Thứ Hai, 14/09/2020 10:48

SoftBank tính chuyện chuyển về công ty tư nhân và hủy niêm yết?

Các giám đốc của SoftBank giờ lại bàn chuyện trở thành công ty tư nhân khi Tập đoàn đa ngành Nhật Bản này đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược sau hàng loạt thương vụ bán lại tài sản, Financial Times (FT) dẫn lại nguồn tin thân cận.

Lần bán tài sản gần nhất là thương vụ SoftBank bán lại Arm Holdings (công ty chuyên thiết kế chip tại Anh) cho Nvidia của Mỹ. Thương vụ này trị giá 40 tỷ USD và được Nvidia thanh toán bằng tiền mặt và cổ phiếu. Sau thỏa thuận, SoftBank sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Nvidia, FT đưa tin trong ngày 12/09.

Các cuộc bàn luận về chuyện trở về công ty tư nhân được thôi thúc bởi quan điểm cho rằng chiến lược kinh doanh dài hạn của SoftBank đã có nhiều thay đổi cơ bản kể từ khi khởi động quỹ Vision Fund 100 tỷ USD trong năm 2016. Trọng tâm của chiến lược này là SoftBank tự xem bản thân như một nhà đầu tư hay nhà quản lý tài sản hơn là một tổ chức vận hành trực tiếp doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ánh mắt dò xét của các cổ đông về những thương vụ đặt cược vào các cổ phiếu công nghệ của SoftBank càng thôi thúc các lãnh đạo suy xét về việc chuyển thành công ty tư nhân, dựa trên nguồn tin thân cận.

Khả năng SoftBank hủy niêm yết – một điều mà nhà sáng lập Masayoshi Son đã từng đề cập nhiều lần trong quá khứ – sẽ giáng đòn nặng nề đến thị trường chứng khoán Tokyo vì họ đang là doanh nghiệp Nhật Bản gần nhất với những gã khổng lồ tại Thung lũng Silicon về vốn hóa. SoftBank đang chiếm tỷ trọng cao thứ 2 trong Nikkei 225 Average – chỉ số chuẩn của Nhật Bản và nhóm công nghệ chiếm tỷ trọng khá cao.

Các cuộc trao đổi về phương án mua lại cổ phần để nắm quyền quản lý (MBO) dưới sự dẫn dắt của ông Son (hiện đang giữ 26% cổ phần SoftBank) càng được đẩy nhanh khi SoftBank gần kết thúc chương trình bán tài sản đã khởi xướng hồi tháng 3/2020. Mục tiêu của chương trình này là tài trợ 41 tỷ USD cho hoạt động mua cổ phiếu quỹ và trả nợ.

Chương trình bán tài sản được khởi động sau khi cổ phiếu SoftBank rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 trong đợt bán tháo trên thị trường khi Covid-19 ập đến. Điều này cũng ảnh hưởng nặng đến vị tỷ phú “liều ăn nhiều” vì Masayoshi Son vay nợ với tài sản đảm bảo là lượng cổ phần của chính ông. Nợ phát sinh lãi của SoftBank ở mức 115 tỷ USD trước khi bán tài sản. Tại thời điểm đó, SoftBank có lúc bàn đến chuyện hủy niêm yết với sự ủng hộ cuồng nhiệt từ quỹ đầu cơ Elliott Management và quỹ Mubadala của Chính phủ Abu Dhabi.

Kể từ đó, cổ phiếu SoftBank đã hồi phục nhanh chóng lên mốc cao nhất trong 2 thập kỷ hồi tháng trước. Thế nhưng, các lãnh đạo SoftBank tiếp tục phàn nàn, cho rằng đà tăng chủ yếu của cổ phiếu SoftBank đến từ giá cổ phiếu Alibaba, hơn là sự thu hẹp khoảng cách giữa vốn chủ sở hữu SoftBank và giá trị của những khoản đầu tư của Công ty.

Sau khi bán bớt cổ phiếu Alibaba, T-Mobile US và đơn vị viễn thông trực thuộc SoftBank, giá cổ phiếu SoftBank có lúc tăng lên 7,077 yen (tương đương 67 USD) vào ngày 04/08. Nhưng cho dù là vậy, vốn chủ sở hữu của SoftBank vẫn còn thấp hơn 45% so với giá trị tài sản. Tại đỉnh điểm của đợt bán tháo hồi giữa tháng 3/2020, chênh lệch được nới rộng lên 73%.

Tuy nhiên, dạo gần đây, nỗi bực tức của ông Son lại dâng cao, khi giá cổ phiếu SoftBank giảm 7% vì thông tin về những thương vụ đặt cược vào sản phẩm phái sinh gần đây của SoftBank, dựa trên nguồn tin thân cận. Nội bộ của SoftBank hiện vẫn đang phản đối quyết liệt phương án MBO, vì vị thế doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao tại Nhật Bản.

SoftBank từ chối nhận định về vấn đề trên. Những tin đồn SoftBank muốn chuyển thành công ty tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều sau nhịp độ bán tài sản nhanh chóng của SoftBank.

“Xét tới quy mô của đợt mua lại cổ phiếu quỹ, chúng tôi nghĩ việc hủy niêm yết vẫn có khả năng”, Satoru Kikuchi, Chuyên viên phân tích tại SMBC Nikko Securities, viết trong báo cáo công bố hồi tuần trước.

Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng khả năng SoftBank chọn phương án MBO vẫn khá thấp, vì mối quan hệ giữa SoftBank với các siêu ngân hàng tại Nhật Bản đều cậy nhờ vào vị thế là một trong những doanh nghiệp niêm yết đáng giá nhất tại Nhật Bản.

Vũ Hạo (Theo Financial Times)

FILI

Các tin tức khác

>   Chỉ vài ngành sản xuất của Mỹ định rời Trung Quốc (14/09/2020)

>   Số vụ phá sản chỉ là phần nổi của tảng băng (14/09/2020)

>   Nông dân Trung Quốc thế chấp lợn để vay ngân hàng (13/09/2020)

>   Nhà hàng tại San Francisco chịu cú đúp từ dịch Covid-19 và cháy rừng (13/09/2020)

>   Tesla muốn xuất khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc (12/09/2020)

>   Đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại (12/09/2020)

>   Ai gánh chịu chi phí của cuộc khủng hoảng Covid-19? (12/09/2020)

>   Đà phục hồi kinh tế Mỹ ngày càng mong manh (12/09/2020)

>   Trung Quốc 'bơm' hơn 100 tỷ USD cho dự án trong nước (12/09/2020)

>   Ấn Độ cân nhắc gói ưu đãi 23 tỷ USD để thu hút công ty sản xuất toàn cầu (11/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật