Đa phần doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc không muốn chuyển sản xuất về Mỹ
Một cuộc khảo sát doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho thấy 96% doanh nghiệp không muốn chuyển sản xuất về nước Mỹ.
Chỉ 4% trong số hơn 200 nhà sản xuất tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho biết sẽ chuyển sản xuất về Mỹ, theo báo cáo công bố ngày 09/09. Hơn 75% cho biết họ không có ý định chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, trong khi 14% cho biết sẽ chuyển sản xuất sang các quốc gia khác.
“Đông Nam Á là địa điểm phổ biến nhất”, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, Ker Gibbs, cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Chắc chắn không phải là Mỹ”.
Nhiều công ty tham gia phỏng vấn tỏ ra bi quan về tình hình quan hệ Mỹ-Trung, trong đó 26.9% cho rằng căng thẳng thương mại sẽ kéo dài mãi mãi, tăng từ mức 16.9% trong năm ngoái. 22.5% công ty khác kỳ vọng căng thẳng kéo dài từ 3 đến 5 năm, tăng từ mức 12.7% trong năm 2019.
Ông Trump lặp lại lời đe dọa tới các công ty Mỹ vào ngày 07/09.
“Nếu các doanh nghiệp Mỹ không thể sản xuất tại đây (nước Mỹ) thì phải bắt họ đóng thuế mạnh khi xây nhà máy ở nơi khác và chuyển hàng vào nước Mỹ”, ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. “Chúng ta sẽ không trao các hợp đồng liên bang cho các công ty nhập nguồn từ Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì đã để dịch bệnh lan ra khắp thế giới”.
Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết hầu hết công ty không định cắt giảm việc làm tại Trung Quốc, trong đó hơn 2/3 công ty cho rằng sẽ duy trì hoặc tăng lượng nhân viên. Khoảng 29% công ty dự tính giảm bớt nhân sự, chủ yếu là do đại dịch Covid-19, Gibbs cho biết.
Chính quyền Trump gần đây nhắm vào nhiều hãng công nghệ Trung Quốc, như Huawei Technologies, Tencent hay ByteDance. Hồi tháng 8/2020, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hạn chế giao dịch với Tencent - chủ sở hữu WeChat - ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ thanh toán đến trò chuyện. Sắc lệnh này dự kiến có hiệu lực từ ngày 20/9.
Gibbs cho biết các công ty thành viên trong Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải lo ngại lệnh hạn chế có thể có quy mô lớn, như cấm họ nhận thanh toán qua WeChat tại Trung Quốc. Việc này sẽ đẩy khách hàng Trung Quốc của họ tìm đến công ty đối thủ.
Doanh nghiệp Mỹ đang kỳ vọng Bộ Thương mại Mỹ chỉ áp dụng lệnh hạn chế này tại Mỹ và cho phép sử dụng WeChat tại Trung Quốc. Nhưng hiện tại, vấn đề này vẫn khá mập mờ. "Chúng tôi vẫn rất lo lắng", Gibbs nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|