'New York đang ở bờ vực của thảm kịch'
Đại dịch làm tê liệt ngành du lịch, bán lẻ và giải trí. Vắng bóng du khách, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thành phố New York trượt đến bờ vực thẳm của một cuộc khủng hoảng tài chính.
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố New York (bang New York, Mỹ) chạm ngưỡng 16%, cao gấp đôi so với phần còn lại của nước Mỹ. Doanh thu từ thuế thu nhập cá nhân dự kiến giảm 2 tỷ USD trong năm tài chính này. Chỉ 1/3 phòng khách sạn được sử dụng, số lượng căn hộ trống ở quận Manhattan đạt đỉnh.
Theo New York Times, New York chật vật hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới bởi cuộc khủng hoảng kép vì dịch Covid-19. Đại dịch đã cướp đi mạng sống của 24.000 người, hàng trăm nghìn việc làm và hàng tỷ USD tiền thuế thu nhập.
Ngay cả khi ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thành phố hơn 8 triệu dân vẫn không thể kiểm soát được mối đe dọa của đại dịch đối với nền kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố New York cao gấp đôi phần còn lại của nước Mỹ. Ảnh: New York Times.
|
"Chúng ta đang ở bờ vực của thảm kịch"
Nhiều chỉ số kinh tế cho thấy New York sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài lần đầu tiên kể từ những năm 1970. Thành phố phải cắt giảm chi tiêu để bù đắp hàng tỷ USD thuế thu nhập đã và sẽ tiếp tục bị mất.
Thị trưởng Bill de Blasio và Thống đốc bang Andrew M. Cuomo đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp đỡ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa cắt khoản tài trợ liên bang đối với New York.
Thậm chí, thành phố New York có thể phải đi vay để duy trì các dịch vụ công. Những vụ xả súng đang gia tăng. Nhiều cư dân New York tháo chạy đến vùng ngoại ô. Các doanh nghiệp cũng cân nhắc lại về không gian văn phòng. Tình hình này khiến nhiều người nhớ lại vụ sụp đổ tài chính hồi năm 1975 của thành phố.
Các hoạt động giải trí bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.
|
"Chúng ta đang ở bờ vực của thảm kịch", ông Richard Ravitch, cựu quan chức bang, tuyệt vọng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng lần này thậm chí còn tồi tệ hơn năm 1975. "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với thành phố", ông Ravitch cảm thán.
Bang New York cũng hứng chịu cú sụt giảm doanh thu lên đến 14,5 tỷ USD. Thống đốc bang New York cảnh báo nếu không có sự trợ giúp của liên bang, ông sẽ xem xét các lựa chọn bao gồm đánh thuế, cắt giảm, vay nợ và nghỉ hưu sớm.
"Ngay cả tất cả lựa chọn trên cũng không thể lấp đầy lỗ hổng đó", ông nói thêm.
Đại dịch Covid-19 buộc cư dân New York phải thay đổi cách sống và làm việc, ngăn cản nhiều du khách đến thăm thành phố. Lĩnh vực khách sạn và giải trí của vùng đô thị New York bị mất 44% việc làm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu thuế của thành phố.
Doanh thu bán lẻ lao dốc, nhiều cửa hàng trượt đến bờ vực phá sản. Ảnh: New York Times.
|
"Bạn không thể phủ nhận rằng sẽ có nhiều vấn đề trong những năm tiếp theo. Chúng tôi đang kêu gọi một gói kích thích nhưng Washington chẳng làm gì cả", ông Bill Neidhardt, thư ký báo chí của Thị trưởng New York, nhận xét.
Ba trụ cột đối với doanh thu của thành phố là bán lẻ, thu nhập cá nhân và thuế tài sản. Doanh thu bán hàng đã sụt giảm 35% trong quý II/2020 và 15% tính đến nay.
Dọc theo các dãy phố lớn của quận Manhattan - quận đông dân nhất thành phố - là những cửa hàng bị bỏ trống. Một số hãng bán lẻ lớn ở New York như Brooks Brothers, Lord & Taylor và Century 21 đã tuyên bố phá sản. Tại tòa Flatiron, chủ mặt bằng miễn phí cho thuê đến cuối năm. Nhưng hãng mỹ phẩm MAC, công ty con của Estee Lauder, vẫn từ chối và mặt bằng giờ bị bỏ không.
Theo công ty phân tích STR, chỉ 37% phòng khách sạn được lấp đầy trong tuần thứ hai của tháng 9 so với 90% cùng kỳ năm 2019. Tại Manhattan, tỷ lệ căn hộ trống tháng 8 chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 14 năm, theo báo cáo của công ty môi giới Douglas Elliman.
Nền kinh tế thời chiến
Rất nhiều người mất việc làm hoặc làm việc từ xa bên ngoài thành phố. Doanh thu thuế thu nhập cá nhân của New York đã giảm gần 11% trong tháng 8 so với năm ngoái và được cảnh báo sẽ tiếp tục giảm.
Không ai rõ khi nào vaccine chống Covid-19 được đưa vào sử dụng rộng rãi. "Vấn đề mà tất cả khu vực công gặp phải là thiếu hụt tiền mặt trong năm nay và năm sau", Robert W. Linn, cựu ủy viên thành phố, nhận xét. Nếu tình hình tài chính tồi tệ khiến thành phố phải cắt giảm 40% dịch vụ tàu điện ngầm và xe bus, người lao động sẽ phải gánh chịu hệ quả khủng khiếp hơn.
Ông Scott M. Stringer, một quan chức thành phố, thể hiện sự ủng hộ đối với việc chi tiêu thâm hụt, miễn sao đây là một phần của kế hoạch tài chính diện rộng. "Tôi cho rằng chúng ta có nhiều cách để quản lý khoản tiết kiệm, chẳng hạn như giảm dự trữ hoặc đi vay", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, không ai biết liệu việc chi tiêu thâm hụt có thực sự giải quyết vấn đề của thành phố, hay chỉ trì hoãn những điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, chúng còn tạo ra gánh nặng cho thế hệ tương lai với các khoản nợ khó trả.
Thành phố New York có thể buộc phải cắt giảm các dịch vụ công cộng để tiết kiệm tiền. Ảnh: New York Times.
|
Ông Andrew Rein, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Công dân, cho rằng thị trưởng nên đưa ra các kế hoạch chi tiết hơn để giải quyết cơn ác mộng ngân sách đang rình rập. "Chúng ta không hiểu rõ về trận chiến chống lại cuộc khủng hoảng này", ông bình luận.
Thuế tài sản là nguồn thu ổn định nhất. Câu hỏi đặt ra là thành phố New York có nhận được gói cứu trợ liên bang không, và bao nhiêu người giàu sẽ rời khỏi New York, mang theo doanh thu thuế thu nhập cá nhân của họ.
Theo một cuộc khảo sát, chỉ 25% nhà tuyển dụng lớn dự kiến đưa nhân viên trở lại vào cuối năm nay, hơn 50% có ý định trở lại trong tháng 7 tới.
Tòa nhà Empire State đã trở thành một biểu tượng cho thấy đại dịch đã khiến nền kinh tế thành phố trật bánh như thế nào.
Từ đài quan sát trên tầng 102, có thể chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp ngoạn mục của thành phố New York, nhưng rất ít du khách. Sân bay hoang lạnh, chỉ có một công nhân xây dựng đeo khẩu trang, đứng một mình.
Giá trị của công ty sở hữu tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng đã giảm khoảng 50% kể từ đầu năm. "Chúng ta đang ở thời chiến", ông Anthony E. Malkin, Giám đốc điều hành Empire State Realty Trust, cảm thán.
Thảo Cao
ZING
|