Thứ Tư, 16/09/2020 09:52

''Hợp lực'' tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

* Giải ngân vốn đầu tư công nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng

* Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều bộ, ngành xin trả lại vốn ODA

(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, một trong những giải pháp quan trọng được coi như chìa khóa cho tăng trưởng hiện nay đó là phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ tinh thần phải tạo sự chuyển biến đồng bộ nhằm giải ngân mục tiêu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 và sẽ duy trì họp hằng tháng để kiểm điểm tình hình, tìm giải pháp tăng tốc giải ngân...

Cải thiện nhưng không đều

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn đầu tư công đang được tập trung thực hiện, với quyết tâm cao và những giải pháp thiết thực. Hiện, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và 63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Nhờ đó, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8/2020 ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 50,1% và tăng 5,4%).

Tuy nhiên, thực tế giải ngân hiện nay vẫn đặt ra yêu cầu cần tăng tốc độ và có sự bứt phá để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới. Giải thích nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể như giải ngân chậm do giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu.

Cùng với đó, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Việc triển khai tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, việc đôn đốc nhà thầu thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Còn nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù như: Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Bên cạnh đó, do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại.

Về phía địa phương, có thể kể đến quyết tâm của thành phố Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Hà Nội đang tập trung hoàn thiện, sớm khánh thành một số dự án quan trọng như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt, đoạn Vành đai 3 Mai Dịch-Cầu Thăng Long...cũng như tiếp tục khởi công một số dự án mới.

Tại hội nghị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 63 tỉnh, thành trong cả nước vừa được tổ chức gần đây, hầu hết ý kiến các địa phương đều cho rằng, cần sự đôn đốc, theo dõi sâu sát và chuẩn bị kỹ càng của chính quyền trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kể từ lần giao ban tháng trước, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Bộ cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp như: giao ban với từng chủ đầu tư hai tuần một lần, ra nghị quyết những chủ đầu tư nào không giải ngân theo tiến độ cam kết, sẽ không giao đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân của ngành đạt trên 50%.

Còn Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 32% kế hoạch, chủ yếu do giá đất trên địa bàn có sự biến động, từ đó, gây khó khăn cho đền bù, giải phóng mặt bằng.

Quy rõ trách nhiệm, thúc đẩy tốc độ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua làm việc trực tiếp với một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay nhưng cần có nghị quyết đủ mạnh, có thể  điều chỉnh vốn trong nội bộ ngành, thậm chí điều chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Ngoài ra, do các dự án sử dụng vốn ODA mất nhiều thời gian chuẩn bị và yêu cầu chặt chẽ về mặt thủ tục nên cần có sự phối hợp giữa các bộ và địa phương để có sự chuẩn bị sớm.

Đặc biệt đã xuất hiện những cách làm hiệu quả như lãnh đạo đi từng công trình, thường xuyên giao ban, đôn đốc và điều chuyển vốn giữa các dự án; thậm chí chuyển chủ đầu tư hoặc đưa ra chế tài mạnh như: chậm tiến độ thì nhà thầu không được xem xét tham gia các dự án trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh kế hoạch thực hiện giải ngân hết vốn năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020; đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 theo đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Mặt khác, rà soát, tổng hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Hiện các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân công lãnh đạo phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, thường xuyên giao ban theo tháng để nhận diện từng khó khăn, vướng mắc để kịp chỉ đạo điều hành. Các bộ, ngành địa phương chủ động, tích cực hơn trong việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 từ dự án triển khai chậm sang các dự án khác giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Gần đây, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư.

"Các đơn vị cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân; đồng thời, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, các địa phương cũng đã có đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một số địa phương vùng khó khăn cho rằng định mức phân bổ như hiện nay vẫn mang tính chất bình quân, chưa tạo được lợi thế của từng địa phương. Do vậy, Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương kịp thời triển khai sát tình hình thực hiện.

Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu "phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công"./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô lắp ráp trong nước (16/09/2020)

>   Gói hỗ trợ lần 2: Cần có cách tiếp cận trong bối cảnh 'không bình thường' (15/09/2020)

>   Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả doanh nghiệp (15/09/2020)

>   Lập BCĐ quốc gia về tài chính toàn diện (15/09/2020)

>   Gần 60.000 người ở Hà Nội đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (14/09/2020)

>   Nên xem xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân (12/09/2020)

>   Tổng Liên đoàn Lao động lên tiếng việc quỹ kết dư 29.000 tỷ đồng (11/09/2020)

>   Đã phát hành 177.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để cân đối ngân sách (10/09/2020)

>   Bắt đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát: Lộ 13 công ty mua, bán hóa đơn trái phép (10/09/2020)

>   Đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát bị bắt ở Hải Phòng (09/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật