Thứ Năm, 03/09/2020 10:46

Doanh nghiệp nước ngoài cần gì nhất khi đầu tư vào Việt Nam?

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 91% tập đoàn đa quốc gia muốn duy trì và mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Đầu tư Toàn cầu 2019/2020: Xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm không chắc chắn. Báo cáo tập trung vào vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc đối phó với những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và thúc đẩy khả năng phục hồi của các quốc gia.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát đối với 2.400 giám đốc điều hành đại diện cho các tập đoàn đa quốc gia tại 10 nước đang phát triển, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Nigeria, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

đầu tư tại Việt Nam ảnh 1
Ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô là hai yếu tố quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo báo cáo, những yếu tố được các tập đoàn đa quốc gia quan tâm là ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường pháp lý. Đáng chú ý là yếu tố chi phí nhân công giá rẻ và đầu vào rẻ chỉ xếp thứ 11.

Quy trình phê duyệt đầu tư rườm rà là trở ngại lớn nhất đối với các công ty được khảo sát. Nhiều chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia gặp trở ngại về pháp lý và quy định, có khả năng giảm hoặc rút tiền đầu tư trong tương lai.

Riêng tại Việt Nam, ba trở ngại lớn nhất đối với chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia lần lượt là quy trình phê duyệt đầu tư, yêu cầu về hàm lượng nội địa và quy định đối với người lao động nước ngoài.

đầu tư tại Việt Nam ảnh 2
Ba trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là quy trình phê duyệt đầu tư, yêu cầu về hàm lượng nội địa và quy định đối với người lao động nước ngoài.

Báo cáo của WB còn chỉ ra rằng chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn đáng kể so với phục vụ thị trường nội địa. Theo đó, tỷ lệ doanh thu xuất khẩu của các công ty sản xuất đa quốc gia tại Việt Nam đứng cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát (74%).

Đầu vào của chi nhánh các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam cũng chủ yếu đến từ nhập khẩu. Tỷ lệ đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa là 64%, dịch vụ 52%. Tỷ lệ này của Trung Quốc lần lượt là 29% và 37%, Thái Lan 37% và 41%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bằng Việt - nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi - nhận định những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu trên GDP cao như Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh khi cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu thế giới, nhất là đối với những doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam.

đầu tư tại Việt Nam ảnh 3
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu sản xuất hàng hóa để xuất khẩu.

"Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chia làm hai nhóm. Nhóm đầu tiên phục vụ thị trường nội địa, tập trung vào hóa mỹ phẩm như dầu gội đầu, kem đánh răng. Nhóm này ít bị tác động hơn. Nhóm còn lại chủ yếu sản xuất giày dép, quần áo, điện thoại di động... để xuất khẩu. Những doanh nghiệp này chiếm phần lớn và sẽ bị giáng đòn mạnh", ông Trần Bằng Việt bình luận.

Nguyên nhân là người tiêu dùng sẽ giảm và thậm chí dừng mua thêm các mặt hàng không thiết yếu như giày dép, quần áo, điện thoại khi nền kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn, thu nhập giảm và triển vọng ảm đạm.

Theo CEO DongA Solutions, Việt Nam nên hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung vào thị trường trong nước nhằm tăng sức đề kháng trong thời kỳ đại dịch. Ông cho rằng một thị trường nội địa đủ mạnh sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền để duy trì hoạt động và ít bị ảnh hưởng vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

đầu tư tại Việt Nam ảnh 4
55% doanh nghiệp cho biết mặt hàng chủ chốt của họ tăng thị phần tại thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, mặt hàng của các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam có xu hướng tăng thị phần ở thị trường trong nước. Khi được hỏi: "Mặt hàng chủ chốt của công ty tăng, giảm hay giữ nguyên thị phần tại quốc gia đầu tư?", có đến 55% doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam chọn tăng và chỉ 12% chọn giảm.

Theo khảo sát, 46% chi nhánh các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng kinh doanh, 45% tiếp tục duy trì hoạt động, 1% thu hẹp hoạt động và 8% chưa lên kế hoạch trong vòng 3 năm tới. Đáng mừng là không công ty nào được khảo sát dự định rời khỏi Việt Nam.

đầu tư tại Việt Nam ảnh 5
91% doanh nghiệp muốn duy trì và mở rộng tại Việt Nam. 0% doanh nghiệp có ý định rời khỏi.

Tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động tại Trung Quốc chỉ 17%, thấp nhất trong số 10 quốc gia. Tuy nhiên, 73% doanh nghiệp vẫn muốn duy trì hoạt động ở đất nước 1,4 tỷ dân.

Việt Nam đứng trên Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc về tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động, nhưng vẫn xếp sau Brazil (49%), Indonesia (57%), Ấn Độ (64%) và Nigeria với 81%.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Cục Hàng không đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế từ ngày 15/9 (03/09/2020)

>   'Nới cửa' cho casino (03/09/2020)

>   Đề xuất hỗ trợ 27.500 nhân viên karaoke, bar, gym ở TP.HCM (03/09/2020)

>   Việt Nam giữ thứ hạng cao về Chỉ số đổi mới Sáng tạo toàn cầu (02/09/2020)

>   Bất thường trong đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương (02/09/2020)

>   75 năm nền kinh tế lột xác (02/09/2020)

>   Du lịch Hội An 'bế tắc' vì COVID-19 (02/09/2020)

>   Làn sóng rao bán khách sạn (01/09/2020)

>   Xử phạt 30 triệu đồng hành vi công chứng, giao dịch, bản dịch giả tạo (01/09/2020)

>   Biểu giá điện mới: Đi ngược mong muốn của Chính phủ (01/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật