Mới chớm hồi phục, chưa kịp thu tiền đã lo hoãn, huỷ
Ngành du lịch vừa chớm hồi phục nhờ chương trình kích cầu hiệu quả và đang mùa cao điểm du lịch hè thì lại đón nhận tin không vui. Tuy nhiên, sự an toàn sức khỏe của du khách luôn được đặt lên trên hết.
Hy vọng vừa nhen nhóm
Khách du lịch bắt đầu manh nha hồi phục từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, khi Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thời điểm đó, Chính phủ bỏ giãn cách xã hội, cho phép nối lại các đường bay trong nước. Để giải cứu ngành kinh tế tổng hợp này, các chương trình kích cầu du lịch nội địa được phát động khắp nơi.
"Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" là lời phát động và mời gọi người dân đi du lịch trong nước từ Bộ VH-T&DL. Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch, vốn là “cái bắt tay” chặt chẽ giữa các hãng hàng không, DN lữ hành và các điểm đến, để cho ra các sản phẩm tour hợp lý. Hàng không tung ra hàng nghìn vé máy bay giá rẻ, nếu không nói là rẻ chưa từng có. Các đơn vị lữ hành cũng chào bán hàng trăm tour giá vô cùng hấp dẫn, chỉ bằng 40-50% so với trước đó, chấp nhận hy sinh lợi nhuận. Các điểm tham quan miễn, giảm giá vé cho khách,...
Khách vui chơi ở Đà Nẵng những ngày chưa có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
|
Nhờ đó, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh. Theo Tổng cục Du lịch, từ tháng 6, cao điểm là tháng 7, các điểm du lịch đông nghịt khách. Lượng khách nội địa trong tháng 6/2020 đạt 7 triệu lượt, tăng 2-3 lần so với tháng 5/2020.
Điển hình như Nha Trang, tính đến giữa tháng 7/2020, 74% trong tổng số 50.000 phòng khách sạn từ 3-5 sao ở Nha Trang đã hoạt động trở lại. So với việc 100% số phòng cách đây 2 tháng phải “tắt đèn” thì đây quả thật là con số ấn tượng.
Một resort ở Cam Ranh, sau khi tung ra chương trình khuyến mãi, mở bán voucher từ 12/5 thì công suất phòng tháng 5-6 đạt 85%, tháng 7 là 98,5% và tháng 8 là 92%,... Sân bay Cam Ranh nhộn nhịp trở lại khi tháng 6 đón 337.000 lượt khách, tăng 2,6 lần so với tháng 5/2020.
Ngoài ra, các điểm du lịch khác cũng đón một lượng khách lớn đổ về: Sa Pa (Lào Cai) tăng 2,65 lần; Quảng Ninh tăng 3,23 lần; Sầm Sơn (Thanh Hóa) tăng gấp 2 lần; Quy Nhơn (Bình Định) tăng 2,8 lần; Phú Yên tăng 1,5 lần; Phú Quốc dự kiến năm 2020 khách nội địa sẽ bù đắp cho khách quốc tế, trong tháng 6/2020 lượng khách nội địa đến đảo Ngọc tăng 1,68 lần so với tháng 5/2020...
Khách đến, kéo theo đó các nhà hàng, khu vui chơi,... mở cửa trở lại, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Các doanh nghiệp du lịch, dù chưa có lãi song bước đầu đã làm yên lòng cán bộ nhân viên. Các chuyến bay gần như kín khách, giúp ngành hàng không dễ thở hơn. Thực sự đó là tin vui, mang lại kỳ vọng cho cộng đồng người làm du lịch.
Đến 26/7, Đà Nẵng ngừng đón khách du lịch và triển khai giãn cách xã hội từ 28/7
|
An toàn sức khỏe là trên hết
Tuy nhiên, những ngày gần đây, thông tin về những ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng như gáo nước lạnh dội vào niềm hy vọng mới nhen nhóm. Giãn cách xã hội, thành phố du lịch nổi tiếng này ngừng đón khách từ 26/7. Trong vòng hơn một tuần, 137.000 du khách từ Đà Nẵng phải trở về nhà.
Các tour đi Đà Nẵng bị hủy. Các đơn vị lữ hành xoay xở đổi tour, hoàn tiền cho khách. Không chỉ Đà Nẵng, lo ngại dịch bệnh nhiều du khách cũng hủy tour đi các điểm du lịch nổi tiếng khác.
Trung tâm Thông tin Tổng cục Du lịch cho hay, theo tin ban đầu từ các công ty lữ hành, hiện không có khách đăng ký tour mới. 100% khách hủy tour đi các điểm có dịch, 30-40% khách hủy đến những điểm không có dịch và xu hướng này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP.HCM cũng cho thấy, các DN du lịch không chỉ đồng loạt dừng tour đi Đà Nẵng từ 27/6 mà khách cũng hoàn, hủy cả các chương trình tour đã đăng kí trong tháng 8 và 9. Thậm chí, nhiều chương trình đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cũng bị hủy. Các đơn vị lữ hành vì thế thiệt hại lớn, như Vietravel từ 26-27/7 có 20.970 chương trình bị hủy với doanh thu dự kiến 88,6 tỷ đồng; Saigontouist là hơn 10.000 chương trình. Các DN khác như BenThanh, Fiditour, Hòa Bình, TST,… bị hủy từ 5.000 chương trình du lịch trở lên.
Trong bối cảnh chưa có khách quốc tế, ngành du lịch mới chớm hồi phục nhờ chương trình kích cầu hiệu quả và đang mùa cao điểm du lịch hè thì lại đón nhận tin buồn. Tuy nhiên, vào thời dịch bệnh, sự an toàn sức khỏe của hành khách luôn được đặt lên trên hết.
Khách du lịch từ Đà Nẵng trở về nhà
|
Mới đây nhất, chiều tối 29/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã có công văn gửi các Sở quản lý du lịch địa phương yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.
Cụ thể, Tổng cục Du lịch quán triệt đến doanh nghiệp, khách du lịch thường xuyên cập nhật tình hình và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, Bộ Y tế và UBDN các địa phương về phòng chống dịch.
Đường dây nóng kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch phải được duy trì thường xuyên để các Sở kịp thời nắm bắt tình hình, có giải pháp hỗ trợ DN và du khách.
Đối với các địa phương có dịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch nghiêm túc triển khai các quy định của các cơ quan chức năng liên quan, có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Đối với các địa phương khác, cần nhanh chóng kích hoạt quy trình phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành trong thời gian qua với từng đối tượng cụ thể như khách du lịch, nhân viên phục vụ, doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch,...
Đồng thời, kịp thời chỉ đạo, vận động, tuyên truyền khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch đã ký kết do tác động của dịch bệnh.
Ngọc Hà
Vietnamnet
|