Thứ Hai, 14/09/2020 08:18

Vì sao xây dựng trái phép ở Bình Chánh luôn 'nóng'?

Theo tìm hiểu của PV, từ nhiều năm qua, Bình Chánh luôn là điểm nóng xây dựng trái phép với hàng nghìn công trình vi phạm đủ quy mô...

Dự án khu dân cư ở xã Tân Nhựt do Công ty Huỳnh Thông làm chủ đầu tư đã xây dựng 222 căn nhà. Ảnh: Đình Sơn

Huyện Bình Chánh (TP.HCM) những năm qua luôn là điểm nóng xây dựng trái phép, bất chấp thực tế nhiều đời chủ tịch huyện đã bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng này. Vì sao xây dựng trái phép ở đây kéo dài và phức tạp?

Mới đây, vào đầu tháng 9.2020, UBND H.Bình Chánh có báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng cùng các sở ngành liên quan về một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trong đó có viện dẫn nguyên nhân “địa bàn rộng, dân cư đông, lực lượng mỏng, công chức địa chính - xây dựng kiêm nhiệm nhiều công việc”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là nguyên nhân cốt lõi.

Xử lý dây dưa, người vi phạm nhờn luật

Theo tìm hiểu của PV, từ nhiều năm qua, Bình Chánh luôn là điểm nóng xây dựng không phép, sai phép với hàng nghìn công trình vi phạm đủ quy mô; từ xây dựng lén lút căn nhà vài chục mét vuông cho đến cả khu dân cư rộng hàng ngàn mét vuông. Thế nhưng, các công trình vi phạm không được xử lý dứt điểm, khiến nhiều người tiếp tục vi phạm xây nhà không phép trên đất nông nghiệp. Từ năm 2016 đến tháng 3.2020, UBND H.Bình Chánh ban hành 270 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng mới thực hiện xong 197 trường hợp, còn ở cấp xã cũng mới chỉ thực hiện xong 434/519 quyết định xử lý vi phạm hành chính về xây dựng...

Để xây dựng sai phạm và không phép thì phải có sự làm ngơ của cán bộ, đơn vị quản lý, chứ làm sao có thể nói là không biết được. Do đó, cần phải chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, lãnh đạo phải có biện pháp kiểm soát hoạt động công vụ cấp dưới

Ông Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP.HCM

Không chỉ xây dựng không phép ở các công trình nhỏ mà ngay cả những dự án bất động sản quy mô lớn ở H.Bình Chánh cũng vi phạm quy định về xây dựng, kéo dài qua nhiều thời kỳ lãnh đạo huyện. Có thể kể đến dự án khu dân cư trung tâm thương mại tại xã Tân Nhựt và khu dân cư An Hạ. Cả 2 dự án này đều không đủ điều kiện khởi công, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; nhưng đến nay đã hình thành khu dân cư, người dân xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định. Còn 2 dự án khác của Công ty TNHH tư vấn đầu tư Phi Long, gồm dự án khu dân cư Phi Long và khu dân cư Hải Yến (đều ở xã Bình Hưng) thì vi phạm về tổ chức thi công xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Ngoài ra, ở Bình Chánh còn nổi lên với các “dự án tự xưng”, không có giấy tờ pháp lý về công nhận thực hiện dự án, tự phân lô, bán nền, tổ chức hội nghị khách hàng, rao bán bất động sản trên đất nông nghiệp hoặc đất ở cấp cho hộ gia đình...

Điển hình nhất trong xử lý dây dưa là với khu ẩm thực Bình Xuyên và nhà hàng Hương Dừa (xã Bình Hưng). Hai công trình này rộng hàng chục ngàn mét vuông, vi phạm kéo dài hơn chục năm nhưng không được giải quyết dứt điểm. Mới đây, UBND H.Bình Chánh rà soát, lập hồ sơ lại và... chuyển cho Sở TN-MT xử lý. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc chuyển hồ sơ cho đơn vị khác xử lý phải chăng nhằm thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, nói rằng “không phải đùn đẩy, thoái thác mà phải làm theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính, một hành vi không thể xử phạt 2 lần”.

Cụ thể, theo ông Tài, nhà hàng Hương Dừa vi phạm từ năm 2005, xã lập hồ sơ nhưng chưa xử lý dứt điểm. Đến khi người dân tái phạm cũng không phát hiện kịp thời. Đối với khu ẩm thực Bình Xuyên, chủ nhà hàng chỉ có một phần đất, còn lại thuê từ nhiều chủ khác rồi san lấp, UBND xã Bình Hưng lập hồ sơ xử phạt, nhưng không thực hiện. Đến năm 2014, chủ nhà hàng tiếp tục tái phạm, UBND xã Bình Hưng tiếp tục lập hồ sơ, nhưng vẫn không xử lý dứt điểm.

“Sau khi rà soát lại các hạng mục vi phạm và lập biên bản, mức phạt đối với người sử dụng đất lên đến hơn 210 triệu đồng. Mức phạt này thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM nên chúng tôi chuyển hồ sơ cho Sở TN-MT tham mưu, xử lý”, ông Tài nói.

Nhân lực “mỏng” hay ngó lơ vi phạm ?

Để xảy ra những vi phạm xây dựng kéo dài và phức tạp, ông Tài đưa ra nhiều lý do như địa bàn rộng, dân cư đông...; trong khi công chức có chức năng lập hồ sơ vi phạm về đất đai và xây dựng mỏng, trung bình mỗi xã chỉ có 3 công chức. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra xây dựng có 69 người làm nhiệm vụ kiểm tra và lập biên bản hành vi xây dựng sai phép đối với công trình có giấy phép xây dựng; còn lực lượng trật tự đô thị có 81 người, nhưng nhiệm vụ chính là đảm bảo trật tự lòng lề đường, chứ không có chức năng lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai, trật tự xây dựng. Do đó, UBND H.Bình Chánh đề xuất Sở Xây dựng cho thanh tra xây dựng địa bàn hỗ trợ lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm trên đất phi nông nghiệp, công chức địa chính - xây dựng của xã lập biên bản vi phạm trên đất nông nghiệp.

Đề xuất giải pháp “phần ngọn”

Tháng 5.2020, UBND H.Bình Chánh đề xuất mỗi xã, thị trấn mua máy xúc hiệu Kobe để chủ động xử lý, ngăn chặn từ đầu các công trình vi phạm xây dựng, cưỡng chế công trình vi phạm khi đã có quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM cho rằng việc cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm chỉ có tính chất thời vụ, không phải nhu cầu thường xuyên, vì trách nhiệm của địa phương là phải quản lý chặt chẽ không để xảy ra vi phạm xây dựng. Do đó, Sở đã bác đề xuất mua sắm máy xúc bởi “chưa đảm bảo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả”.

Thế nhưng mới đây, UBND H.Bình Chánh lại đề xuất chấp thuận chủ trương mua sắm máy xúc cho các xã, thị trấn.

Về vai trò của thanh tra xây dựng, trong kết luận thanh tra công bố cuối tháng 8.2020, Thanh tra TP.HCM xác định để xảy ra các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương còn có Đội thanh tra địa bàn H.Bình Chánh thuộc Thanh tra Sở Xây dựng. Do đó, Thanh tra TP.HCM đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể liên quan những tồn tại, sai phạm. Căn cứ nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã: Bình Hưng, Tân Quý Tây, Vĩnh Lộc B, Tân Nhựt. Nếu có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo, đầu cơ đất, vi phạm pháp luật hình sự... thì báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra làm rõ. Đồng thời, rà soát các trường hợp vi phạm đã có quyết định xử phạt thuộc thẩm quyền Thanh tra Sở Xây dựng và quyết định do Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành để giải quyết dứt điểm.

Theo ông Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP.HCM, vi phạm trật tự xây dựng khu vực vùng ven phức tạp có nguyên do quy trình giám sát, đánh giá năng lực cán bộ chưa được chặt chẽ nên dẫn đến chuyện “ngó lơ” cho công trình vi phạm.

“Cách đây hơn 1 năm trở về trước, có tình trạng chủ đầu tư xây dựng quan hệ với cán bộ địa phương để xây dựng không phép, còn thanh tra xây dựng cũng chưa nghiêm túc lắm nên dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng tràn lan. Khoảng một năm qua, vi phạm xây dựng dù được kéo giảm nhưng vẫn còn tái diễn”, ông Thắng nói và nhấn mạnh: “Để xây dựng sai phạm và không phép thì phải có sự làm ngơ của cán bộ, đơn vị quản lý, chứ làm sao có thể nói là không biết được. Do đó, cần phải chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, lãnh đạo phải có biện pháp kiểm soát hoạt động công vụ cấp dưới”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, để lập lại trật tự, kỷ cương trật tự xây dựng trên địa bàn H.Bình Chánh, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, tham nhũng trong quản lý đất đai, xây dựng ở địa phương này.

Sỹ Đông

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Gần 10.000 căn hộ bỏ trống ở Sài Gòn (12/09/2020)

>   Giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành đang chậm (12/09/2020)

>   Ông Nguyễn Thành Tài sắp hầu tòa (12/09/2020)

>   2.200 tỷ đồng xây cầu nối TP HCM với Đồng Nai (11/09/2020)

>   Nguồn tiền khổng lồ chôn trong đất công bỏ trống (11/09/2020)

>   TCH đã hoàn thành bàn giao trên 65% sản phẩm dự án Hoàng Huy Mall (10/09/2020)

>   TCH đón đầu thị trường căn hộ đang dần định hình ở Hải Phòng (10/09/2020)

>   Vụ chuyên viên tuồn sổ đỏ: Đại gia bất động sản vỡ nợ hơn 500 tỉ đồng (10/09/2020)

>   Vụ 'hô biến' đất trường thành biệt thự: Bắc Ninh thanh tra toàn diện dự án (10/09/2020)

>   Đối thoại với người dân Thủ Thiêm trước ngày 15.10 (10/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật