Nhịp đập Thị trường 27/08: Quay lại điểm khởi đầu
VN-Index sáng nay thể hiện tâm lý lưỡng lự khá rõ ràng của nhà đầu tư, có vẻ họ rất muốn mua, nhưng cũng chờ điều chỉnh thêm. Số lượng cổ phiếu tăng giảm trên 3 sàn khá cân bằng, thậm chí hơi nghiêng về phía tăng giá. Tuy nhiên chỉ số chính chịu tác động lớn từ largecap, vốn có mức dao động khá thấp. Ngược lại, cổ phiếu nhỏ vẫn được ưu ái hơn, không ít mã vẫn đang tăng kịch biên độ.
Diễn biến trên các chỉ số chứng khoán lớn châu Á sáng nay cũng có thể khiến nhà đầu tư Việt Nam chưa thực sự tự tin để vào. Một số sàn lớn như Nhật, Hàn quốc giảm nhẹ, nhưng sàn Trung quốc và mấy nước nhỏ hơn lại tăng.
Nhóm VN30 có 15 mã tăng giá vào cuối phiên sáng, so với chỉ 9 mã giảm giá. Mức % tăng/giảm giá rất thấp, cao nhất chỉ +/-1% cho mỗi bên. Tuy nhiên, dao động trong phiên của nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng và 1 số mã khác đã khiến VN30-Index, lẫn cả VN-Index đổi màu từ đỏ sang xanh, từ xanh về đỏ và giờ lại xanh.
Khối ngoại có vẻ vẫn bán ròng khá mạnh sáng nay. những mã đang bị họ bán ròng nhiều là VHM, DXG, POW… lưu ý rằng họ đã bán ròng 3 phiên liên tiếp trên HOSE tính đến chiều qua, và nếu loại giao dịch thỏa thuận, chỉ tính khớp lệnh thì họ đã bán ròng 12 phiên liên tiếp.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có kết quả tạm thời tốt hơn VN-Index, một phần nhờ vào những mã đặc biệt, ví dụ như IDC và VCG của sàn HNX, hay QNS của sàn UPCoM.
Nhìn từ góc độ ngành, thị trường vẫn cho thấy tâm lý giằng co lưỡng lự. Ngân hàng có nhiều cổ phiếu dao động mạnh trong phiên nhưng đến lúc này sắc xanh chiếm đa số. tuy nhiên dầu khí và BĐS nhà ở lại là 2 nhóm lớn có sự phân hóa và có nhiều sắc đỏ. ở các nhóm nhỏ hơn, BĐS công nghiệp có lẽ là nổi bật nhất, đa số xanh, trong đó có nhiều cái tên nổi bật như VRG, GVR, LHG, IDC… Nhựa, thủy sản (cá), sắt thép, chứng khoán, hoá chất… cũng là nhóm có diễn biến khá tốt. Tuy nhiên cũng có những nhóm đang chìm dần vào sắc đỏ như dệt may, nước, bảo hiểm…
Khối ngoại sáng nay mua ròn khá nhiều ở PLX, có lẽ có liên quan đến số cổ phiếu quỹ? Cổ phiếu này trong 4 phiên gần đây đều tăng giá khá tốt, bất chấp định giá không hề rẻ.
11h: Cổ phiếu nhỏ vẫn chạy, bất chấp chỉ số bị đè
VN-Index được kéo lên gần 876 điểm lúc 10h sáng, nhưng đến giờ lại nhanh chóng giảm về tham chiếu, thậm chí có nguy cơ chọc xuống dưới tham chiếu. Những cổ phiếu nào đang tác động mạnh lên chỉ số? Có thể là một số đại gia trong nhóm ngân hàng, và các mã khác như GAS, VNM, VJC, VRE…
Cổ phiếu các nhóm Mid và Small Cap sàn HOSE vẫn chạy nhanh, bằng chứng là 2 chỉ số 2 nhóm này vẫn treo cao hơn tham chiếu 1 khoảng cách. TAC vẫn tăng trần phiên thứ 5 liên tiếp, kế sau đó là L10 (3 phiên trần liên tiếp). Một số tên tuổi khác tăng giá mạnh như OGC, LHG, SGR, VDS… và cả đại gia gỗ 1 thời là TTF. Mà không chỉ HOSE, có không ít mã nhỏ và vừa 2 sàn HNX và UPCoM chạy rất nhanh so với largecap, ví dụ như LIG, SCI, CTP, S99… của HNX hay SBS của UPCoM (đã loại ra các mã kém thanh khoản).
Nhóm ngân hàng đang có dao động khá lớn, nửa đầu phiên được kéo lên nhưng hiện đang lùi trở lại, như CTG, VCB, MBB, BID, VPB. Tuy nhiên về tổng thể, đến giờ nhóm này vẫn chiếm sắc xanh đa số.
IDC và VCG vẫn là 2 Large Cap nổi bật nhất của HNX.
BĐS công nghiệp tiếp tục hút chú ý, với nhiều mã tăng giá tốt, ví dụ như LHG, IDC, TID, VRG, GVR… Bất ngờ nhất là SIP, sáng nay giảm hơn 1% và có vẻ đi ngang suốt tháng 8.
QNS tiếp tục cùng 19 mã tăng trần khác giữ cho Upcom Index tăng 0.6% trên tham chiếu. Tuy nhiên nhiều largecap khác đã chuyển sang sắc đỏ như ACV, BSR, FOX, HND, LTG, VEA, VGI… và nhất là VTP, giảm đến 4.1%.
Nhóm BĐS nhà ở đang có phân hóa mạnh, hay nói cách khác là tiêu cực hơn so với thời điểm đầu phiên sáng nay. chỉ có VRE tăng giá trong bộ ba nhà Vin, đồng thời 1 loạt mã tầm trung khác cũng nhuốm màu đỏ như DIG, DXG, LDG, SHS, TDH…
1 số nhóm ngành nhỏ cũng đã có dấu hiệu xuống sức so với đầu phiên sáng, như dệt may, cao su, bảo hiểm, sắt thép… Tuy nhiên nhóm thủy sản dòng cá vẫn có nhiều màu xanh như VHC, ABT, ACL… ICF đang tăng đúng 10%.
Ngoài Vn30, nhóm VN Diamond gần đây cũng có vẻ hút cả quan tâm lẫn dòng tiền, khi có tin sẽ có quỹ ngoại giải ngân vào đây. Tuy nhiên sáng nay, đúng hơn là lúc này, nhóm Diamond đang chia 2 màu rõ rệt. MWG là mã tăng khá nhất trong nhóm, ngược lại là DXG.
Mở cửa: Lưỡng lự với nhịp điều chỉnh
VN-Index khởi đầu không tốt như kỳ vọng, khi nhà đầu tư chứng kiến thêm 1 phiên tăng điểm kỷ lục nữa bên sàn chứng khoán Mỹ. Có lẽ màu đỏ của các chỉ số future Mỹ sáng nay vẫn “dọa người”. Tuy nhiên 2 chỉ số sàn HNX và UPCoM lại sớm xanh trước cả ATO. Thị trường nhìn chung có vẻ lưỡng lự giữa tâm lý “có còn điều chỉnh nữa hay thôi”.
Nhóm VN30 chỉ có 5 mã tăng giá lúc mở cửa, ngược với 17 mã giảm giá, tuy nhiên các mức tăng lẫn giảm chỉ trong phạm vi dưới 1%. Đang có thêm mã chuyển màu từ đỏ sang tăng, tuy nhiên VN30-Index vẫn giảm nhẹ gần 0.1% do chịu ảnh hưởn từ các mã vốn hóa lớn nhất.
ACB và 1 số ngân hàng UPCoM đã tăng nhẹ ngay từ 9h. Đến thời điểm ATO, ACB vẫn giữ đà tăng gần 0.5%, BVB đã đẩy đà tăng lên khoảng 2%. 2 trong 3 đại gia lớn nhất nhóm là BID và CTG giảm giá nhẹ, còn VCB đứng yên. Giảm giá “mạnh nhất” là LPB. Nhìn chung nhóm ngân hàng chưa thể hiện rõ xu hướng của ngày hôm nay.
Về nhóm ngành, BĐS dân dụng lẫn nhà ở, chứng khoán, sắt thép, dệt may… đang có diễn biến tích cực hơn nhiều nhóm khác. Ngược lại dầu khí đang có phân hóa nhẹ khi GAS, PVD, PVB… giảm nhưng POW, OIL, PVT và 2 đại gia phân bón tăng giá chừng 1-2%.
HNX tiếp tục phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp tính cả sớm nay, nhưng lần này là nhờ VCG. Cổ phiếu này hiện đã tăng 5%, và nếu tính từ mặt bằng giá chừng 26,000 đồng/cp hồi đầu tháng, thì đến giờ đã tăng hơn 40%, một mức tăng đáng nể với một Large Cap sàn HNX. Ngoài VCG, Large Cap gây chú ý có lẽ là IDC, một cổ phiếu BĐS công nghiệp khi đang tăng 6% sau phiên tăng 9.1% chiều qua.
Trên Upcom, QNS là mã đáng chú ý nhất sáng nay với mức tăng đã lên tới 6.7%. Dường như QNS muốn bứt tốc sau khoảng hơn 1 tuần nay chạy đà. 1 số Large Cap khác cũng tăng giá nhẹ trong vùng 1-2% là OIL, VOC, SNZ… 1 số cổ phiếu họ nhà Viettel lại đang giảm, đáng kể là VTP đang giảm phiên thứ 2 liên tiếp sau ngày chia tách cổ phiếu.
Hoàng Nam
FILI
|