Thứ Tư, 30/09/2020 13:36

Người dân Mỹ lạc quan hơn về điều kiện kinh tế trong tháng 9

Đánh giá của người tiêu dùng Mỹ về chỉ số tình hình kinh tế hiện tại đã tăng từ mức 85,8 điểm lên 98,6 điểm, trong khi đó chỉ số triển vọng kinh doanh trong ngắn hạn cũng tăng 17 điểm.

Người dân Mỹ lạc quan hơn về điều kiện kinh tế. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã có bước đột phá khi tăng lên mức 101,8 trong tháng 9, chấm dứt sự sụt giảm về chỉ số này trong nhiều tháng qua.

Theo báo cáo công bố ngày 29/9, tổ chức tư vấn kinh tế danh tiếng Conference Board công bố báo cho biết niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 9 đã tăng 15 điểm so với tháng trước đó, cho thấy sự lạc quan của người dân về các điều kiện kinh tế hiện tại và trong tương lai gần.

Báo cáo của Conference Board cho biết đánh giá của người tiêu dùng Mỹ về chỉ số tình hình kinh tế hiện tại đã tăng từ mức 85,8 điểm lên 98,6 điểm, trong khi đó chỉ số triển vọng kinh doanh trong ngắn hạn, việc làm và thu nhập cũng tăng 17 điểm, lên mức 104.

Việc chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh được xem là điều bất ngờ vì trước đó, các chuyên gia phân tích chỉ kỳ vọng chỉ số này tăng nhẹ so với mức 86,3 của tháng 8.

Chuyên gia Ian Shepherdson thuộc tổ chức phân tích kinh tế Pantheon Macroeconomics lưu ý tháng 9 ghi nhận mức tăng về niềm tin của người tiêu dùng lớn nhất trong vòng một tháng trong 17 năm qua.

Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ có liên quan tới việc giá cổ phiếu tăng trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm từ mức 10,2% xuống mức 8,4%.

Mới đây, Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan khi tỷ lệ thất nghiệp theo tuần vẫn cao hơn so với mức được cho là tồi tệ nhất ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010.

Tuy nhiên, khảo sát của Conference Board cho thấy tỷ lệ người dân Mỹ đánh giá tích cực thị trường việc làm đã tăng nhẹ, lên mức 22,9%. Trong khi đó, tỷ lệ số người được hỏi bày tỏ khó tìm được việc làm là khoảng 20%, giảm nhẹ so với mức 23,6% của tháng trước đó.

Người dân Mỹ cũng lạc quan hơn về điều kiện kinh doanh khi có tới 18,3% ý kiến đánh giá "tốt" trong khi tỷ lệ đưa ra đánh giá "xấu" lại giảm xuống còn 37,4% so với tỷ lệ 43,3%.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 13/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Về triển vọng trong 6 tháng tới, khảo sát cho thấy 37,1% số người được hỏi kỳ vọng hoạt động kinh doanh có chiều hướng cải thiện, tăng gần 7% so với mức của tháng trước đó. Triển vọng về thị trường việc làm khả quan hơn nhiều với 33,1% ý kiến kỳ vọng sẽ có nhiều việc làm hơn trong những tháng tới.

Theo chuyên gia kinh tế Kathy Bostjancic, những con số này có thể khiến người dân Mỹ an tâm hơn để tăng chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới. Tuy nhiên, trong trường hợp điều khoản hỗ trợ thất nghiệp vốn đã được gia hạn trong Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) hết hiệu lực, điều này sẽ gây tác động ngược đối với tâm lý của người dân Mỹ.

Liên quan đến thị trường việc làm, cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh tại Philadelphia Patrick Harker nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ nhiều khả năng chưa thể trở lại mức như trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và phải đợi tới năm 2023 dù tốc độ hồi phục của nền kinh tế nước này nhanh hơn so với dự báo ban đầu sau thời kỳ sụt giảm mạnh trong quý 2 vừa qua.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Diễn đàn Các thể chế tài chính và tiền tệ chính thức tổ chức, ông Harker nhấn mạnh kịch bản kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh trong nước, trong đó việc các ca lây nhiễm mới giảm là yếu tố quan trọng.

Theo quan chức này, nếu kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi và nước này tránh được làn sóng dịch COVID-19 mới, việc một số lĩnh vực như du lịch, lưu trú tiếp tục bị hạn chế trong thời gian dài sẽ tạo rào cản đối với sự tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm.

Trước kịch bản này, ông Harker hối thúc các nhà lập pháp tại quốc hội lưỡng đảng vượt qua bất đồng, sớm nhất trí về gói cứu trợ mới nhằm giảm những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Trước đó cùng ngày, các nghị sỹ đảng Dân chủ đã nhất trí một dự luật hỗ trợ chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD với hy vọng đạt được một thỏa thuận với Nhà Trắng và đảng Cộng hòa về gói cứu trợ mới vào trước ngày diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11 tới./.

Thanh Hương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Donald Trump và Joe Biden đã nói gì trong cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ đầu tiên? (30/09/2020)

>   'New York đang ở bờ vực của thảm kịch' (30/09/2020)

>   Các rạp hát sẽ trở thành mục tiêu thôn tính thời đại dịch? (30/09/2020)

>   Made in USA - Tham vọng khó với Trump lẫn Biden (30/09/2020)

>   Singapore Airlines mở nhà hàng trên máy bay (29/09/2020)

>   Phong trào chống khẩu trang lan khắp châu Âu (29/09/2020)

>   HSBC: Năm điều sẽ và sẽ không thay đổi của ngành ngân hàng hậu Covid-19 (29/09/2020)

>   Kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau như thế nào (29/09/2020)

>   WB: Tăng trưởng kinh tế châu Á ở mức thấp nhất kể từ năm 1967 (29/09/2020)

>   Kinh tế Trung Quốc phục hồi, 60% dân số vẫn sống trong khổ cực (29/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật