8 KCN Hải Phòng hoạt động không phép: Chậm giải quyết, doanh nghiệp gặp khó
Dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ những năm 2008 nhưng đến nay, 8/12 khu công nghiệp (KCN) tại thành phố Hải Phòng vẫn chưa có quyết định thành lập (giấy phép hoạt động). Thực trạng này khiến hàng loạt doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất rầm rộ nhưng lại không được hưởng các ưu đãi chính đáng theo quy định.
Một góc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: Website doanh nghiệp
|
Ngày 21/8/2006, Thủ tướng ban hành quyết định 1107 phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2020. Mục tiêu chính nhằm hình thành hệ thống các KCN chủ đạo, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia, đồng thời hình thành các KCN có quy mô hợp lý tạo điều kiện phát triển công nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại những địa phương có tỷ trọng giá trị sản xuất CN trong GPD thấp.
Tại Hải Phòng, thống kê của Ban Quản lý(BQL) Khu Kinh tế Hải Phòng cho thấy, toàn thành phố hiện có: 12 KCN, trong đó 8 KCN nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (bao gồm KCN Đình Vũ, MP Đình Vũ, Tràng Duệ, Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ, KCN Nam Đình Vũ, KCN và dịch vụ hàng hải, KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng); 4 dự án KCN nằm ngoài Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, gồm: Nomura, Đồ Sơn, Nam Cầu Kiền và An Dương.
Theo BQL Khu kinh tế Hải Phòng, hiện có khoảng 450 dự án trong và ngoài nước đang đầu tư tại các khu kinh tế, KCN Hải Phòng này. Trong đó, 311 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đầu tư gần 13.580 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 136.350 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả về thu hút đầu tư trong và ngoài nước như trên, BQL Khu kinh tế Hải Phòng cho rằng, có yếu tố quan trọng là hạ tầng giao thông thuận tiện, nhất là phát triển cảng biển, cảng hàng không, đường cao tốc. Bên cạnh đó là sự quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính của lãnh đạo thành phố, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Thế nhưng, dường như do cải cách nhanh quá nên sau nhiều năm đi vào hoạt động, các KCN, KKT này mới lộ ra bất cập.
Mới đây, từ văn bản của Cty TNHH Cơ khí Việt Nhật (VJE) xin miễn thuế NK máy móc thiết bị tạo tài sản cố định cho nhà máy đầu tư ở KCN Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng), BQL Khu kinh tế Hải Phòng lộ ra nhiều thông tin về việc có nhiều KCN hoạt động không phép.
Trong khi đó, đối với KCN Nam Cầu Kiền, theo rà soát của BQL Khu kinh tế Hải Phòng, Cty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec (nay là Cty CP Shinec) được BQL các khu chế xuất và CN Hải Phòng (nay là BQL Khu kinh tế Hải phòng) cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 29/5/2008 để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Nam Cầu Kiền (Vinashin-Shinec). KCN Nam Cầu Kiền có tổng diện tích được phê duyệt lên tới hơn 263ha, trải dài trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tuy nhiên, cuối tháng 7 vừa qua, BQL Khu kinh tế Hải Phòng mới rà soát, phát hiện nhà đầu tư Shinec chưa làm thủ tục để trình UBND thành phố ban hành quyết định thành lập KCN theo quy định tại Nghị định 29/2008 của Chính phủ.
Ngoài Nam Cầu Kiền còn có 7 KCN khác ở thành phố này đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng chưa có quyết định thành lập theo quy định. Cụ thể, gồm có: KCN Tràng Duệ; Khu phi thuế quan Nam Đình Vũ; KCN Nam Đình Vũ; KCN và dịch vụ hàng hải; Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng; KCN MP Đình Vũ; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các KCN trên đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, đã thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các dự án, đưa vào hoạt động sản xuất nhiều năm nay. Khi kêu gọi đầu tư và trong giấy chứng nhận đầu tư, BQL KKT Hải Phòng đã nêu rõ các ưu đãi, hỗ trợ mà nhà đầu tư được hưởng. Điển hình như nhà đầu tư được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), miễn thuế NK đối với hàng hóa NK theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo một cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng, 8 KCN ở thành phố này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ những năm 2008, song đến nay vẫn chưa có quyết định thành lập đang khiến hàng loạt DN hoạt động ở đây không được hưởng các ưu đãi chính đáng theo quy định như miễn thuế NK, thuế giá trị gia tăng (GTGT)…, đối với máy móc thiết bị nhập về để tạo tài sản cố định của dự án. “Các DN FDI, DN chế xuất vào đầu tư mà mất quyền ưu đãi, không được miễn thuế NK, thuế GTGT thì nay phải nộp hàng tỷ đồng tiền thuế. Tình trạng này khiến môi trường đầu tư tại Hải Phòng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, vị cán bộ Hải quan chia sẻ.
Cũng theo cán bộ Hải quan trên, đến nay Chi cục Hải quan Khu chế xuất - Khu CN Hải Phòng đã báo cáo thực trạng 8 KCN chưa có quyết định thành lập lên Cục Hải quan TP. Hải Phòng để có phương án tháo gỡ. Thực tế này dẫn đến việc nhiều DN chế xuất, DN FDI nội địa vốn không chịu thuế nay phải đóng thuế.Theo lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm chính thuộc về BQL Khu kinh tế Hải Phòng.BQL này đã không tham mưu kịp thời, đốc thúc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình lãnh đạo tỉnh, thành phố thẩm định và cấp phép.
Liên quan vấn đề này, cuối tháng 8, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng để tìm hiểu. Sau đó, ông Tùng cử một người tên Lượng - chuyên viên phụ trách báo chí của UBND thành phố liên hệ với phóng viên. Theo đề nghị của ông Lượng, phóng viên đã gửi giấy giới thiệu và nội dung cần lấy thông tin. Tuy nhiên, đến ngày 10/9, ông Lượng vẫn cho biết dự kiến trong ngày 10/9 này, lãnh đạo thành phố mới phát văn bản giao BQL Khu kinh tế Hải Phòng chuẩn bị nội dung trả lời, khi nào có sẽ báo phóng viên xuống làm việc sau.
Trả lời chúng tôi, Trưởng BQL Khu kinh tế Hải Phòng Phan Văn Mợi cho biết, đang rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục để trình UBND thành phố thẩm định cấp phép theo quy định.Như thế, doanh nghiệp sẽ còn phải chờ rất lâu nữa mới có thể có đủ được các loại giấy tờ, thủ tục để được miễn thuế. Và cũng chưa ai dám chắc họ có bị truy thu thuế hay không nếu thủ tục cấp phép hoạt động cho các KCN không được thực hiện.
Tuấn Nguyễn
Tiền phong
|