Các công ty Trung Quốc vẫn sẽ rời sàn Mỹ cho dù Joe Biden thắng cử?
Căng thẳng Washington - Bắc Kinh ngày càng leo thang có thể thôi thúc các công ty Trung Quốc rời sàn chứng khoán Mỹ.
Nếu thắng cử Tổng thống Mỹ, Joe Biden có thể tiếp tục cứng rắn về các vấn đề thương mại và kinh tế với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc có thể niêm yết cổ phiếu tại Trung Quốc hoặc Hồng Kông thay vì Mỹ.
Hiện có quá nhiều rủi ro chính trị và những rủi ro này khó mà thuyên giảm thậm chí sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và ứng cử viên Joe Biden
|
"Chính quyền Tổng thống Donald Trump rất cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề thương mại và công nghệ hơn các chính quyền trước đây”, Mark Mahaney, Chuyên viên phân tích thuộc hãng RBC Capital Markets, cho hay. “Theo chúng tôi, điều này phản ánh sự thay đổi về tư tưởng của các nhà hoạch định chính sách Mỹ và nếu ông Biden đắc cử, chính quyền mới của đảng Dân chủ cũng sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc".
Điều này giải thích tại sao các nhà đầu tư và chuyên gia tài chính dự báo hàng loạt cổ phiếu Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết tại Mỹ - không chỉ là từ những doanh nghiệp gian lận tài chính như Luckin Coffee, công ty vừa bị “hất cẳng” khỏi sàn Nasdaq trong năm nay sau khi bị phát hiện về những gian lận kế toán.
"Chiến thương mại leo thang và mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi khiến các công ty Trung Quốc kém hứng thú hơn trong việc niêm yết trên sàn Mỹ", ông Brian Bandsma, Giám đốc Đầu tư của quỹ Vontobel Quality Growth, nhận định.
Ông Brian Bandsma cho rằng không phải tất cả công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ rời sàn Nasdaq hoặc sàn New York. Thay vào đó, "thị trường Mỹ không còn là điểm đến mặc định để các công ty Trung Quốc huy động vốn nữa", ông nhận định.
"Chính phủ Trung Quốc hứa mở cửa thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Hồng Kông và Thượng Hải cũng đang cố gắng nâng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán nội địa, đặc biệt là đối với những công ty khởi nghiệp công nghệ cao", vị chuyên gia này cho biết. Ông lưu ý Tencent có thành quả cổ phiếu rất tốt mặc dù chỉ chủ yếu giao dịch tại Hồng Kông.
Ant Financial - công ty con của Alibaba - lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Hồng Kông và Thượng Hải, chứ không Mỹ, mặc dù Alibaba từng IPO rất thành công ở New York hồi năm 2014.
Đe dọa đến vị thế tài chính của Mỹ
Một số công ty Trung Quốc có thể không được phép tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu hủy niêm yết đối với doanh nghiệp Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ. Vẫn còn chưa rõ bao giờ Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Các chuyên gia lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang có thể khiến những công ty Trung Quốc như Alibaba phải rời sàn Mỹ, qua đó giáng đòn nặng nề đến vị thế trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới.
"Nếu được thông qua, dự luật trên có thể gây bất lợi cho Mỹ. Nhiều khả năng, các công ty Trung Quốc sẽ hủy niêm yết trên sàn Mỹ để chuyển sang các sàn giao dịch khác như Hồng Kông và London (Anh)", Agathe Demarais, Giám đốc Dự báo toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit, cho biết trong một báo cáo. "Điều này sẽ giáng một cú đòn vào sự thống trị của Mỹ đối với thị trường tài chính toàn cầu", bà nói thêm.
Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc chỉ là lời đe dọa của các chính trị gia Mỹ trong mùa bầu cử. Các chính sách thực tế có thể sẽ không khắc nghiệt như thế.
“Chúng tôi tin rằng nhiều trong số thông báo này đều chỉ là đe dọa trước kỳ bầu cử và nếu Chính phủ thực sự đưa ra chính sách đối đầu với Trung Quốc thì có nguy cơ gây ra sự náo động trên thị trường cổ phiếu Mỹ trước kỳ bầu cử”, các chuyên viên phân tích này cho biết trong một báo cáo.
Các nhà phân tích tại KraneShares CSI China Internet ETF cho rằng nỗi lo ngại về việc kiểm soát quá chặt đối với doanh nghiệp Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức. Một số người nghĩ rằng nếu trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Biden thậm chí có thể rút lại một số biện pháp trừng phạt thương mại Trung Quốc.
Ông Biden có thể duy trì lập trường cứng rắn đối với các công ty Trung Quốc, như ByteDance, về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và những mối quan ngại khác trong lĩnh vực công nghệ, nhất là vấn đề quyền riêng tư. Tuy nhiên, thuế trừng phạt không phải cách làm ưa thích của cựu Phó Tổng thống Mỹ.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FILI
|