Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Nhiều hàng xuất khẩu chủ lực hưởng lợi
Trong khi Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản thì EU đang nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: TTXVN)
|
Việt Nam có lợi thế là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có FTA với EU, cùng với cam kết cắt giảm hầu hết các dòng thuế, EVFTA tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng tương tự của các quốc gia khác chưa có FTA với EU.
Nông lâm thủy sản được hưởng lợi ngay
Trong khi Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản thì EU đang nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm.
Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vào EU vẫn còn rất lớn. Trong số đó các mặt hàng nông sản mà Việt Nam đang có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như thủy sản, gạo, càphê, rau quả, hồ tiêu, ca cao đều được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn...
Phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ ra rằng, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội rất lớn khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ thủy sản trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.
Đặc biệt, EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam.
Các hiệp định trước đó chỉ giúp đưa thuế nhập khẩu từ vài phần trăm trước đó về bằng 0% nhưng với EVFTA, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế).
Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.
“Trước khi có EVFTA, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trung bình trên 10%. Khi EVFTA có hiệu lực, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU. Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phục hồi lại đà xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, đặc biệt là các nước nói tiếng Tây Ban Nha. EVFTA với các điều khoản về cam kết về môi trường và truy xuất nguồn gốc chặt chẽ sẽ giúp tâm lý các nhà nhập khẩu yên tâm hơn, từ đó gia tăng được số lượng xuất khẩu,” ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo sang EU-27 (trừ Anh) năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018. Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Do đó, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU là rất lớn.
Là doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin, trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo đang là một trong những mặt hàng chịu thuế cao nhất khi vào EU.
Mức thuế suất mà EU áp lên gạo xay xát Việt Nam là 175 euro/tấn (khoảng 4,67 triệu đồng), gạo tấm là 65 euro/tấn và 211 euro/tấn đối với thóc. Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, chỉ khoảng 700 USD/ tấn nhưng khi cộng thuế thì rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác.
Do đó, mặc dù nhu cầu gạo của EU lớn và năng lực xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng rất lớn nhưng năm 2019 Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được hơn 15.000 tấn gạo vào thị trường này.
“Theo cam kết EVFTA, EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm gạo xay xát và gạo thơm với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Khi không phải chịu thuế, gạo Việt Nam bán tại EU sẽ có giá thành thấp hơn gạo nhiều quốc gia khác, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, kích thích nhà nhập khẩu và người tiêu dùng ưu tiên mua gạo của Việt Nam,” ông Phạm Thái Bình phân tích.
Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dư địa thị trường EU đối với sản phẩm đồ gỗ còn rất lớn. EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới và mặc dù Việt Nam là trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất vào EU còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của EU.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, với các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức gia công thì việc cắt giảm thuế quan không có nhiều ý nghĩa vì phía nhập khẩu là người nộp thuế.
Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, nhà nhập khẩu EU có khả năng sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế. Giá thành đồ gỗ Việt Nam tại EU cũng sẽ giảm và trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Cửa rộng cho da giày, dệt may
Bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Trưởng phòng Chiến lược và Chính sách hội nhập Bộ Công Thương nhận định, khả năng phát triển của ngành da giày Việt Nam sẽ còn rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của EVFTA.
Cấp đông sản phẩm cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam tại khu Công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Cụ thể, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Vì vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời tạo xung lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ.
Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500.000 lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hầu hết công nhân làm việc trong ngành da giày Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia, Myanmar…
Ông Đặng Tuấn Tú, đại diện Công ty Changshin Việt Nam (Đồng Nai) chuyên gia công, xuất khẩu giày da, thông tin, mặc dù giày da Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ nhưng những năm gần đây chịu sự cạnh tranh ngày càng mạnh của một số quốc gia châu Á khác, đặc biệt là cạnh tranh về giá tại thị trường EU.
Do đó, khi EVFTA có hiệu lực với hầu hết dòng thuế được cắt giảm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Tương tự, ông Trương Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty Cá sấu Huy Hoàng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thị trường châu Âu có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm đồ da, từ giày dép tới túi xách da, người châu Âu đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm có thiết kế riêng, may thủ công như túi, ví từ da cá sấu, da đà điểu…
Tuy nhiên, đây lại là nhóm hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên giá thành bán ra khó cạnh tranh với các sản phẩm làm từ da tổng hợp đến từ các nước khác.
Theo ông Trương Huy Hoàng, khi được cắt giảm thuế, giá thành các sản phẩm đồ da, đặc biệt là đồ da thủ công của Việt Nam sẽ được giảm đáng kể, có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng của thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh để gia tăng thị phần.
Đối với dệt may, ông Trần Như Tùng, Công ty Dệt Thành Công chia sẻ, EVFTA thật sự mang lại nhiều cơ hội cạnh tranh cho sản phẩm dệt may của Việt Nam tại thị trường EU.
Cụ thể, dệt may là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhiều năm qua, đã xuất đi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, thu về hàng chục tỷ USD nhưng thực tế thị phần hàng dệt may Việt Nam tại EU còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường.
Theo ông Tùng, trước khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam chịu mức thuế suất phổ biến từ 8% -12% vì thế các nhà nhập khẩu EU thường ưu tiên mua hàng của các đối tác đã có hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi thuế.
Với EVFTA, hơn 40% số dòng thuế sản phẩm dệt may được xóa bỏ về 0% ngay, số còn lại sẽ được xóa bỏ sau 3-7 năm. Đồng nghĩa với việc hàng dệt may Việt Nam xuất vào EU có thể cạnh tranh bằng chi phí sản xuất, giảm giá bán ra thị trường. Các nhà nhập khẩu cũng sẽ ưu tiên mua hàng dệt may của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA cao hơn hầu hết các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi nhưng vẫn “dễ thở” hơn so với CPTPP.
Trong khi trước đó, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của CPTPP, ví dụ như với ngành dệt may là yêu cầu quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi.
Đối với EVFTA, EU chỉ yêu cầu 2 công đoạn trở đi và cho phép sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia có FTA với EU. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu nào đã tận dụng được ưu đãi từ CPTPP thì cũng dễ dàng tận dụng được ưu đãi của EVFTA.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, EVFTA không chỉ tạo ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào nguồn cung ngành dệt may Việt Nam.
Nhiều dự án đầu tư lớn đã được triển khai như Nhà máy kéo sợi len lông cừu hiện đại bậc nhất thế giới do Đức đầu tư tại Đà Lạt hay Nhà máy sản xuất chỉ của Mỹ tại Đồng Nai…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, những nhà máy này chính là chìa khóa giải quyết vấn đề phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu của dệt may Việt Nam trong những năm tới, giúp sản phẩm Việt Nam có thể giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm./.
Xuân Anh - Công Phong
Vietnam+
|