Đồng bằng sông Cửu Long đối diện với mùa hạn mặn nghiêm trọng
Theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) đến thời điểm hiện tại, với các kịch bản xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Theo dự báo, Đồng bằng sông Cửu Long có thể đối mặt hạn mặn nghiêm trọng trong mùa khô 2020-2021.
|
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, sông Mekong trong thời kỳ giữa mùa lũ. Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu thế giảm mạnh, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm theo triều cường, ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và các năm gần đây.
Cụ thể, mực nước sông Mekong tại trạm Kratie (Campuchia) có xu thế giảm với cường suất trung bình 37 cm/ngày. Đến 7h ngày 11/9 mực nước tại Kratie là 11,76 m, thấp hơn 7,4 m so với TBNN, thấp hơn 10,86 m so với năm 2019 và thấp hơn 5,32 m so với giai đoạn hạn hán lịch sử năm 2015 và thấp hơn nhiều so với 2000, 2018 cùng kỳ.
Tại Biển Hồ, mực nước hiện Biển Hồ hiện nay đạt 3,74 m, thấp hơn 3,79 m so với TBNN, thấp hơn 1,24 m so với năm 2019, thấp hơn 1,61 m so với năm 2015.
Còn tại khu vực Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), mực nước tuần qua có xu thế giảm với cường suất trung bình 7,8 cm/ngày, và biến đổi theo triều.
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, kể từ đầu mùa lũ (tháng 5/2020) đến nay (đầu tháng 9/2020), dòng chảy trên cả lưu vực sông Mekong đều ở mức rất thấp do lượng mưa bị thiếu hụt so với TBNN từ 30-40%.
Đến nay, trên lưu vực sông Mekong, vùng thượng nguồn (Trung Quốc, Thượng Lào) đã vào cuối mùa mưa; vùng trung và hạ lưu (Trung và Hạ Lào, Campuchia) mùa mưa tiếp tục kéo dài đến khoảng giữa tháng 10/2020.
Theo dự báo của một số tổ chức khí tượng trên thế giới, từ nay đến cuối mùa mưa, lượng mưa trên lưu vực có khả năng cải thiện, cao hơn từ 15-30% so với TBNN.
Xét trung bình cả lưu vực thì lượng mưa năm 2020 khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 5-15%. Ngoài ra, do các hồ chứa ở thượng nguồn hiện đang ở mức thấp nên sẽ tăng cường tích nước. Dòng chảy về ĐBSCL trong các tháng đầu mùa khô khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 20-35%.
Biển Hồ Campuchia là nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện đang có mức trữ thấp (khoảng gần 9 tỷ m3), thấp hơn cùng kỳ TBNN khoảng 23 tỷ m3, so với năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và năm 2019 khoảng 2 tỷ m3.
Đợt hạn mặn năm 2020 khiến hàng chục nghìn người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nước sinh hoạt
|
Với tình trạng mưa, dòng chảy như trên, năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ. Nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia cho thấy, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn TBNN, nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019- 2020.
Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra các kịch bản.
Với kịch bản thứ nhất, mưa trên lưu vực sông Mekong hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế (các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn TBNN), khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức nặng đến rất nặng.
Phạm vi xâm nhập mặn 4 g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn TBNN từ 15-20 km, thấp hơn năm 2015-2016 từ 5-8 km, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km.
Còn kịch bản 2, mưa trên lưu vực sông Mê Công tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức rất nặng đến nghiêm trọng.
Với kịch bản này, phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn TBNN từ 20-25 km, ở mức tương đương với năm 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020.
Tổng cục Thuỷ lợi cho rằng, đến thời điểm hiện tại, với cả hai kịch bản, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 ở ĐBSCL đều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Hiện Tổng cục Thuỷ lợi đang phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam theo dõi sát thông tin từ thượng nguồn sông Mekong và sẽ nhận định sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 để có phương án ứng phó.
Nam Khánh
Tiền phong
|