Doanh nghiệp thủy sản: Gặp bất lợi do chính sách?
Là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) cao, nhưng những bất cập trong một số chính sách cũng như tác động của dịch Covid-19 đang gây bất lợi đối với hoạt động sản xuất, XK của doanh nghiệp (DN) thủy sản.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu năm 2020 đến nay, tổ chức này đã liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều DN về các bất cập của quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì lô thủy sản XK. Cụ thể, DN sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi XK phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ DN nước ngoài. Trong khi trên thực tế, quy định này không hề có trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng như tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản gặp không ít khó khăn
|
Ngoài ra, trước đây, thuế phế liệu phế phẩm dư thừa và thuế thu nhập DN đều được nộp cho chi cục thuế địa phương. Nhưng, từ tháng 6/2018 đến nay, các loại thuế này nộp cho cơ quan hải quan, trong khi thuế thu nhập DN vẫn nộp cho chi cục thuế địa phương. Vasep cho rằng, quy định này khiến DN mất nhiều thời gian, chi phí thực hiện. Mặt khác, hiện việc xác định sản phẩm “sơ chế” và “chế biến” trong ngành thủy sản cũng chưa được rõ ràng, nên rất nhiều trường hợp cơ quan thuế mặc định áp thuế thu nhập DN thủy sản là 20% trong khi quy định thuế thu nhập DN chế biến thủy sản chỉ là 0 - 15%.
Nhiều DN thủy sản kiến nghị, các văn bản, chính sách ban hành cần sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý nhằm tránh chồng chéo; vừa đảm bảo vai trò quản lý của cơ quan chức năng nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN sản xuất, kinh doanh.
|
Bảo Thoa
Báo Công Thương
|