Bất chấp đại dịch, nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn tăng
Tính tới thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực của bất động sản từ nhà ở, văn phòng, bán lẻ cho tới nghỉ dưỡng nhưng riêng lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp được đánh giá ít chịu tác động nhất.
Giá thuê tăng, tỷ lệ lấp đầy cao
Ông Chí Vũ - Trưởng phòng Kinh Doanh - Bộ phận Khu Công Nghiệp Colliers International tại Việt Nam nhận xét: Thị trường bất động sản công nghiệp về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch COVID-19, không những thế giá đất công nghiệp còn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay dù thị trường kinh tế đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch thì tại hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thị trường công nghiệp vẫn khá khả quan. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức cao và nhiều khu luôn trong tình trạng lấp đầy 100%.
Giá thuê đất tại các KCN tăng hơn so với năm ngoái dù doanh nghiệp đang chịu tác động từ đại dịch
|
Tại khu vực miền Nam, đến cuối tháng 6, TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu thị trường công nghiệp miền Nam. Cụ thể, giá cho thuê trung bình đối với đất công nghiệp tăng lên 162 USD/m2/kỳ, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nhà xưởng, giá cho thuê cũng tăng khoảng 5 USD/m2/kỳ. Tỷ lệ lấp đầy đạt bình quân 85%, trong đó nhiều có tỷ lệ lấp đầy đạt 100% như KCX Linh Trung 1, KCN Bình Chiểu, KCN Tân Bình, KCN Vĩnh Lộc, KCN Lê Minh Xuân, KCN Tân Thới Hiệp (quận 12)…
Theo các chuyên gia, sở dĩ thị trường công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tích cực là nhờ những lợi thế của thành phố lớn nhất cũng như trung tâm kinh doanh của cả nước thu hút nhiều khoản đầu tư từ các công ty trong nước và quốc tế.
Tương tự, tại Hà Nội thị trường công nghiệp ghi nhận giá thuê trung bình khoảng 151 USD/m2/kỳ, tăng 9% so với quý trước. Giá cho thuê trung bình tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn tăng trong khi nguồn cung không đổi. Hiện Bắc Từ Liêm và Long Biên là 2 khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì hầu hết các KCN nằm ở đây.
Chuẩn bị nguồn cung mới đón nhà đầu tư
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư từ nước ngoài bởi kinh tế ổn định, cùng nhiều lợi thể từ các hiệp định thương mại được ký kết.
Các thống kê được đưa ra bởi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tháng 7 năm 2020, cả nước đã thu hút được 3,15 tỷ USD vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 76,2% so với tháng 6/2020 và chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư thu hút được trong 7 tháng.
Gần đây nhất, Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cũng thông tin rằng, Chính phủ Nhật Bản có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng tới các nước ASEAN và đến nay có 30 doanh nghiệp đã đăng ký, trong số này có 15 doanh nghiệp muốn mở thêm nhà máy tại Việt Nam.
Điều này cho thấy làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tích cực song quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại các khu công nghiệp đang khá hạn chế. Đơn cử ở TP. Hồ Chí Minh, theo Colliers International, trong 6 tháng qua không có nguồn cung mới được đưa vào hoạt động. Mặc dù kể từ tháng 5/2019, Thành phố đã yêu cầu Chính phủ phê duyệt dự án khu công nghiệp mới ở Bình Chánh, (cung cấp hơn 380 ha cho thị trường) nhưng tới nay dự án chưa được phê duyệt và cũng có tác động từ đại dịch COVID-19. Do đó, giai đoạn tới có khả năng giá thuê tiếp tục tăng và dự báo các nhà máy có xu hướng di chuyển ra khỏi thành phố để có được giá thấp hơn.
Trước xu hướng này, các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp cùng nhiều chính sách ưu đãi để đón nhà đầu tư FDI. Chẳng hạn tỉnh Long An đã chọn ra một số dự án khu, cụm công nghiệp như: KCN Long Hậu III (giai đoạn 1), KCN Đông Nam Á, KCN IDICO Hựu Thạnh, 2 cụm công nghiệp Hải Sơn ở huyện Đức Hòa và Cần Giuộc,… để tập trung thúc đẩy đầu tư, xây dựng, đưa vào hoạt động trong năm 2020.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, nước, thoát nước... nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp hoạt động ổn định. Đặc biệt, quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật cao nhằm tạo giá trị gia tăng lớn; đồng thời, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thủy sản, ứng dụng công nghệ cao.
Còn ở Hà Nội hiện có 10 KCN đang hoạt động (cung cấp 2.000 ha), con số này dự kiến sẽ tăng lên 3.500 ha trong thời gian tới. Và các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh là những khu vực có các KCN chiếm tới 68% tổng diện tích; Ngoài ra sẽ có 5 trong số 11 KCN mới dự kiến sẽ được mở vào cuối năm 2021.
Mai Ca
Báo Công Thương
|