho các doanh nghiệp, các đơn vị liên quan những thông tin và nội dung cốt lõi, những điều cơ bản về EVFTA.
Đồng thời, hội thảo nhằm cập nhật tình hình thực thi EVFTA từ phía doanh nghiệp và Chính phủ sau 2 tháng hiệp định này có hiệu lực thực thi.
Khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định Hiệp định EVFTA đang thu hút mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Dù là một hiệp định không mới và là hiệp định thương mại tự do thứ 13 có hiệu lực ở Việt Nam nhưng EVFTA lại là hiệp định đặc biệt. Đặc biệt vì có những đối tác chưa từng có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam trước đây. Các đối tác trong Hiệp định EVFTA lại có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới và có cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Thêm nữa, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sức mua lớn thứ 2 trên thế giới đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Do đó, có thể khẳng định Hiệp định EVFTA thực sự là hiệp định được kỳ vọng, được mong đợi nhất của Việt Nam ở thời điểm này.
Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệp lực thực thi. Tới nay, sau 2 tháng triển khai, Hiệp định EVFTA đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực trong thương mại và xuất khẩu hàng hóa; đặc biệt trong một số lĩnh vực như giày dép, thủy sản, nhựa, càphê, dệt may, túi xách, vali, rau quả và mây tre đan...
Cụ thể bằng số liệu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết trong 2 tháng chính thức có hiệu lực thực thi, Hiệp định EVFTA đã bắt đầu mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy ngay trong tháng đầu thực hiện Hiệp định EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ Hiệp định EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng 10% về kim ngạch so với tháng trước.
Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020. 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9...
Những kết quả ban đầu đã cho thấy là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường còn rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Thêm vào đó, đa số doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu biết đầy đủ, rõ ràng và tường tận về Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà Hiệp định EVFTA hứa hẹn mang lại, theo bà Trang, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt đầy đủ, chính xác các cam kết Hiệp định EVFTA, nhất là những nội dung liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có thể có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.
Cũng tại hội thảo, VCCI công bố Cẩm nang doanh nghiệp "Tóm lược Hiệp định EVFTA" - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ các cam kết cốt lõi của Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp./.
Ngọc Quỳnh
Vietnam+
|