Xuất siêu hơn 10 tỉ USD giữa bão Covid-19
Bất chấp nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn vì Covid-19, cán cân thương mại Việt Nam vẫn thặng dư hơn 10 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, xuất siêu tăng mạnh giữa đại dịch Covid-19 là điểm sáng tích cực. Ảnh: Nguyên Nga
|
Việt Nam vẫn được ưu tiên chọn mua hàng
Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15.8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 160,24 tỷ USD, tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,16 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập khẩu lại giảm dẫn đến thặng dư thương mại tăng mạnh. Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất siêu hơn 10 tỷ USD, cao hơn 3 lần so cùng kỳ năm ngoái; cùng kỳ 15.8.2019, Việt Nam xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu của ngành hải quan thống kê trên thì có thể thấy xuất siêu tăng mạnh chủ yếu do nhập khẩu giảm. Không những vậy, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu từ ngày 1 - 15.8 đạt 12,68 tỷ USD, tức giảm 9% (tương ứng giảm 1,25 tỷ USD về số tuyệt đối) so với nửa cuối tháng 7.2020.
Đánh giá một cách thận trọng, không quá hồ hởi với con số 10 tỷ USD xuất siêu, tôi vẫn thấy đối tác nước ngoài nhìn thị trường Việt Nam với cái nhìn thiện cảm thực sự
|
Bên cạnh đó, nhiều nhóm hàng xuất khẩu và nhập khẩu chủ lực đều bị giảm so với nửa cuối tháng 7 trước đó. Chẳng hạn, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 438 triệu USD (18,6%); xuất khẩu hàng dệt may giảm 255 triệu USD; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 78 triệu USD (12,8%); xuất khẩu thủy sản giảm 65 triệu USD (14,6%)...
Dù vậy, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp (DN), đánh giá xuất siêu lớn sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
“Nói rằng việc xuất siêu do nhập khẩu giảm cũng đúng. Các ngành sản xuất có sử dụng lao động lớn bị ảnh hưởng phải cho thôi việc nhiều, lý do các đơn hàng xuất khẩu giảm. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, các nước vẫn đặt Việt Nam ở vị trí ưu tiên và chọn để mua hàng từ Việt Nam thay vì các quốc gia đang vướng lệnh trừng phạt vì bảo hộ sản xuất, hoặc trong vòng vây thương chiến kéo dài... là điều đáng mừng”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân phân tích và nhấn mạnh: “Đánh giá một cách thận trọng, không quá hồ hởi với con số 10 tỷ USD xuất siêu, tôi vẫn thấy đối tác nước ngoài nhìn thị trường Việt Nam với cái nhìn thiện cảm thực sự. Trong đại dịch, Việt Nam đã bị tái dịch, nhưng các biện pháp phòng chống có hướng xử lý khá nhất quán, giữ được nền kinh tế ổn định theo chiều hướng tích cực. Thế nên, phải nhìn đây là điểm sáng trong bức tranh tối của Covid-19”.
Doanh nghiệp nội địa có dấu hiệu phục hồi tốt hơn
Nhận định xuất siêu chỉ có ý nghĩa thực sự khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu tăng đều, nhưng PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính, vẫn cho là nên lạc quan hơn là bi quan khi nhìn con số này. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) trong 7 tháng của năm giảm gần 5% trong khi khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%. Về nhập khẩu, 7 tháng, khối DN FDI cũng giảm nhập gần 11% trong khi DN trong nước chỉ giảm 3%.
Đại dịch như một con sông, khi nó khô cạn, sẽ trơ đáy với nhiều đá sỏi lồi lõm. DN nào đủ bản lĩnh và sức khỏe, vượt qua được lòng sông đầy đá sẽ có sức bền tốt và khả năng thích ứng, phát triển cao thêm một bậc.
|
Ông Thịnh nói: “Giá trị nhập hàng và xuất hàng giảm mạnh lại tập trung vào khối DN FDI trong khi khu vực DN nội địa có tỷ lệ giảm thấp hơn cho thấy, nền kinh tế bước đầu có dấu hiệu hồi phục nhất định. Thế nên, Việt Nam mặc dù giãn cách xã hội cả tháng, phòng chống dịch căng thẳng, nhưng xuất khẩu hàng vẫn đang phát triển tương đối tốt”.
Tuy số liệu của hải quan chỉ là bước ban đầu để đánh giá, bên cạnh sản xuất xuất khẩu còn có các hoạt động thương mại, bán lẻ, dịch vụ, nhưng theo vị này, những con số đầu vào, đặc biệt số xuất siêu tăng mạnh đã phản ánh thực tế rất rõ ràng là trong xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam đã tăng đáng kể. Trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, nền kinh tế thế giới như “ngồi trên đống lửa”, con số xuất siêu trên 10 tỷ USD của Việt Nam vẫn nên được đánh giá công tâm và tích cực.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bổ sung: “Đây là niềm tin để chúng ta có thể nỗ lực tăng xuất khẩu, thu hẹp khoảng cách kim ngạch xuất khẩu giữa DN nội địa và FDI ngày càng ngắn hơn. Chiều hướng sản xuất kinh doanh của Việt Nam đang có hướng hồi phục, không quá đáng sợ như ta nghĩ”.
Nguyên Nga
Thanh niên
|