Làm sao để trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn?
Ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn HSBC Việt Nam đã có những chia sẻ về thị trường trái phiếu Việt Nam.
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn khối Khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn HSBC Việt Nam
|
Giá trị của thị trường trái phiếu Việt Nam tăng mạnh
Ông Ngô Đăng Khoa nhận định, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng tiền đồng của Việt Nam chỉ là thị trường nhỏ nhất trong số sáu thị trường trái phiếu doanh nghiệp của khu vực ASEAN, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thị trường này nhờ sự tăng trưởng và ổn định kinh tế, chỉ số lạm phát luôn được kiểm soát tốt và nằm ở mức thấp. Ngoài ra, Chính phủ luôn có các chính sách quản lý và điều tiết phù hợp.
Giá trị của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh, chiếm từ 9.01% tổng GDP của cả nước vào năm 2018 lên 11.3% vào năm 2019, khiến Việt Nam trở thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Á. Ngoài ra, các đơn vị phát hành trong nước đang ngày càng gia tăng nhận thức về các loại hình đa dạng hóa nguồn vốn của mình.
Trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn phổ biến tại Việt Nam
Trong những năm gần đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng và phát triển nhanh chóng cả về khối lượng và giá trị phát hành. Giá trị của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 9.01% tổng GDP cả nước trong năm 2018 lên 11.3% vào năm 2019. "Quy mô thị trường phát triển đã chứng minh trái phiếu doanh nghiệp đã thực sự trở thành một phương thức huy động vốn hiệu quả trong những năm gần đây", ông Ngô Đăng Khoa chia sẻ thêm.
Kênh trái phiếu này hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn để phát triển kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp mọi ngành nghề huy động vốn dài hạn đáp ứng tiêu chí an toàn vốn; giảm áp lực huy động vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại; định hướng đầu tư trung và dài hạn thay vì gửi tiết kiệm ngắn hạn.
Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng thị trường trái phiếu làm kênh huy động vốn vì họ không cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe như thị trường chứng khoán và cũng không cần tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu mà không cần sự giám sát của ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại hiện dùng kênh trái phiếu để đáp ứng các yêu cầu mới về tỷ lệ an toàn vốn và an toàn vốn tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước ban hành và huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ kinh doanh cho mình.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 81 bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế phát hành trái phiếu riêng lẻ để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân và nâng cao trách nhiệm của người bảo lãnh phát hành khi đánh giá năng lực tài chính của các đợt phát hành. Ngoài ra, Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 01/09/2020 cũng quy định tổng số trái phiếu phát hành của doanh nghiệp không được vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu và khoảng cách giữa hai lần phát hành trái phiếu phải tối thiểu sáu tháng. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải kê khai mục đích phát hành và lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng để nhà đầu tư giám sát việc sử dụng vốn.
Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu là cần thiết
Mặc dù tăng trưởng liên tục qua các năm, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ hơn so với các kênh huy động vốn khác. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn dựa vào ngân hàng khi có nhu cầu về vốn hơn là tự phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô tín dụng của Việt Nam đến cuối năm 2019 đã đạt 8.2 triệu tỷ đồng, tương đương với 138.4% GDP của cả nước trong khi trái phiếu doanh nghiệp được lưu hành chỉ đạt mức 11.3% tổng GDP. Giá trị vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực với mức trung bình khoảng 20-50% GDP như Hàn Quốc và Singapore. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã tăng lên nhưng chủ yếu chỉ từ các công ty bất động sản và ngân hàng thương mại.
Để phát triển thị trường, Bộ Tài chính Việt Nam cần nâng cao nhận thức các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng và xây dựng… đối với việc sử dụng kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn mới. Hơn nữa, các chính sách hiện hành liên quan đến đầu tư và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Việc phát hành trái phiếu chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp đã phát triển và tạo dựng được uy tín trên thị trường. Doanh nghiệp cần phải có năng lực quản trị công ty, tính minh bạch và chuyên nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp nên tham vấn các đơn vị chuyên môn để lựa chọn kênh huy động vốn phù hợp nhất nhằm đảm bảo hiệu quả, kỳ hạn phù hợp và chi phí hợp lý.
Một khung đánh giá rủi ro chi tiết thật sự cần thiết để tránh những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường. Thông thường, các vấn đề nảy sinh khi cơ sở hạ tầng của thị trường không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng. Hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tiến hành chào bán trái phiếu ra công chúng cũng gặp rất nhiều thủ tục và yêu cầu phức tạp do đó họ sẽ lựa chọn phát hành riêng lẻ. Chính vì vậy, Việt Nam cần hoàn thiện các quy định pháp luật đối với hoạt động thanh toán, phát hành và kinh doanh trái phiếu.
Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu trong nước đã có sự thay đổi nhờ vào số lượng nhà đầu tư tăng nhanh và ngày càng được đa dạng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện các chính sách để phát triển cơ sở nhà đầu tư, ví dụ như các đơn vị bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu cũng thật sự cần thiết, ví dụ như trái phiếu xanh và trái phiếu do các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực khác phát hành.
Ngoài ra, ở Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm của một tổ chức phát hành vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ đối với hầu hết các nhà đầu tư. Việt Nam hiện đang thiếu vắng các công ty xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vẫn chưa có mặt để hỗ trợ các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp địa phương. Ngoài ra, các nhà đầu tư trái phiếu thường quan tâm nhiều vào lãi suất trái phiếu hơn là xếp hạng tín nhiệm của đơn vị điều hành. Chỉ một vài ngân hàng lớn được các tổ chức như Moody’s, S&P công bố xếp hạng. Để tránh những rủi ro cho các nhà đầu tư và hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm bền vững và trung tâm thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hàn Đông
FILI
|