Thứ Năm, 13/08/2020 10:50

Tương lai nào cho các công ty công nghệ Trung Quốc?

Ngày 7-8, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat sau 45 ngày nữa nếu các ứng dụng này không được bán lại cho công ty Mỹ. Điều này làm cho ngay cả những người tin rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ phát triển theo chiều đi xuống trong dài hạn cũng bất ngờ, bởi tốc độ phản ứng và “đối tượng nhắm đến” đều rất khác biệt so với những gì mà ZTE hay Huawei của Trung Quốc đã trải qua.

Mặc dù ByteDance và Tencent - hai công ty sở hữu những ứng dụng nêu trên - đều là những công ty quan trọng trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng đằng sau lệnh cấm của Chính phủ Mỹ là hai cuộc chiến nhằm vào những mục đích khác chứ không phải là xuất phát từ mối lo ngại liên quan đến công nghệ mà ByteDance hay Tencent sở hữu. Do đó, nó vượt ra ngoài hàm nghĩa về cuộc chiến công nghệ thông thường dù mục đích cuối cùng vẫn là nhằm trở thành quốc gia dẫn dắt về công nghệ thế hệ tiếp theo.

Hai “cuộc chiến” nhằm vào Trung Quốc: thiết lập tiêu chuẩn và thâu tóm dữ liệu

Hẳn chúng ta chưa quên rằng, cách đây nhiều năm, trước khi Baidu của Alibaba trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc, QQ trở thành “ứng dụng chat” phổ biến nhất và Weibo trở thành mạng xã hội làm chủ thị trường thì Trung Quốc đã bằng nhiều cách “loại bỏ” Yahoo, Facebook, Google, YouTube ra khỏi hệ sinh thái kỹ thuật số của nước này. Đặc điểm chung của các hoạt động này thường là một cuộc điều tra phát trên kênh truyền hình quốc gia CCTV về các sai phạm của các tập đoàn này và đưa ra đòi hỏi về việc bảo vệ người tiêu dùng Trung Quốc. Đến bây giờ, sau khi các công ty công nghệ của Trung Quốc đã làm chủ thị trường trong nước, nếu sang Trung Quốc, bạn vẫn sẽ đứng trước một điều hết sức khó chịu là toàn bộ liên hệ của bạn với đối tác, bạn bè, gia đình đều bị cắt đứt bởi các ứng dụng - không chỉ của Mỹ mà của các nước khác - đều rất khó sử dụng hoặc không thể sử dụng ở Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc và Mỹ hiện nay dựng nên những hàng rào kỹ thuật đó để làm gì? Câu trả lời sẽ chỉ ra “mặt trận” đầu tiên mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Các lệnh cấm mà Trung Quốc và Mỹ đưa ra cho các công ty nước ngoài đều dựa trên tiêu chuẩn của mỗi bên về các vấn đề liên quan đến thông tin, dữ liệu, bảo mật, quyền can thiệp của chính phủ. Chẳng hạn, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ dẫn lý do “tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến công nghệ, chuỗi cung ứng dịch vụ thông tin và liên lạc”. Vì vậy bản chất của các lệnh cấm này là về áp đặt tiêu chuẩn chứ không phải cuộc đua công nghệ. Mỹ là cường quốc trong việc tạo ra các tiêu chuẩn toàn cầu. Mỹ hiển nhiên không muốn “tiêu chuẩn Trung Quốc” trở thành tiêu chuẩn quốc tế, nhất là khi Chính phủ Trung Quốc đã không giấu giếm tham vọng sẽ công bố một chương trình về thiết lập “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (China Standard 2035 - CS 2035) cho các lĩnh vực công nghệ mới mà nhiều nước đang cạnh tranh nhau, như công nghệ 5G. Chương trình CS 2035 đã được phôi thai từ năm 2018 và Chính phủ Trung Quốc dự định sẽ công bố bản kế hoạch này trong năm 2020.

Cuộc chiến thứ hai, là nhằm kiểm soát “dữ liệu”. Dữ liệu là “quả trứng vàng” của hàng loạt ngành kinh tế hiện đại dựa trên công nghệ kỹ thuật số. Có thể nói không ngoa rằng nếu không có dữ liệu thì không hiểu được tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Không có dữ liệu thì doanh nghiệp sẽ thuần túy làm mọi thứ như mò mẫm trong bóng tối chứ không thể dẫn dắt nhu cầu thị trường. Do đó, khi tập trung vào phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, công nghệ đám mây..., thì việc có được dữ liệu và phát triển ngành khoa học dữ liệu là vô cùng quan trọng. Vào tháng 2-2019, lượt tải xuống TikTok trên toàn cầu đã vượt qua con số 1 tỉ lượt. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng người dùng của TikTok chủ yếu ở Mỹ và Ấn Độ. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, dữ liệu cho thấy TikTok đã được tải xuống 165 triệu lần ở Mỹ, chiếm khoảng 50% tổng dân số, và số người dùng hoạt động hàng tháng là khoảng 30 triệu. Trước khi công bố lệnh cấm vào ngày 29-6, Ấn Độ là thị trường lớn nhất thế giới của TikTok, với 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Do đó, việc nhắm vào TikTok cũng như các nền tảng khác của Trung Quốc là một dấu hiệu trực tiếp cho thấy Mỹ muốn ngăn chặn các công ty Trung Quốc độc chiếm hoặc thao túng dữ liệu toàn cầu.

Tiềm lực của các công ty công nghệ Trung Quốc trên con đường vươn ra toàn cầu

Trong lĩnh vực công nghệ, năm công ty Trung Quốc đã lọt vào danh sách Fortune Global 500 năm 2019, thấp hơn một nửa so với Mỹ (12 công ty). Nhưng doanh thu của năm công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc năm 2019 cộng lại chỉ tương đương với của Apple (266,8 tỉ đô la Mỹ so với 265,6 tỉ đô la Mỹ).

Trang phân tích kinh tế tài chính uy tín của Trung Quốc là Caixin hôm 8-8 đưa tin Huawei sẽ ngừng sản xuất chip Kirin từ tháng 9 tới do nguồn cung ứng gặp khó khăn vì áp lực từ Mỹ. Đây là câu trả lời rõ nhất cho những hoài nghi về việc một “gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc” không dễ tổn thương nếu thiếu công nghệ nguồn từ Mỹ và các nước khác. Huawei khiến thế giới đặt câu hỏi “Liệu các công ty công nghệ Trung Quốc có thể vươn xa đến đâu bằng sức mạnh tự thân?”. Để tìm câu trả lời, không có gì hợp lý hơn bằng việc tìm kiếm những gợi ý từ việc tìm hiểu về sức mạnh khoa học công nghệ của chính Trung Quốc.

Khoa học có ba hợp phần quan trọng là: (i) nghiên cứu cơ bản, (ii) nghiên cứu ứng dụng (R&D) và (iii) nghiên cứu phát triển thị trường. Trung Quốc rất mạnh ở nghiên cứu ứng dụng và phần nào là nghiên cứu phát triển thị trường, tuy nhiên nghiên cứu cơ bản lại là điểm yếu rất lớn của Trung Quốc mà điều này không dễ dàng bắt kịp trong 5-10 năm.

Để hình dung về khoảng cách công nghệ mênh mông giữa Trung Quốc và Mỹ có thể nhìn vào một số chiều kích sau.

Ở cấp độ quốc gia: Đầu tư cho cho R&D của Trung Quốc bằng một nửa của Mỹ nhưng chi cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc chỉ bằng 1/10. Ngay cả trong lĩnh vực R&D thì Trung Quốc cũng thể hiện sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu các công nghệ nguồn quan trọng từ bên ngoài. Năm 2017, 60% giá trị nhập khẩu R&D (chủ yếu là chi trả cho việc sử dụng các phát minh, sáng chế hoặc chi trả cho sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài) của Trung Quốc đến từ ba quốc gia: 31% từ Mỹ, 21% từ Nhật Bản và 10% từ Đức. Mức độ tập trung này đã tương đối ổn định trong 20 năm qua. Năm 2017, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 5 tỉ đô la Mỹ các “hàng hóa” mang tính sở hữu trí tuệ (IP). Để so sánh, hãy nhìn vào con số xuất khẩu IP của Mỹ 128 tỉ đô la Mỹ, Nhật Bản 42 tỉ đô la Mỹ và Đức 20 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, xuất khẩu IP của Trung Quốc chỉ bằng 17% giá trị nhập khẩu IP. Vì vậy, về bản chất, Trung Quốc vẫn là một nước nhập khẩu công nghệ, mà chủ yếu lại toàn là những công nghệ then chốt và cốt lõi. Nên có thể nói rằng Trung Quốc về cơ bản vẫn là một công xưởng gia công công nghệ khổng lồ của các công ty phương Tây dù đã có bước phát triển rất nhanh trong 10 năm qua.

Ở cấp độ lĩnh vực quan trọng: Chẳng hạn trong lĩnh vực số hóa, các luồng dữ liệu xuyên biên giới của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 20% lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới của Mỹ và tỷ lệ lưu lượng nhỏ hơn của các nền kinh tế nhỏ hơn bao gồm Hà Lan, Singapore và Thụy Điển dù nước này có khoảng 800 triệu người dùng Internet. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp liên quan đến công nghệ đám mây (enterprises-on-cloud) ở Trung Quốc chỉ là 30,8%, so với 50% ở Mỹ và 73% ở Đức.

Ở cấp độ doanh nghiệp: Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung ứng bên ngoài khi toàn bộ sản xuất tự thân của hãng chỉ giải quyết 30% số hợp phần, trong đó không bao gồm các phần quan trọng nhất như sản xuất chip.

Nguy cơ với các công ty công nghệ Trung Quốc

Cổ phiếu của Tencent sụt giảm 10%, khiến cho giá trị vốn hóa bốc hơi 45 tỉ đô la Mỹ chỉ trong vài giờ đồng hồ sau tuyên bố của Tổng thống Trump về lệnh cấm WeChat. Điều đó cho thấy quan điểm rõ rệt của thị trường về viễn cảnh kinh doanh của công ty này trong ngắn hạn.

Để vươn ra toàn cầu, các công ty Trung Quốc cần hai điều quan trọng là: (i) có công nghệ tiên tiến vượt trội và (ii) có tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi. Nếu chiều hướng hiện nay tiếp diễn, không những rất khó để các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị phần mà các doanh nghiệp này còn có thể bị cô lập nếu không chịu từ bỏ các “tiêu chuẩn Trung Quốc” trong cách tiếp cận thị trường và khách hàng.

Trước khi Mỹ ban hành “thiết quân luật” thì chính ứng dụng TikTok đã nếm trải hàng loạt rắc rối liên quan đến “tiêu chuẩn” tại nhiều quốc gia. Tháng 7-2018, TikTok mất quyền hoạt động ở Indonesia do vi phạm nội dung dành cho trẻ em và nội dung tôn giáo; tháng 2-2019, bị phạt 5,7 triệu đô la Mỹ vì vi phạm Đạo luật về quyền riêng tư của trẻ em Mỹ; tháng 4-2019, bị buộc phải rời khỏi các kho tải ứng dụng ở Ấn Độ do có nội dung khiêu dâm trẻ em; tháng 7-2019, bị điều tra tại Anh và bị nghi ngờ cung cấp thông tin “hoàn toàn mở”, có thể khiến người dùng trẻ em xem nội dung không phù hợp.

TS. Phạm Sỹ Thành

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kinh tế thế giới đã qua thời điểm khó khăn nhất? (13/08/2020)

>   Vắc xin Covid-19 của Nga có giá bao nhiêu? (13/08/2020)

>   Dân Mỹ sợ... đụng đến tiền! (13/08/2020)

>   Thế khó của Trung Quốc với chiến lược kinh tế hướng nội (13/08/2020)

>   Foxconn: Đã qua rồi thời Trung Quốc là công xưởng thế giới (12/08/2020)

>   GDP quý 2 rớt 20.4%, Anh bước vào suy thoái (12/08/2020)

>   Nữ 'chiến binh da màu' được Biden chọn làm phó tướng (12/08/2020)

>   Hơn 80,000 doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ phá sản (12/08/2020)

>   Hơn 20 nước đặt trước 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 đầu tiên do Nga sản xuất (11/08/2020)

>   Tổng thống Vladimir Putin: Nga đã đăng ký vắc-xin ngừa Covid-19 (11/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật