Gói hỗ trợ lần 2: Cần có cách tiếp cận trong bối cảnh 'không bình thường'
Việc hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cần làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ nhanh nhất và khuyến khích họ vay vốn duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động?
Theo báo cáo của Cục Thuế TP.HCM, tính đến hết tháng 7, thành phố “đầu tàu kinh tế” này có tới hơn 21.200 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể kéo theo hàng nghìn lao động bị mất việc làm. Hàng nghìn doanh nghiệp khác tại thành phố cũng đang gặp khó khăn, cần được hỗ trợ khẩn cấp. Trong đó, doanh nghiệp ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề nhất do Covid-19. Nếu như trước đây tỉ lệ lấp đầy tại các khách sạn đạt 70 - 80%, thì hiện nay các khách sạn 4 - 5 sao thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn chỉ đạt 2 - 3%.
Còn tại Hà Nội, hàng nghìn doanh nghiệp đang có nguy cơ phải rút khỏi thị trường nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, do tâm lý lo sợ dịch kéo dài, người dân đã chủ động tiết giảm chi tiêu khiến nhiều hoạt động kinh tế lâm vào đình trệ. Ngoài lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí hầu như không hoạt động, nhiều loại hình thương mại dịch vụ khác như thời trang, điện tử, ô-tô, xe máy, hay thậm chí nhà hàng và quán cà phê cũng đều vắng khách. Từ đó, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại.
Các doanh nghiệp của Hà Nội, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa kịp hồi phục qua đợt dịch Covid-19 trước, lại bị ảnh hưởng tiếp bởi làn sóng Covid-19 thứ 2, càng trở nên yếu ớt.
Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 2, cần rút ra bài học trong việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.
|
“Chúng tôi rất đồng tình với chính sách này nếu như được thông qua. Đây là gói hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Không chỉ DNNVV mà doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp, cả những tập đoàn lớn cũng đang gặp khó khăn. Tôi cho rằng, đây là giải pháp phù hợp của Chính phủ. Đối với DNNVV, chúng tôi mong muốn tăng quy mô, đó là số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng. Chính sách đó cần hỗ trợ về tài chính, tài khóa, nhưng quan trọng nhất là phát triển thị trường trong nước, để làm sao doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cung cấp sản phẩm vào thị trường nội địa để tăng doanh thu”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thời điểm này, Chính phủ cần đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ vừa qua. Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai, cần rút ra bài học trong việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ. Việc tiếp cận với doanh nghiệp để thực thi chính sách cần phải linh hoạt, thậm chí phải theo cách thức mới “không bình thường”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng sẽ giảm, đồng thời, kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước. Không thể đợi doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rồi mới tính toán đến phương án hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến: “Gói hỗ trợ lần thứ nhất không hiệu lực, hiệu quả, bởi chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Chúng ta không có cách tiếp cận không bình thường trong bối cảnh không bình thường mà chúng ta tiếp cận theo lối truyền thống. Trong khi thực thi thì quá nhiều người can thiệp vào, cuối cùng rất nhiều người phải phê duyệt phải chấp thuận, dẫn đến kéo dài thời gian và không thực thi được”.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc cần làm lúc này là rà soát lại các gói hỗ trợ, cần thiết phải mở rộng, căn chỉnh thời gian, đối tượng phù hợp, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh trong nước và khu vực hiện nay còn kéo dài. Không nên đặt nặng vấn đề gói hỗ trợ thứ nhất hay gói hỗ trợ thứ hai, kể cả đối với gói chính sách tài khóa hay tiền tệ.
“Chúng ta phải có tiêu chí, điều kiện cụ thể đối với gói hỗ trợ lần thứ 2 này. Ví dụ như tiêu chí đối với các doanh nghiệp được hỗ trợ, quan trọng nhất là liên quan đến tính lan tỏa. Thứ 2 là tạo công ăn việc làm. Thứ 3 là khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch để đảm bảo bền vững môi trường. Thứ tư là doanh nghiệp đó phải có khả năng phục hồi và cuối cùng là phải có cam kết không sa thải nhân viên”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Trong tình hình hiện nay, gói hỗ trợ có thể kéo dài ít nhất đến hết năm 2020, sau đó tiếp tục kéo dài nếu cần thiết. Bên cạnh đó, với gói chính sách tiền tệ trong giai đoạn này không nên chỉ tập trung vào các đối tượng DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ mà cần quan tâm, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng đến nền kinh tế./.
Thành Trung
VOV
|