Thứ Hai, 14/09/2020 15:03

Nền kinh tế toàn cầu mất bao lâu để phục hồi sau Covid-19?

Dự báo, kinh tế thế giới khó có thể tăng tốc khi vì Covid-19 chưa dứt. Dù các nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng trở lại song cũng phải mất thời gian dài để chữa lành "vết sẹo" do đại dịch.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nền kinh tế toàn cầu cần một thời gian khá dài, có thể là nhiều năm, để khắc phục những tổn thương do Covid-19 gây ra.

Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng, chính phủ các nước đang chịu sức ép rất lớn trong việc đưa ra quyết định nối lại hoạt động thương mại. Trước tình hình đó, kịch bản nền kinh tế thế giới phục hồi ra sao tiếp tục trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và các tập đoàn lớn.

Hiện các quốc gia đang đánh giá ảnh hưởng của đại dịch và đều có chung quan điểm rằng kinh tế thế giới sau Covid-19 sẽ rất khác so với trước đây.

Phải mất một thời gian dài để nền kinh tế toàn cầu có thể hồi phục sau đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)

Đã xuất hiện dấu hiệu của sự mong manh dễ vỡ ở nhiều quốc gia khi đại dịch tái bùng phát đã châm ngòi cho những biện pháp giới hạn mới và càng rót thêm sự thận trọng vào tâm trí người tiêu dùng. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng...

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại nhiều nền kinh tế lớn. (Nguồn: Finantial Times)
Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh. (Nguồn: Finantial Times)

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), có nhiều kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 được đưa ra, trong đó đáng chú ý là 3 kịch bản tăng trưởng: Hình chữ U, hình chữ V, và hình chữ L. Kịch bản hình chữ U là sự phục hồi theo dài hạn với cái đáy dài và phẳng, thể hiện sự tăng trưởng yếu ớt, có thể sẽ là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất đối với kinh tế toàn cầu trong vài năm tới. Kịch bản phục hồi theo hình chữ V nghĩa là sau khi tăng trưởng bị sụt giảm mạnh vì đại dịch thì sẽ như chiếc lò xo bị nén, nền kinh tế toàn cầu sẽ bật tăng mạnh mẽ, nhanh chóng. Kịch bản hình chữ L là triển vọng phục hồi xấu nhất, quá trình phục hồi diễn ra rất chậm do tác động kép từ đại dịch.

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhưng theo mô hình nào - chữ U, V, hay L - sẽ tùy thuộc vào thời gian kéo dài của đại dịch Covid-19 cũng như mức độ ảnh hưởng của nó.

Covid-19 kéo tăng trưởng chạm đáy, nặng nề hơn cả thời kì khủng hoảng kinh tế cách đây hơn một thập kỉ. (Ảnh minh họa: KT)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930.

Tại các nền kinh tế lớn của thế giới, đại dịch Covid-19 tàn phá và để lại hậu quả nghiêm trọng. Giới phân tích phố Wall (Wall Street) đánh giá đại dịch sẽ khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD. Riêng đối với Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, có khả năng sẽ trải qua một chu kỳ yếu kém trong thời gian dài, khi kết hợp với mức nợ cao, sẽ có những ảnh hưởng đến chi tiêu liên bang và thậm chí có thể là khả năng của Mỹ trong việc thực hiện ảnh hưởng toàn cầu khi đất nước hướng nội. "Sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ là một vấn đề rất lớn bởi nền kinh tế này chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu.

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) nhận định Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, sẽ trả một cái giá đắt sau dịch Covid-19 và đánh mất một phần sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Dù mức suy giảm kinh tế trong quý I/2020 cao hơn Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ (-6,8% so với -3,5% và -4,8%), Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi phần nào trong quý II, trong khi - Mỹ sẽ tệ hơn trong giai đoạn này.

Trong 3 nền kinh tế lớn nhất, EU dự báo giảm -7,5%, Mỹ giảm -5,9%, và Trung Quốc tăng 1,2%. GDP của Trung Quốc năm ngoái là 14.000 tỷ USD, tương đương 2/3 của Mỹ (21.000 tỷ USD), và khoảng cách này sẽ rút ngắn thêm. Nếu xu hướng kinh tế này duy trì, hai nền kinh tế sẽ đạt kích cỡ bằng nhau trong vòng một thập kỷ tới, sớm hơn nhiều so với dự báo trước đây.

Vết thương suy thoái của kinh tế thế giới có thể mất nhiều tháng nếu không muốn nói là mất cả năm mới lành lặn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng kiểm soát dịch bệnh, chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia./.

Trần Ngọc

VOV

Các tin tức khác

>   'Brexit cứng' sẽ gây hậu quả nặng nề với ngành ôtô châu Âu và Anh (14/09/2020)

>   SoftBank tính chuyện chuyển về công ty tư nhân và hủy niêm yết? (14/09/2020)

>   Chỉ vài ngành sản xuất của Mỹ định rời Trung Quốc (14/09/2020)

>   Số vụ phá sản chỉ là phần nổi của tảng băng (14/09/2020)

>   Nông dân Trung Quốc thế chấp lợn để vay ngân hàng (13/09/2020)

>   Nhà hàng tại San Francisco chịu cú đúp từ dịch Covid-19 và cháy rừng (13/09/2020)

>   Tesla muốn xuất khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc (12/09/2020)

>   Đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại (12/09/2020)

>   Ai gánh chịu chi phí của cuộc khủng hoảng Covid-19? (12/09/2020)

>   Đà phục hồi kinh tế Mỹ ngày càng mong manh (12/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật