Cơ hội phục hồi ngành sắt thép, xi măng
Dù ảnh hưởng khá nặng nề do tác động của dịch Covid-19, nhưng ngành sắt thép, xi măng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng khi vốn đầu tư công giải ngân được cải thiện và tình hình xuất khẩu sang các nước láng giềng đang rất khả quan.
Nhà máy xi măng Hà Tiên tại quận 9, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
|
Cầu giảm, giá vẫn tăng
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 8 tháng qua, sản xuất thép các loại chỉ đạt 11,6 triệu tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng thép các loại bán ra chỉ đạt 10,4 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ. Đây là con số không mấy khả quan với các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép.
Tiêu thụ giảm, sản xuất giảm, vậy nhưng giá bán thép vẫn… tăng! Về diễn biến giá cả, giữa tháng 6 vừa qua, thép xây dựng tăng giá khoảng 200.000 đồng/tấn. Hiện nay, giá thép xây dựng tăng thêm khoảng 150.000 đồng/tấn, đưa giá hầu hết các sản phẩm thép vượt trên 15 triệu đồng/tấn.
Nguyên do cầu giảm nhưng giá vẫn tăng cao vì giá nguyên liệu thế giới tiếp tục tăng từ đầu tháng 6 đến nay, như phế liệu tăng thêm khoảng 30 USD/tấn. Theo nhận định của ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu thép thế giới tăng liên tục nên giá thép bán trong nước buộc cũng phải điều chỉnh đi lên, mặc dù dịch Covid-19 đã khiến sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm.
Tương tự, thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nửa đầu năm 2020 ghi nhận mức tiêu thụ của ngành sụt giảm 12% so với cùng kỳ ở kênh tiêu thụ nội địa. Nguyên nhân xuất phát từ hoạt động xây dựng chững lại. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu tiêu thụ xi măng đã dần phục hồi. Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đáng kể từ quý 2 vừa qua.
Số liệu thống kê mới nhất về tình hình xuất khẩu clinker và xi măng cho thấy, 7 tháng qua, ngành xi măng vẫn thu về 732 triệu USD nhờ xuất khẩu 19,5 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2019, sản lượng xuất khẩu tăng thêm gần 2 triệu tấn. Điều này được thúc đẩy nhờ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc (tăng 35% so với cùng kỳ và chiếm 52% tổng sản lượng xuất khẩu). Dự báo thị trường tiêu thụ xi măng các tháng tới sẽ phục hồi 3% so với cùng kỳ, nhờ cả nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong năm 2021, nhu cầu có thể phục hồi 3%-5% do sự hồi phục của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhiều cơ hội
Chính phủ đang đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng được chi ra trong năm 2020. Trong đó, có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: Cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Đây cũng là cơ hội cho ngành sắt thép và xi măng trong nước hồi phục và tăng tốc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Một tín hiệu đáng mừng là từ tháng 7-2020 giải ngân đầu tư công đã cải thiện hơn. Dự báo tình hình tiêu thụ cuối năm sẽ theo chiều hướng tích cực. Ước tính nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4%-5% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép). Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Quặng sắt và thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020 và 2% cho cả năm 2020. Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.
Còn theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các DN Việt Nam. Song song đó, Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn FDI bởi khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công vẫn còn rẻ. Khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về xi măng, thép xây dựng.
Tuy nhiên, để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng như kỳ vọng, Hiệp hội Thép và Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị, Chính phủ có thể ưu tiên hỗ trợ bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN, nhưng vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.
Hiệp hội cũng hướng dẫn các DN cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị DN để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để hạn chế thiệt hại.
Lạc Phong
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|