Từ tháng 3-2020 đến nay, Chính phủ chưa cấp bảo lãnh cho dự án mới nào nhưng mới đây vẫn tiếp tục trích Quỹ tích lũy trả nợ gần 52 triệu đô la Mỹ cho hai dự án giao thông theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT). Điều đó cho thấy, gánh nặng trả nợ thay của ngân sách cho doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Dự án La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT mà Chính phủ đang ứng Quỹ tích lũy trả nợ trả thay. Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng
|
Đã trả nợ thay nhiều dự án giao thông
Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Quốc hội hồi tháng 5-2020 cho biết, từ 1-1-2019 đến 30-3-2020 Chính phủ chưa cấp bảo lãnh cho dự án mới nào. Và trong năm 2019, nhờ siết chặt quản lý bảo lãnh Chính phủ, dư nợ Chính phủ bảo lãnh tiếp tục giảm mạnh (giảm 8,1% so với năm 2018).
Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ lại phải ký quyết định yêu cầu Bộ Tài chính ứng 51,93 triệu đô la từ Quỹ tích lũy trả nợ cho Bộ GTVT để trả nợ khoản vay kỳ 9/2020 cho hai dự án BT của ngành giao thông: Dự án La Sơn - Túy Loan và Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 (đoạn Km00 - Km123+105,17).
Dự án La Sơn - Túy Loan là 33,12 triệu đô la và dự án Quốc lộ 20 là 18,8 triệu đô la. Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ và hoàn lại số tiền vay nói trên cùng số tiền vay 746 triệu đô đã ứng trong năm 2019 (trả lãi phạt chậm trả các khoản vay nói trên) trong năm 2020. Mặt khác, Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phải bố trí đủ vốn để thanh toán đầy đủ các khoản vay nói trên đúng hạn.
Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh, trùng với hệ thống tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đến nay vẫn còn đoạn chưa giải phóng mặt bằng xong (đoạn Hòa Liên đi Túy Loan) để đấu nối toàn tuyến từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng. Tổng vốn đầu tư trên 11 ngàn tỉ đồng, trong đó nguồn vốn vay của Ngân hàng Tokyo - Mitsumishi (Nhật Bản).
Dự án BT Quốc lộ 20 nâng cấp 123 km tuyến huyết mạch nối TPHCM đi Đà Lạt, nhằm phát triển công nghiệp nhôm tại hai tổ hợp bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 5264 tỉ đồng cũng vay vốn của Ngân hàng Nhật Sumitomo Mitsui và các bên hợp vốn.
Bộ Tài chính đã ứng vốn trả nợ cho kỳ tháng 3-2018 đến tháng 3-2019 ở hai dự án này (194,2 triệu đô la) và Bộ GTVT đã hoàn trả được một phần.
Do hai dự án đều chưa hoàn thành (La Sơn - Túy Loan) và còn nhiều kết luận của Kiểm toán nhà nước chưa thực hiện (Dự án Quốc lộ 20) nên việc giao kế hơn 3112 tỉ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn (dự phòng) của ngân sách 2016-2020 cho hai dự án là chưa thể giải ngân. Đó cũng là lý do mà phải dùng Quỹ tích lũy trả nợ trả thay.
Hai dự án kể trên không phải là những dự án hạ tầng đầu tiên Nhà nước thay vì chỉ bảo lãnh, đã phải dùng Quỹ tích lũy trả nợ hoặc chuyển từ bảo lãnh Chính phủ sang đầu tư công, vốn ngân sách cấp phát.
Năm 2013-2014, Quỹ tích lũy trả nợ đã phải đứng ra trả thay cho VEC khoản nợ trái phiếu trong nước và trả nợ khoản chuyển vốn ODA cho doanh nghiệp thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng vay lại với tổng giá trị 11.389 tỉ đồng để hoàn trả các khỏan đến hạn không trả được.
Thủ tướng Chính phủ sau đó cho phép các khoản vay không trả được thành ngân sách cấp phát. Các khoản trả thay này bị Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội năm 2016 đánh giá là không đúng quy định của Luật Ngân sách và Hiến pháp (khoản 2, điều 55 của Hiến pháp quy định các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định).
Từ 2018 đến nay, Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh cho hai dự án truyền tải điện với tổng giá trị 1,6 tỉ đô la, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp trong nước.
|
Do vậy, câu hỏi đặt ra là việc ứng tiền từ Quỹ tích lũy trả nợ cho hai dự án BT đã nêu ở trên có đúng quy định không?
Tiềm ẩn rủi ro cho ngân sách
Tại một cuộc họp về tình hình vay nợ và trả nợ Chính phủ hồi tháng 6/2019, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, tổng số tiền Quỹ tích lũy trả nợ đã ứng để trả thay cho các dự án vay lại và các dự án được Chính phủ bảo lãnh đến thời điểm đó khoảng 18.000 tỉ đồng.
Mấy năm gần đây, ngoại trừ Dự án bột giấy Phương Nam coi như đã phá sản, bán không ai mua, Chính phủ phải đứng ra trả thay gần 100 triệu đô la Mỹ thì các dự án xi măng, dầu khí, hàng không... Chính phủ đã ngừng bảo lãnh và không trả nợ thay nữa.
Từ 2018 đến nay, Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh cho hai dự án truyền tải điện với tổng giá trị 1,6 tỉ đô la, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp trong nước. Vậy nhưng đến nay, Quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng tiếp tiền trả cho các dự án hạ tầng giao thông. Điều đó cho thấy, không phát sinh bảo lãnh mới, nợ mới nhưng tình trạng trả thay bảo lãnh nợ cũ vẫn còn không ít và tiềm ẩn rủi ro cho ngân sách.
Cục Quản lý nợ cho biết, có một số rủi ro ảnh hưởng đến an toàn nợ công được nêu ra, như có đến 33% danh mục nợ sẽ đến hạn phải trả trong giai đoạn từ 2020-2021. Lãi suất và kỳ hạn sẽ tăng nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam trong năm nay và một vài năm tới.
Tuy nhiên, cũng ngay tại hội trường Quốc hội hồi tháng 5-2020, Bộ trường Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: thực tế số tiền phân bổ cho kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ giải quyết những tồn tại của các dự án trước đây. Với 9.600 dự án đang triển khai thì có đến 8.000 dự án chuyển tiếp và có 400 dự án khởi công mới. Còn lại là trả nợ và thanh toán. Trong số này thì ngành giao thông dù nhiệm kỳ này dành nhiều tiền để trả nợ nhưng hiện vẫn còn nợ tồn hơn 20 ngàn tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã giãn, hoãn nhiều công trình vì nhu cầu thanh toán nợ đọng cơ bản rất lớn. Hiếm các công trình mới khởi công trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa này cũng là có lý do cả.
Điều này phần nào lý giải cho việc Chính phủ hạn chế cấp tối đa mới nhưng tiềm ẩn rủi ro về bảo lãnh nợ vay cho doanh nghiệp trước đây, bảo lãnh cho đầu tư hạ tầng có nguy cơ không trả được... vẫn treo lơ lửng nhiều năm tới.