Nhân dân tệ sẽ là đồng tiền dự trữ lớn thứ 3 thế giới trong 10 năm tới?
Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Sáu, các nhà phân tích của Morgan Stanley dự đoán đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc tăng có thể thúc đẩy việc sử dụng Nhân dân tệ (RMB), đưa nó trở thành loại tiền tệ dự trữ lớn thứ ba trên thế giới - chỉ sau USD và euro.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đã nhiều năm cố gắng thúc đẩy việc sử dụng Nhân dân tệ trên thế giới.
Hiện tại, Nhân dân tệ chiếm khoảng 2% tài sản dự trữ ngoại hối toàn cầu, báo cáo chỉ ra. Tuy nhiên, nó có thể tăng lên, từ 5-10%, vào năm 2030, vượt qua yên Nhật và bảng Anh, các nhà phân tích cho biết. Vào tháng 2/2019, ngân hàng này cũng đưa ra dự báo tương tự.
Trong 18 tháng kể từ đó, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để cho phép nhiều tổ chức tài chính nước ngoài hơn vào thị trường trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ngày càng chuyển sang thị trường Trung Quốc vì tiềm năng thu được lợi nhuận tương đối cao hơn các khu vực khác.
Morgan Stanley dự đoán dòng vốn đổ vào danh mục đầu tư sẽ trở nên quan trọng hơn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thập niên tới, với con số tổng cộng khoảng 3 ngàn tỷ USD.
“Chúng tôi kỳ vọng các nhà quản lý dự trữ và tư nhân sẽ tạo ra hơn 150 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư vào Trung Quốc năm 2020, trong năm thứ ba liên tiếp đánh dấu những chuyển đổi đang diễn ra. Dòng vốn hàng năm sẽ đạt 200-300 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030”, báo cáo viết.
Với những khoản đầu tư này, nhiều tài sản toàn cầu hơn sẽ được nắm giữ bằng Nhân dân tệ, dù trước nay đồng tiền này phải khó khăn lắm mới thu được sức hút ở cấp độ quốc tế. Chính phủ Trung Quốc có truyền thống quản lý chặt tiền tệ, bao gồm cả việc ngăn chặn một lượng lớn vốn rời khỏi đất nước.
Tuy vậy, vào năm 2015, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thực hiện một động thái quan trọng về mặt chính trị khi quyết định thêm Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ chính - hay còn được gọi là rổ quyền rút vốn đặc biệt.
Morgan Stanley dự đoán Nhân dân tệ có thể mạnh lên mức 6.6 Nhân dân tệ/ 1 USD vào cuối năm 2021. Vào thứ Sáu vừa qua, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD là 6.85 : 1.
″Mục tiêu 5-10% không phải viển vông trong bối cảnh thị trường tài chính mở cửa tại Trung Quốc, sự hội nhập thị trường vốn xuyên biên giới ngày càng tăng mà chúng ta thấy trên thị trường cổ phiếu và thu nhập cố định, cùng tỷ lệ ngày càng tăng của các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc. Tất cả những điều này cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ cần nắm giữ nhiều Nhân dân tệ hơn như một phần dự trữ của họ”, chiến lược gia quốc tế James Lord của Morgan Stanley cho biết trong báo cáo.
“Tính đến cuối năm 2019, có khoảng 70 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nắm giữ Nhân dân tệ trong dự trữ của họ, tăng mạnh so với con số 60 vào cuối năm 2018, theo báo cáo quốc tế hóa Nhân dân tệ hàng năm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC)”, Lord nói thêm.
Góp phần vào luận điểm của các nhà phân tích là những thay đổi trong động lực kinh tế của Trung Quốc - vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng - sẽ khiến nước này trở thành nước nhập khẩu vốn. Báo cáo dự đoán tài khoản vãng lai của quốc gia này, bao gồm thương mại và thanh toán cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể chuyển sang âm từ năm 2025 và đạt mức -1.2% GDP vào năm 2030.
“Điều này nghĩa là cần dòng vốn ròng nước ngoài trị giá ít nhất 180 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2025-2030 để bù cho thâm hụt tài khoản vãng lai”, báo cáo cho biết.
Những rủi ro tiềm ẩn
Các ngân hàng trung ương và tổ chức đầu tư có thể xử lý bất kỳ áp lực chính trị nào xung quanh việc phân bổ cổ phần của họ như thế nào là điều vẫn phải chờ xem. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ban đầu chỉ về thương mại, nay đã lan sang lĩnh vực công nghệ, cũng như tài chính.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Tôi tiếp tục hoài nghi về bất kỳ sự gia tăng mạnh mẽ nào của Nhân dân tệ với tư cách là đồng tiền dự trữ chính”.
“Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ lý do gì để bất đồng với các dự báo về tài khoản vãng lai hiện tại của Morgan Stanley, nhưng tôi nhận thấy rất khó để đưa ra dự đoán dài hạn về sự phát triển của tài khoản vãng lai của Trung Quốc. Mức độ điều chỉnh mà Trung Quốc phải thực hiện để cân bằng lại các nguồn cầu trong nền kinh tế của họ là rất đáng kể, và mọi tiền lệ lịch sử đều cho thấy việc điều chỉnh sẽ liên quan đến sự chuyển đổi các thể chế kinh tế (và có thể là chính trị)", ông nói
Tuy nhiên, Morgan Stanley lưu ý có một số rủi ro đối với dự đoán của họ, rằng Nhân dân tệ sẽ tăng trưởng trên thị trường quốc tế, trong đó có việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc với đầu tư nước ngoài chậm hơn dự kiến, sự biến động của thị trường toàn cầu, rủi ro kinh tế của Trung Quốc và sự leo thang đáng kể trong căng thẳng Mỹ - Trung.
"Một lĩnh vực khác mà chúng tôi có thể sai là trong xu hướng quốc tế hóa Nhân dân tệ của Trung Quốc và sự sẵn lòng thêm trái phiếu bằng Nhân dân tệ vào danh mục đầu tư của các nhà quản lý dự trữ. Đừng quên rằng phần lớn sự gia tăng tỷ trọng tài sản dự trữ của Trung Quốc cho đến nay là đến từ Nga và vẫn chưa rõ những nước khác sẽ làm theo ở mức độ nào, đặc biệt là nếu việc mở cửa nền kinh tế rộng hơn không diễn ra kịp thời”.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|