Thứ Năm, 17/09/2020 13:28

Dè chừng với rủi ro nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp

Thông tin một doanh nghiệp mới đây phát hành trái phiếu lãi suất lên đến 18%/năm đã gây xôn xao trong giới đầu tư, khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, với sự bùng nổ trong ba năm qua, rủi ro nợ xấu TPDN là điều cần phải dè chừng.

Bùng nổ

Theo báo cáo mới nhất từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị TPDN phát hành trong tháng 8 tăng đột biến lên gần 38.400 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi con số phát hành trong tháng 7 là 19.900 tỉ đồng. Có khả năng các doanh nghiệp đã “chạy nước rút” phát hành trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN có hiệu lực (từ ngày 1-9-2020).

Cụ thể, nghị định mới đã thắt chặt hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tại thị trường trong nước, như quy định mỗi đợt phát hành trái phiếu phải hoàn thành trong vòng 90 ngày từ khi công bố thông tin và đợt sau cách đợt trước tối thiểu sáu tháng; dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất; bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành; điều kiện phát hành đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền cũng theo hướng thắt chặt hơn.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo xu hướng các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu trước ngày Nghị định 81 có hiệu lực có thể dẫn đến nguy cơ về một sự đổ vỡ liên hoàn trong tương lai, đặc biệt khi nhìn vào nhóm doanh nghiệp bất động sản, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã vượt lên dẫn đầu về tỷ lệ phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay. Như trong tháng 8 vừa qua, nhóm doanh nghiệp này tiếp tục dẫn đầu với giá trị phát hành 11.670 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ gần 30,4% - cao hơn so với mức 26% của nhóm ngân hàng - vốn thường dẫn đầu trong những năm trước đây.

Việc các ngân hàng mua TPDN trong thời gian qua có thể nhằm đảo nợ do đó về bản chất các TPDN này đã là một khoản nợ xấu tiềm ẩn sẵn có.

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ nỗi lo ngại trước sự bùng nổ của thị trường TPDN mới được đặt ra, mà liên tiếp những cảnh báo từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) suốt từ năm 2019 đến nay cho thấy rủi ro của thị trường này ngày càng gia tăng đáng kể, khi đã tăng trưởng quá nóng trong hơn ba năm qua.

Thống kê cho thấy năm 2018, khối lượng TPDN riêng lẻ đã phát hành tới hơn 224.400 tỉ đồng, còn lớn hơn số lượng trái phiếu chính phủ phát hành thành công trong cùng năm. Số lượng phát hành năm 2019 theo thống kê của HNX tiếp tục ở mức cao khi đạt gần 296.700 tỉ đồng, tăng mạnh 32%, đưa quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9,01% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019). Và chỉ trong tám tháng đầu năm nay, con số phát hành đã lên tới hơn 237.700 tỉ đồng, tương đương 80% của cả năm 2019.

Đáng lưu ý là tồn tại bấy lâu nay của thị trường TPDN đã được ví như thị trường mở với “ba không”: không có tài sản bảo đảm, không định mức tín nhiệm và không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Với sự dễ dãi như vậy nên không khó hiểu khi các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa công cụ này để huy động vốn, trong bối cảnh tiếp cận vốn vay ngân hàng ngày càng khó khăn hơn, nhất là vốn trung, dài hạn.

Ngân hàng tích cực tham gia

Một đặc điểm đáng chú ý khác chính là việc các ngân hàng không chỉ là một trong các chủ thể phát hành trái phiếu nhiều nhất, mà còn là đối tác mua tích cực nhất lượng trái phiếu mà các doanh nghiệp thuộc các ngành khác bán ra. Như báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, trong số 71.600 tỉ đồng trái phiếu do nhóm các doanh nghiệp bất động phát hành trong quí 2, thì các ngân hàng thương mại đã mua đến 28.200 tỉ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành.

Dù phần lớn TPDN các ngân hàng mua vào trong những năm qua đã sang tay cho các nhà đầu tư cá nhân, thường là những khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, nhưng một lượng lớn TPDN vẫn đang tồn lại tại các ngân hàng.

Như tại Techcombank, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành là gần 38.900 tỉ đồng, tăng gần 8.300 tỉ đồng so với đầu năm, trong đó chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) gần 38.200 tỉ đồng và chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn (HTM) 700 tỉ đồng, cho thấy ngân hàng này tiếp tục rót tiền vào TPDN trong sáu tháng đầu năm nay.

Còn tại MBBank, con số này là gần 23.500 tỉ đồng, tăng gần 8.900 tỉ đồng so với đầu năm, trong đó AFS hơn 22.100 tỉ đồng và HTM hơn 1.300 tỉ đồng.

Tại Vietcombank, tổng số chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành là hơn 25.000 tỉ đồng, trong đó AFS 18.000 tỉ đồng và HTM hơn 7.000 tỉ đồng.

VPBank cũng là ngân hàng đẩy mạnh rót tiền vào TPDN trong sáu tháng đầu năm nay, với số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành đến cuối tháng 6-2020 là 27.800 tỉ đồng (tất cả đều là AFS), tăng gần gấp đôi so với mức 14.200 tỉ đồng hồi cuối năm 2019.

Trước xu hướng các ngân hàng tập trung rót tiền vào TPDN trong thời gian qua, mà có thể dẫn đến những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, NHNN hồi cuối tháng 4 năm nay đã xây dựng dự thảo thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN, trong đó nội dung quan trọng nhất là các tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Chính vì vậy, không loại trừ khả năng một số ngân hàng vẫn đang có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đã tích cực mua vào TPDN trước khi quy định trên của NHNN chính thức có hiệu lực.

Vì sao nên lo ngại phát sinh nợ xấu TPDN?

Đầu tiên là trước tình hình nền kinh tế vẫn đang khó khăn và đối mặt với nhiều rủi ro, hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng suy yếu. Số liệu của Tổng cục Thống kê tám tháng đầu năm cho thấy số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng vọt 70,8% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian qua tuy phần lớn là những tên tuổi lớn đã niêm yết trên sàn, nhưng rõ ràng cũng không tránh khỏi tình trạng chung của nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch, bất động sản, tiêu dùng...

Đơn cử như nhóm doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành TPDN cao trong suốt những năm qua, nhưng trong số này không ít doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền âm liên tiếp qua nhiều năm, cho thấy rủi ro thiếu vốn thường trực và nguy cơ mất thanh khoản gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản và cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Thực tế cũng chứng kiến nợ xấu của ngân hàng liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản khá lớn và thời gian qua các ngân hàng đã phải bán giải chấp tài sản của các công ty bất động sản hoặc những công ty có liên quan đến bất động sản rất nhiều.

Yếu tố thứ hai là việc các ngân hàng mua TPDN trong thời gian qua có thể nhằm đảo nợ, tức khoản vay trước đó của doanh nghiệp đã có vấn đề sẵn, không thể trả nợ đúng hạn cho ngân hàng và ngân hàng có thể phải chuyển thành nợ xấu. Khi đó, giải pháp được đưa ra là doanh nghiệp phát hành trái phiếu để có tiền trả nợ cũ cho ngân hàng, nhưng thực tế lượng trái phiếu phát hành này cũng chính ngân hàng là người mua, do đó về bản chất các TPDN này đã là một khoản nợ xấu tiềm ẩn sẵn có.

Chính vì vậy mà dự thảo thông tư quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán TPDN cũng quy định ngân hàng thương mại không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu phát sinh trong một năm.

Ngoài ra, qua công tác kiểm tra, NHNN phát hiện một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các công ty khác, để các công ty này thực hiện dự án hoặc tiếp tục góp vốn, mua cổ phần... Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát, không mua TPDN khi mục đích sử dụng vốn là để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Và cuối cùng, trong khi các khách hàng vay vốn ngân hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh đang được miễn, giảm lãi, tái cơ cấu nợ theo yêu cầu của NHNN, thì các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lại không có cơ hội hưởng những cơ chế này, do đó vẫn phải chịu trả lãi cao ngất ngưởng, trong khi hoạt động kinh doanh khó khăn, khả năng sinh lời ngày càng suy giảm, thậm chí phải chứng kiến lỗ. Trong tình hình thu không đủ chi như vậy, việc các doanh nghiệp chậm trễ trả lãi trái phiếu đúng hạn và xa hơn là chậm hay không có khả năng hoàn trả gốc nếu xảy ra cũng là điều có thể hình dung.

Thụy Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chủ đầu tư dự án ‘The Spirit of Saigon’ huy động 10,000 tỷ đồng trái phiếu trong 3 tháng (15/09/2020)

>   Doanh nghiệp phát hành gần 40,000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8 trên HNX (15/09/2020)

>   GEG dự kiến phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu (11/09/2020)

>   BIDV đã phát hành 1,867 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8  (28/08/2020)

>   Ngân hàng lách cho doanh nghiệp bất động sản vay bằng mua trái phiếu? (24/08/2020)

>   SAM Holdings dự kiến phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (24/08/2020)

>   HDBank chào bán 1,500 tỷ đồng trái phiếu thành 3 đợt (15/08/2020)

>   Nhằm tăng quy mô vốn, BWE dự kiến phát hành 225 tỷ đồng trái phiếu (17/08/2020)

>   Ngôi độc tôn trên ‘sân chơi’ trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu lung lay? (13/08/2020)

>   Làm sao để trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn? (12/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật