Xử phạt 30 triệu đồng hành vi công chứng, giao dịch, bản dịch giả tạo
Từ tháng 9.2020, hàng loạt chính sách pháp luật mới sẽ có hiệu lực thi hành.
Xử phạt 30 triệu đồng đối với hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch giả. Ảnh: Bình Minh
|
Đáng chú ý là Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định mức phạt 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch.
Phạt đến 30 triệu đồng nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch giả tạo
Đó là nội dung mới được quy định tại Nghị định 82/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.9.2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nghị định quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch cụ thể như sau:
Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng; yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch; cản trở hoạt động công chứng.
Đồng thời, Nghị định 82/2020 còn quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi của tổ chức không có chức năng tư vấn pháp luật mà hoạt động tư vấn pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào.
Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần
Nội dung này được quy định tại Nghị định 88/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15.9.2020. Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả không quá 800.000 đồng/người/lần khám. Trước đây, mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp sau khi được bảo hiểm y tế chi trả là không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định mức chữa bệnh nghề nghiệp không quá 15 triệu đồng/người, mức hỗ trợ phục hồi chức năng không quá 3 triệu đồng/người/lượt, mức hỗ trợ đối với người chuyển đổi nghề nghiệp không quá 15 lần mức lương cơ sở.
Quy định mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên
Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm; thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Còn thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH quyết định theo thẩm quyền.
Quy định mới này được đề cập tại Nghị định 84/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.9.2020 về việc hướng dẫn luật Giáo dục 2019 quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo. Trước đây, giáo viên phổ thông có thời gian nghỉ hè theo quy định là 2 tháng, bao gồm nghỉ phép hằng năm.
Một số quy định liên quan đến đăng ký khai sinh
Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng; cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Nghị định 82/2020 của Chính phủ không đề cập về việc đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ bị phạt.
Bích Ngân
Thanh niên
|