Sản xuất vắc xin: Ngành công nghiệp tỉ đô
Theo ước tính của Hãng nghiên cứu Alliance Bernstein (trụ sở tại Mỹ), ngành công nghiệp sản xuất vắc xin toàn cầu trị giá 52 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 4 nhà phát triển Sanofi, Merk, Pfizer và GlaxoSmithKline chiếm đến 85% thị phần.
Nhiều công ty đang tham gia cuộc đua tìm kiếm vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh minh họa: AFP
|
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều công ty nhỏ hơn đã gia nhập cuộc chơi. Nổi bật là Moderna, công ty được thành lập cách đây chưa đầy
10 năm và chưa từng phát triển thành công loại vắc xin nào. Vắc xin do Moderna kết hợp với Viện quốc gia Mỹ về bệnh dị ứng và truyền nhiễm phát triển đã cho những kết quả hứa hẹn giai đoạn đầu. Theo Newsroom, giá cổ phiếu của Moderna đã tăng từ 20 USD hồi tháng 1 lên thành 80 USD trong tháng 7.
Tại Ấn Độ, nước được đánh giá cao về sản xuất vắc xin, ít nhất 7 công ty đang tham gia cuộc đua tìm kiếm vắc xin ngừa Covid-19, theo Hãng tin PTI. Tỉ phú Bill Gates, nhà tài trợ cho nhiều liên minh quốc tế nhằm cung cấp vắc xin cho các nước nghèo, hồi tháng 7 đánh giá Ấn Độ sản xuất nhiều vắc xin hơn bất cứ nơi nào khác và nước này có đủ khả năng để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn thế giới.
Tuy nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng một số hãng như AstraZeneca và Johnson & Johnson thông báo sẽ không lấy lợi nhuận trong thời gian Covid-19 còn là đại dịch toàn cầu. AstraZeneca cho biết sẽ cung cấp vắc xin với giá bằng với chi phí sản xuất là khoảng 5 USD/liều, trong khi mức giá của Johnson & Johnson là 15 USD/liều. Sau khi đại dịch chấm dứt, mức giá của hai hãng này có thể tăng lên.
Hãng Pfizer dự kiến bán với giá 30 USD/liều trong khi Moderna có giá từ 60 - 90 USD cho 2 liều và 48 - 56 USD nếu mua số lượng lớn. Vắc xin của Pfizer và Moderna cần được tiêm đủ 2 liều mới phát huy công dụng. Theo trang India.com, Hãng SII của Ấn Độ thông báo sẽ bán 100 triệu liều vắc xin với giá 3 USD cho nhóm 92 nước thu nhập trung bình - thấp.
Tuy vậy, vắc xin ngừa Covid-19 được cho là không chỉ dành riêng cho những nước có tiền. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết hợp với Liên minh Đổi mới trong chuẩn bị phòng dịch (CEPI) và Liên minh Vắc xin toàn cầu (GAVI) để thành lập chương trình tiếp cận vắc xin Covid-19 toàn cầu (COVAX). Theo tờ Livemint, các nước tham gia chương trình này có một ngân sách chung để đầu tư cho các dự án phát triển vắc xin khác nhau. Nếu dự án nào thành công, vắc xin sẽ được phân phối theo tỷ lệ cho các nước còn lại. COVAX được thành lập với mục đích phân phối 2 tỉ liều vắc xin cho các nước cho đến cuối năm 2021.
Vi Trân
Thanh niên
|