Giá nhà gấp 15 lần thu nhập, người Việt phải làm 30 năm mới đủ tiền mua?
Chỉ số giá nhà ở tại Việt Nam đang cao hơn 15 - 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người, điều này khiến cho mơ ước mua nhà của nhiều người trở nên xa vời.
BĐS tăng 200% sau 5 năm, thu nhập bình quân của người Việt tăng 33%
Sau khi thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng (2011 - 2013), kể từ năm 2015, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã hồi phục rất nhanh, hầu hết các phân khúc đều tăng giá rất mạnh, trong đó nhà ở là phân khúc tăng mạnh nhất.
Cụ thể, theo số liệu của DKRA, nếu như năm 2015, giá căn hộ hạng A khoảng 45 triệu đồng/m2 thì năm 2019 tăng khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2; căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 21 triệu đồng/m2 đã tăng lên bình quân khoảng 36 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, căn hộ hạng C năm 2015 chỉ khoảng 16 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên tới 25 triệu đồng.
Ở thời điểm hiện tại, do khan hiếm nguồn cung, căn hộ hạng C đã gần như biến mất khỏi thị trường, khiến phân khúc này tăng giá liên tục, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp.
Nếu so sánh thu nhập bình quân đầu người của người Việt, thì chỉ số giá nhà ở tại một số đô thị lớn đang cao hơn 10 - 15 lần.
|
Bên cạnh nhà ở, phân khúc đất nền cũng tăng tới 100%, thậm chí có khu vực tăng 200% sau 5 năm.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của người Việt lại tăng khiêm tốn, từ 2.109 USD/ người/năm (khoảng 45,7 triệu đồng/người/năm) vào năm 2015, lên mức 3.000 USD/người/năm (khoảng 69 triệu đồng/người/năm), tăng khoảng 33%.
Như vậy, nếu so sánh thu nhập bình quân đầu người của người Việt, thì chỉ số giá nhà ở tại một số đô thị lớn đang cao hơn 10 - 15 lần.
Thậm chí, theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, chỉ riêng giá chung cư tại TP.HCM đã cao gấp từ 20 - 25 lần so với thu nhập bình quân. Điều này khiến cho mơ ước mua nhà của nhiều người Việt trở nên xa vời.
Trong một lần trả lời với phóng viên, ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia bất động sản cho rằng, giá nhà đất ở Việt Nam nhìn trong một góc độ nào đó có những vùng cao và rất cao so với thu nhập người mua.
Với thu nhập hiện tại nhiều người lao động phải mất 20 năm thậm chí 30 năm mới đủ điều kiện mua một căn hộ trung cấp. Ảnh minh họa: Vũ Đức Anh
|
Ông Hiển tính toán, nếu người lao động tại TP Hồ Chí Minh bình quân mất 20 năm, thậm chí có người 30 năm mới đủ mua một căn hộ trung cấp thì ở các nước phát triển khác chỉ mất khoảng 7 - 10 năm.
Vị chuyên gia bất động sản này cũng chỉ ra một khó khăn vô cùng lớn cản trở người lao động có nhà, đó là vấn đề lãi suất. Ở nhiều nước, người lao động có thể mua trả góp 30 năm với lãi suất thấp, thậm chí 2-3% nên số tiền phải chi trả hàng tháng cho căn nhà không quá lớn.
“Trong khi đó người lao động Việt Nam phải trả lãi suất cho vay lên đến 10% khiến số tiền góp hàng tháng rất lớn. Thậm chí quá cả mức thu nhập", ông Hiển nói.
Vì sao giá nhà ở Việt Nam tăng dễ, giảm khó?
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân cốt lõi khiến giá nhà ở tại Việt Nam tăng phi mã trong vài năm qua, chính là do sự mất cân bằng giữa cung và cầu.
“Dưới áp lực của đô thị hóa, nhu cầu mua nhà của người dân đang tăng nhanh, tuy nhiên, lực cung của thị trường lại đang hạn chế. Điều này tác động tới giá BĐS, khiến giá trị nhà ở tăng cao”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Bên cạnh sự mất cân bằng giữa cung và cầu, giá nhà tại Việt Nam tăng mạnh còn phụ thuộc vào một số nguyên nhân khác, ví dụ như giá nguyên vật liệu tăng giá, chi phí đất đai ngày càng tăng cao, nhân công xây dựng tăng giá,....
Theo các chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi khiến giá nhà ở tại Việt Nam tăng phi mã trong vài năm qua, chính là do sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Ảnh: Vũ Đức Anh
|
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS, không loại trừ khả năng tình trạng đầu cơ BĐS, khiến cho giá trị nhà ở tăng cao trong vài năm gần đây.
“Trong bối cảnh hiện tại, hiện tượng đầu cơ đất, găm đất vẫn còn diễn ra phổ biến và khiến giá đất, giá nhà tăng bất hợp lý ở một số nơi.
Tôi lấy ví dụ, tại một dự án tại Hà Đông, vào năm 2018, một căn hộ hạng C tại đây có mức giá khá rẻ, chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2, thế nhưng, chỉ sau 1 năm, giới đầu cơ sang nhượng liên tục, khiến giá căn hộ tại đây đã tăng 18 triệu đồng/m2.
Sự tăng giá bất hợp lý như vậy, chỉ “béo” giới đầu nậu, trong khi người mua có nhu cầu thật lại bị thiệt thòi”, ông Tuấn nói.
Theo các chuyên gia, để kéo giá nhà đi xuống, điều cần thiết nhất hiện nay chính là khơi thông nguồn cung, đặc biệt là tăng cường phát triển các dự án căn hộ bình dân và giá rẻ, để phục vụ đại đa số người dân có mức thu nhập trung bình khoảng 3.000 USD/người/năm.
Hiện tại, Chính phủ cùng Bộ Xây dựng đã có một số chính sách, thông tư mới có thể giúp phân khúc nhà ở bình dân và giá rẻ phát triển trong thời gian tới. Đơn cử như, Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ 25m2 hoặc gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng khi xây dựng nhà ở xã hội,....
Ngoài ra, trong thời gian tới với các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ, ưu đãi cho cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2 cũng được kỳ vọng sẽ giúp giá nhà "hạ nhiệt".
Việt Vũ
Dantri
|