Thứ Bảy, 12/09/2020 10:13

Doanh nghiệp chết đứng vì bị hủy đơn hàng đột ngột

“Có công ty giày 500 công nhân ở Hải Dương. Họ sản xuất giày cho một hãng lớn. Một ngày kia, hãng "thả" một cái e-mail hủy đơn hàng lúc 3 giờ sáng, không có bất kỳ thông tin nào về việc có trả tiền ra sao kèm theo. Hai tuần sau, công ty đóng cửa vì đây là khách hàng lớn của họ”, Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động kể.

Nhiều người lao động mất việc vì đại dịch, đã sống dưới mức tối thiểu và sống nhờ bằng sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong ảnh: người dân nhận gạo từ ATM gạo ở TPHCM. Ảnh: Tư liệu TBKTSG.

Những trường hợp bị hủy đơn hàng và không hề nhận được bất kỳ trao đổi qua lại nào sau đó như công ty giày kể trên, bà Chi gặp khá nhiều khi thực hiện hai cuộc khảo sát “Quá trình điều chỉnh trong doanh nghiệp do tác động của Covid-19” với 58 doanh nghiệp (triển khai cuối tháng 4, đầu tháng 5) và “Mối quan hệ trong chuỗi cung ứng giày - may - điện tử” với 179 nhà máy (vào cuối tháng 6) nằm ở nhiều tỉnh thành.

Chia sẻ tại hội thảo nghiên cứu có chủ đề “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới quá trình đổi mới quan hệ lao động tại Việt Nam” vừa diễn ra tại TPHCM, bà Chi cho biết các doanh nghiệp ngành giày bị hủy các đơn hàng đang thực hiện nhiều nhất, kế đến là may. Ngược lại, gần như không bị hủy đơn hàng là doanh nghiệp ở ngành điện tử.

Khi bị hủy đơn hàng đang sản xuất dở, nhiều doanh nghiệp bị "chới với" vì nhãn hàng không thông tin về việc giải quyết các vấn đề liên quan như chi trả ra sao. Cũng có không ít doanh nghiệp được trả lời rằng "không trả". May mắn hơn thì sẽ là "chậm trả" nhưng chậm đến bao giờ thì cũng chưa rõ.

“Có doanh nghiệp nói với tôi rằng may thì đến cuối năm sẽ được nhãn hàng trả tiền”, bà Chi kể và nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nói với bà như vậy vào tháng 6.

Cũng theo bà Chi, khảo sát còn cho thấy bên cạnh việc hủy đơn hàng (các hợp đồng đã ký và doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất), các nhãn hàng còn yêu cầu hoãn gửi hàng. Với trường hợp này, doanh nghiệp cũng “chết đứng” bởi hàng không có chỗ chứa và bị hư hại (giày bong keo trong tình hình thời tiết nắng nóng) nếu chờ đợi quá lâu và khi đó cả lô hàng cũng không thể bán lại được.

Lại cũng có nhãn hàng yêu cầu hoãn làm tiếp đơn hàng. Lúc này thì doanh nghiệp vừa “ôm” hàng đã sản xuất, vừa "ôm" nguyên liệu đã mua.

Lại cũng có trường hợp nhãn hàng ép doanh nghiệp phải giảm giá từ 50-70% so với giá ban đầu.

Những hành xử của nhãn hàng với các nhà máy như khảo sát, theo bà Chi, thể hiện mối quan hệ giữa hai bên ở các ngành là rất khác nhau. Điểm mấu chốt ở đây chính là câu chuyện đối thoại giữa hai bên.

Nếu ở ngành giày, may, các nhãn hàng và nhà máy ít trao đổi với nhau thì ở ngành điện tử, việc nói chuyện lại diễn ra từng giờ, từng ngày nhằm tăng cường tối đa hiệu quả của chuỗi cung ứng (cũng với đặc trưng là đi cùng nhau). Do vậy, tỷ lệ hủy đơn hàng ở ngành điện tử rất ít, còn ngành may và giày thì ngược lại.

Vấn đề lớn là với các đơn hàng đã được ký hợp đồng và đang sản xuất dở, doanh nghiệp làm gia công đơn thuần đã phải bỏ tiền mua nguyên liệu. Chính vì vậy, việc bị hủy đơn hàng từ nhãn hàng tác động nặng nề tới doanh nghiệp.

Hệ quả là doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí lao động, phần chi phí lớn nhất trong vận hành. Điều đó có nghĩa là nhiều lao động phải nghỉ việc. Kết quả khảo sát ghi nhận có 71% nhà máy về may mặc, hơn 63% doanh nghiệp về da giày phải thực hiện việc này.

“Rủi ro của nhãn hãng đã được họ đẩy sang nhà máy và cuối cùng thì nhà máy đẩy sang người lao động”, bà Chi nói.

Trong số các lao động phải nghỉ việc do nhà máy mất đơn hàng thì lao động nữ, người đang mang thai, người có hợp đồng ngắn hạn, năng suất kém, lao động ngoại tỉnh, lao động đã lớn tuổi… là những đối tượng được xác định đầu tiên.

Mất việc làm, người lao động không chỉ bị mất thu nhập mà tinh thần còn bất an, lo lắng và cũng đã có không ít gia đình xảy ra tình trạng bạo hành về thể chất và tinh thần. Người lao động phải cắt giảm chi tiêu, trong đó cắt giảm hoàn toàn các nhu cầu đi lại, tập trung cho thực phẩm. Đây là những thông tin mà khảo sát ghi nhận được.

“Những người lao động nữ, di cư và có con là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Họ đã phải cắt giảm chi tiêu về dưới mức tối thiếu. Dưới mức tối thiểu ở đây là đói. Tôi đã gặp những chị mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm từ gạo lấy từ cây ATM gạo chan với mỳ gói”, bà Chi kể.

Minh Tâm

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chuỗi siêu thị Auchan rời khỏi Việt Nam, để lại vụ kiện trăm tỉ đồng (12/09/2020)

>   Ông Diệp Dũng được điều động về Công ty Đầu tư Tài chính (11/09/2020)

>   Năm 2020 bảo đảm cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện (11/09/2020)

>   Ngành đường sắt chạy lại nhiều tàu khách (11/09/2020)

>   Giá điện khó rẻ dù có thị trường bán lẻ cạnh tranh (11/09/2020)

>   Tổng Liên đoàn Lao động lên tiếng việc quỹ kết dư 29.000 tỷ đồng (11/09/2020)

>   Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp lần thứ 2 (11/09/2020)

>   Hàng không Việt đặt cược vào cao điểm Tết (11/09/2020)

>   Thâm hụt thương mại với Trung Quốc thu hẹp, vì đâu? (11/09/2020)

>   Thủ tướng đồng ý mở lại đường bay quốc tế nhưng cần kiểm soát tốt người nhập cảnh (11/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật