Dự báo tăng trưởng GDP chính xác đến đâu?
Tuần rồi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã gây chú ý toàn thế giới khi đưa ra khuôn khổ chính sách tiền tệ mới với việc ưu tiên tạo công ăn việc làm đối với tầng lớp có thu nhập thấp. Việt Nam, trong khi đó, lại nói nhiều hơn về câu chuyện tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.
* Thủ tướng: Việt Nam quyết tâm tăng trưởng dương trong năm 2020
Một số chuyên gia và tổ chức dự báo tăng trưởng dương không còn thực tế, trong khi một số khác cho rằng mục tiêu 2-3% hoàn toàn khả thi.
Giữa các luồng thông tin trên, Chính phủ tuyên bố “phấn đấu GDP tăng trưởng dương năm nay”. Không riêng Việt Nam, vì phần lớn các dự báo kinh tế ở các nước đều khác xa so với thực tế, nên đây cũng là chủ đề của một số bình luận trên báo chí quốc tế gần đây về việc so sánh giữa dự báo kinh tế và dự báo thời tiết.
Các dự báo kinh tế sai lầm do thiếu nền tảng lý thuyết tốt và thiếu cập nhật theo thời gian thực
Các mô hình dự báo của các nhà kinh tế hầu như luôn dựa trên lý thuyết kinh tế truyền thống là chúng luôn trở lại cân bằng sau khi có các biến động. Trong khi trên thực tế, nền kinh tế lại hoạt động giống như bầu khí quyển, khi đó là một sự cân bằng lỏng lẻo trên bề mặt dựa trên một dòng biến động sâu hơn phía bên dưới.
Nhận định về điều này, Tờ Financial Times mới đây có bài phân tích cho thấy, các nhà kinh tế nên học hỏi từ các nhà dự báo thời tiết vì họ luôn dựa vào các dữ liệu theo thời gian thực. Chẳng hạn nếu mưa đang ở hướng Đông và nếu càng nhiều gió thổi mạnh từ hướng này, sẽ có mưa đến sớm.
Ngay khi đã cập nhật theo thời gian thực, các bản tin dự báo thời tiết vẫn luôn được xem là điều gì đó không chắc chắn. Dù vậy, trong nhiều thập niên qua các mô hình dự báo thời tiết ngày càng hoàn thiện và tốt hơn nhiều so với trước. Chúng tương phản so với các thông tin dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế và của chuyên gia.
Thế giới trải qua biết bao cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay các dự báo chính xác. Thậm chí nhiều doanh nghiệp ngày hôm trước còn xếp hạng tín dụng cao nhất, chỉ thời gian ngắn sau bị phá sản.
Cập nhật theo thời gian thực vẫn chưa đủ. Tờ Financial Times còn cho rằng, các nhà dự báo thời tiết còn có đức tính tốt là luôn chịu khó liên tục quan sát, bắt đầu từ những việc khó khăn nhất. Vào thế kỷ 18, các nhà dự báo thời tiết đã biết tận dụng dữ liệu thô thời tiết đến từ các bức điện tín ở các bưu cục trên toàn nước Mỹ và tập hợp chúng lại để vẽ lộ trình của các cơn mưa và bản đồ thời tiết toàn quốc.
Hơn 3 thế kỷ trôi qua, các nhà kinh tế vẫn còn thiếu nghiêm trọng bản đồ “thời tiết” kinh tế có tần suất và độ phân giải cao, bất chấp ngày nay các dữ liệu hoạt động kinh tế được thu thập qua vệ tinh và qua thanh toán điện tử một cách dễ dàng.
Giờ đây với sự xuất hiện của virus corona, các nhà dự báo kinh tế càng phải thận trọng hơn với các kết quả của mình. Đừng để cho phê phán của kinh tế gia John Kenneth Galbraith ám ảnh chúng ta rằng: “Chức năng duy nhất của dự báo kinh tế là giúp cho thuật chiêm tinh trở nên vĩ đại”.
|
Các nhà dự báo thời tiết đã biết dựa trên các cơ sở lý thuyết tốt. Đầu thế kỷ 19, Bjerknes, nhà toán học người Na Uy, đã thiết lập lên nền tảng cơ bản của dự báo thời tiết.
Nếu biết mật độ, áp suất, nhiệt độ, độ ẩm và vận tốc không khí theo 3 chiều và đưa vào phương trình toán của Bjerknes, sẽ có được một kết quả dự báo thời tiết đáng tin hơn. Những dạng phương trình như thế, kết hợp với sự phát triển của hệ thống máy tính và vệ tinh đã làm cho dự báo thời tiết ngày càng được cải thiện.
Trong khi đó, các mô hình dự báo kinh tế bị phê phán nặng nề do thiếu vắng nền tảng lý thuyết về các khối hệ thống tài chính, ngân hàng và hành vi con người vô cùng phức tạp. Đó là chưa kể trong thực tế, các hoạt động trao đổi thương mại trong một quốc gia và phần còn lại của thế giới giống như một mê cung mà các dự báo kinh tế vẫn chưa thể chạm đến.
Các nhà dự báo kinh tế không có thói quen liên tục kiểm tra và bác bỏ các giả thuyết mỗi ngày
Phát triển những nguyên lý của Bjerknes, năm 1961 nhà khí tượng học Edward Lorenz thiết lập một hệ phương trình toán học dự báo thời tiết chạy trên máy tính. Ông hoàn toàn bất ngờ khi cùng 1 dữ liệu lại cho 2 kết quả khác nhau hoàn toàn.
Lý do là có một thay đổi vô cùng nhỏ trong một dữ liệu, số 0,506127 được làm tròn thành 0,506. Dự báo kinh tế cũng không khác gì dự báo thời tiết khi đó là một hệ thống vô cùng phức tạp. Nên sức ì tư duy cho rằng một thay đổi nhỏ trong dữ liệu không ảnh hưởng gì đến kết quả có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Để tránh những sai lầm, các nhà dự báo thời tiết có một thói quen mỗi dự báo buổi sáng là một giả thuyết cần được kiểm tra; mỗi buổi tối giả thuyết đó sẽ được xác nhận hoặc bác bỏ.
Kiểm tra và liên tục bác bỏ các giả thuyết mỗi ngày là điều mà các nhà kinh tế cần có thói quen học tập các nhà vật lý, khí tượng học và khoa học tự nhiên. Nhiều nhà kinh tế giờ thường có mốt thời thượng là hay trưng bày các mô hình kinh tế bóng bẩy kết hợp với việc sử dụng máy học (machine learning) để đưa ra các kết quả dự báo như thể chúng là cánh cửa đi vào tương lai.
Tờ The Economist đã cảnh báo các nhà kinh tế hãy đừng quá đắc thắng và ngạo nghễ về điều này khi trích dẫn ý kiến của giáo sư Deaton (Nobel kinh tế và là chuyên gia khai thác dữ liệu) “nếu chúng ta không biết tại sao mọi thứ đang diễn ra và tại sao chúng ta thực hiện nó, chúng ta sẽ có nguy cơ tạo ra những mối quan hệ nhân quả không có ý nghĩa”.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 mới chớm, khảo sát của những nhà dự báo chuyên nghiệp (Survey of Professional Forecasters) cho kết quả khác xa thực tế. Có đến hơn 70% các nhà kinh tế hàng đầu cho rằng GDP không sụt giảm cho các tháng còn lại của năm.
Hơn 3 thế kỷ trôi qua, các nhà kinh tế vẫn còn thiếu nghiêm trọng bản đồ “thời tiết” kinh tế có tần suất và độ phân giải cao, bất chấp ngày nay các dữ liệu hoạt động kinh tế được thu thập qua vệ tinh và qua thanh toán điện tử một cách dễ dàng.
|
Kết quả thực tế cho thấy GDP có mức sụt giảm quá lớn (8% trong quý IV). Thế giới hiện đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Chỉ một biến cố nhỏ, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc cách mạng, được biết đến như là hiện tượng được gọi là hiệu ứng cánh bướm (với ẩn dụ nổi tiếng chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas).
Và con virus corona bé nhỏ xuất hiện đã làm thay đổi vĩnh viễn nhiều hành vi của con người so với trước đây và cũng có thể đối với các mô hình dự báo kinh tế.
Câu chuyện dự báo khác xa thực tế của các chuyên gia kinh tế hàng đầu nêu trên cho thấy điều gì? Đó là do quán tính tư duy quá lớn. Do vài thập niên trước đó, các nền kinh tế phát triển đã trải qua thời kỳ “đại ổn định”.
Thế cho nên khi có một cú sốc trên thị trường nhà đất năm 2008, họ vẫn cứ nghĩ đó chỉ là tạm thời rồi trở lại điểm cân bằng. Các nhà kinh tế đã phạm sai lầm do họ thiếu chú ý đến chi tiết nhỏ về việc mất niềm tin của con người vào hệ thống tài chính phức hợp sau hàng thập niên con người có thói quen sống trong thời kỳ đại ổn định.
Giờ đây với sự xuất hiện của virus corona, các nhà dự báo kinh tế càng phải thận trọng hơn với các kết quả của mình. Đừng để cho phê phán của kinh tế gia John Kenneth Galbraith ám ảnh chúng ta rằng: “Chức năng duy nhất của dự báo kinh tế là giúp cho thuật chiêm tinh trở nên vĩ đại”.
Trở lại câu chuyện dự báo tăng trưởng Việt Nam từ nay đến cuối năm. Không biết dựa vào mô hình nào mà các chuyên gia có người dự báo tăng trưởng dương 2-3%, có người lại cho là âm. Cũng có thể do đợt Covid-19 thứ hai xuất hiện ở Đà Nẵng nên các dự báo trở nên bi quan.
Nhưng nếu thế, các chuyên gia đáng lý cũng phải cập nhật các ca nhiễm đang giảm dần để bác bỏ các giả thuyết trước đó. Trong đại dịch lần này con người càng thấm thía hơn câu nói “GDP của một quốc gia đo lường mọi thứ ngoại trừ những thứ làm cho cuộc sống trở nên đáng giá”. Tại sao chúng ta lại tin vào các dự báo tăng trưởng và cứ chạy theo nó mãi.
Trần Ngọc Thơ
Sài Gòn Đầu tư tài chính
|