Nhịp đập Thị trường 03/09: VN-Index đạt mức cao nhất trong hơn 6 tháng
Sự tích cực ở nhóm Large Cap đã giúp VN-Index tăng 12.24 điểm, hay 1.37%, đóng cửa sát mốc 904 điểm, mức cao nhất kể từ 25/02/2020.
Như vậy, VN-Index chính thức lấy lạy mốc 900 điểm sau khi để mất mốc này trong tuần đầu tháng 6 vừa qua. Đà tăng của chỉ số sàn HOSE phiên giao dịch hôm nay mang đậm dấu ấn của hai đầu tàu ngành ngân hàng và bất động sản.
Theo đó, VCB với mức tăng 3.61% đã đóng góp hơn 3 điểm tăng cho chỉ số VN-Index. Xét về mức tăng trong nhóm ngân hàng, HDB ghi nhận tăng nhiều nhất, gần 4.6%, đóng cửa tại 29,800 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt 2 triệu đơn vị. Hơn nữa, HDB cũng được khối ngoại mua ròng đáng kể phiên hôm nay.
Mới đây, HDB công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2020 với hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng cao. Trong đó đáng chú ý dư nợ và huy động tiền gửi đến 30/6/2020 tăng lần lượt 10.3% và 18.2% so với đầu năm, là mức cao so với toàn ngành.
Đồng thời với tăng trưởng về quy mô, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính cũng nâng cao. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất HDB đạt 2,908 tỷ đồng, tăng 31.5% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số ROE tăng từ mức 20% lên 21.6%, hệ số ROA tăng từ 1.6% lên 1.97%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (theo Basel II) tăng từ 10.6% lên 11.5%, vượt xa mức tối thiểu 8% theo quy định. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ 21.3% tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có an toàn vốn và thanh khoản cao nhất.
Chỉ có 2 cổ phiếu ngân hàng giảm điểm là TPB và CTG, chưa rõ nguyên nhân vì sao hai mã này lại đi ngược nhóm ngành chung. Song không loại trừ khả năng CTG giảm do áp lực chốt lời bởi cổ phiếu này đã tăng liên tục ở nhiều phiên trước đó. Dù sao, điểm tích cực của CTG là khối ngoại mua ròng 25.8 triệu cp.
Trước đó, trong phiên 28/08, CTG cũng bị khối ngoại bán gần 26 triệu cp qua thỏa thuận. Bên mua được cho là khối tự doanh trong nước. Như vậy cũng không loại trừ khả năng lượng cổ phiếu này được khối tự doanh chuyển lại cho một nhà đầu tư ngoại khác trong phiên hôm nay.
Ở nhóm bất động sản, họ nhà “Vin” đã làm trở thành điểm tựa chung mà đại diện chính là VIC. Ông lớn đầu ngành này đóng cửa tăng xấp xỉ 2% (thực tế có thể tăng 3% nếu không có lệnh đầu phiên ATC khiến giá giảm xuống), ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp. VHM và VRE ghi nhận tăng 1.14% và 3.12% khi thị trường đóng cửa.
Phần lớn cổ phiếu trong nhóm bất động sản đều tăng khá, ngoại trừ một vài tên tuổi khác như KBC giảm, có thể do tin lãi sau soát xét giảm đáng kể; LGL rớt gần 5%; LHG giảm 2.73%...
Ngoài hai nhóm ngành kể trên, nhóm xây dựng và chứng khoán cũng khởi sắc trong phiên giao dịch hôm nay dù có nhiều phân hóa.
Nhìn chung thị trường được nâng đỡ khá nhiều từ nhóm Large Cap, các cổ phiếu thuộc Mid Cap hay Micro Cap chỉ tăng nhẹ, thậm chí Small Cap còn giảm. Dù vậy, thanh khoản toàn thị trường vẫn rất tốt với hơn 450 triệu cp được chuyển giao, tương ứng 8,622 tỷ đồng.
Phiên sáng: Chờ diễn biến tích cực hơn trong phiên chiều
Trong khi chỉ số VN-Index giảm bớt đà tăng thì chỉ số HNX-Index đảo chiều, giảm trở lại từ nửa đầu phiên giao dịch sáng.
Sàn HNX thiếu vắng động lực tăng điểm khi SHB, PVS, THD, DNP, NDN… giảm điểm, cổ phiếu được kỳ vọng là ACB lại đứng giá. Xét trên phương diện kỹ thuật thì chỉ số HNX-Index đang trong đợt điều chỉnh sau khi đã bứt phá mạnh mẽ trong tháng 8 để lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Trên sàn HOSE, nhà đầu tư vẫn đang theo dõi cách chỉ số VN-Index chinh phục trở lại mốc 900 điểm. Song, đến gần cuối phiên sáng thì chỉ số đã thất bại và tạm dừng ở mốc 899.24 điểm, tăng 7.51 điểm, hay 0.84%.
Tổng khối lượng giao dịch cả hai sàn đạt trên 281 triệu cp, tương ứng hơn 5,100 tỷ đồng cho thấy dòng tiền vẫn khá mạnh. Hai cổ phiếu dẫn đầu ngành thép là HSG và HPG cũng là hai mã có khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất thị trường sáng nay.
Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua CTG thì dường như khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng, nổi bật như ở OGC, VHM, KBC, HCM, HSG, NKG, HQC…
10h30: VN-Index vượt 900
Đến 10h30, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt mốc 900 điểm nhờ công lớn của nhóm Large Cap như VIC, VHM, VNM, BID và SAB.
Sàn HOSE đang khớp hơn 150 triệu cp, dẫn đầu gồm HSG, HPG, POW, FLC và GEX. Hơn 27 triệu cp được sang tay qua kênh thỏa thuận, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua 25 triệu cp của CTG. Sở dĩ nói nhóm vốn hóa lớn kéo thị trường là vì nhóm này hiện chỉ có 4 cổ phiếu giảm điểm đến thời điểm này là DHG, SHB, TPB và BHN. 4 mã đứng giá gổm CTG, VCG, GVR và HNG.
Nhóm Mid Cap nhỉnh hơn 1 chút so với tham chiếu, APH, SSI, VGC, VCS là các trụ đỡ chính, ngược lại thì LGC và SBT giảm đáng kể. Riêng SBT phiên giao dịch liền trước tăng điểm nhưng chưa đủ để đảo chiều xu hướng giảm gần đây.
Sau soát xét, giá vốn hàng bán của LGL tăng lên 99 tỷ đồng đã khiến cho LGL báo lỗ ròng mới hơn 58.3 tỷ đồng, gấp 10 lần con số tự lập.
|
Hai cổ phiếu nhóm bất động sản là TDH và LGL giảm điểm sau khi báo cáo soát xét bán niên 2020 được công bố với con số lỗ tăng nhiều lần so với báo cáo tự lập. Với LGL thì cũng dứt chuỗi tăng liên tục nhiều phiên trước đó.
Tất nhiên với con số lỗ này, cả TDH và LGL sẽ bị cắt margin theo quy định, giống như trường hợp của hai ông lớn PLX và HVN cũng vừa được Sở chính thức công bố.
Mở cửa: VIC bứt phá, VN-Index tiếp cận mốc 900
Thị trường tiếp tục duy trì hưng phấn sau ngày nghỉ Lễ, chỉ số VN-Index nhanh chóng kiểm tra mốc 900 điểm nhờ nhóm cổ phiếu Large Cap, đáng chú ý là VIC.
VIC mở cửa tăng hơn 2%, tạo một khoảng gap so với mức đóng cửa phiên giao dịch trước đó. Tại mức giá này (94,000 đồng/cp), VIC đang giao dịch ở vùng cao nhất trong hơn 2 tháng qua. Không chỉ riêng VIC, hai cổ phiếu liên quan khác là VHM và VRE cũng đang giao dịch tích cực và góp mặt vào top 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số sàn HOSE.
Cũng không thể bỏ qua BCM, cổ phiếu này vừa mới được niêm yết lên sàn HOSE được 3 phiên và hiện cũng trần 3 phiên. Với phiên trần hôm nay, vốn hóa BCM đã xấp xỉ 40,000 tỷ đồng. Chỉ có điều, ở 2 phiên trước, dù tăng trần nhưng khối ngoại vẫn bán ròng BCM.
Trong nhóm bất động sản, NVL hơi gây thất vọng khi giảm hơn 1%, bên cạnh LHG, NRC, HPX cũng suy yếu. PTL giảm sàn phiên thứ 3 sau khi cổ đông lớn OIL bán xong 9 triệu cp ngay vùng giá đỉnh.
Sau ít phút trầm lắng, cổ phiếu ngân hàng cũng nhanh chóng gia nhập cuộc đua, VCB tăng 1.3%, HDB tăng 2.8%, STB tăng 1.3%,… nhưng nổi bật hơn là VIB tăng 4%.
CTG đang được khối ngoại bất ngờ mua ròng 24.6 triệu cp bằng hình thức thỏa thuận từ nhà đầu tư nội, hiện chưa rõ ai là tác giả của giao dịch này.
Ở nhóm giảm điểm, DHG và VCF gây áp lực lớn nhất lên chỉ số, bộ đôi TAC và KDC cũng giảm.
Sanh Tín
FILI
|