Giá điện đang 'gánh' những chi phí nào?
Mặc dù dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện không đề cập đến phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm, nhưng giá bán lẻ điện hiện được tính toán trên cơ sở giá bình quân này.
* Sốc với biểu giá điện mới
* Giá điện 1 bậc sắp được áp dụng, ai thiệt ai lợi?
Giá điện bình quân hiện đang “gánh” nhiều chi phí và lợi nhuận định mức tại nhiều khâu khác nhau. ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân đã được Thủ tướng phê duyệt hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Chỉ “nhích” nhẹ 1.000 đồng/kWh, EVN có thể lãi hàng ngàn tỉ đồng
Theo quy định tại điều 4 của Quyết định 24/2017 do Thủ tướng ban hành, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm); chi phí mua dịch vụ truyền tải điện kèm lợi nhuận định mức, mua dịch vụ phân phối kèm lợi nhuận định mức và quản lý chung của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Đặc biệt, giá điện bình quân cũng “gánh” luôn các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực…
GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, từng là Trưởng ban soạn thảo luật Điện lực, cho biết giá điện bình quân được tính từ 4 nhóm tạo thành, gồm chi phí phát điện, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ trong đó có điều độ điều hành và lợi nhuận định mức. “Vấn đề này đã được đưa vào luật rồi, không bàn cãi nữa. Nhưng điều đáng nói là các khoản đều tính trong giá điện bình quân. Vậy giá điện bán lẻ dựa trên những tính toán nào, cộng thêm những gì mà cao hơn mức bình quân nhiều đến vậy? Theo tôi, cơ cấu biểu giá bán lẻ sửa đổi có như thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc doanh thu ngành điện không giảm, không tăng vọt. Thế nên, cơ sở để phương án tính giá điện một bậc cao hơn giá bình quân đến 145 - 155% cần phải được làm rõ”.
Thực tế, sản lượng điện sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, cùng với việc được tính lãi định mức ngay trong giá thành nên điện luôn lãi. Kết thúc năm 2018, EVN công bố lãi hơn 700 tỉ đồng kinh doanh điện với giá bán lẻ bình quân ở mức 1.720,65 đồng/kWh. Sau khi Bộ Công thương có ý kiến việc giá các nguyên liệu đầu vào ngày càng cao gây khó khăn cho ngành điện, đầu năm 2019, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh tăng giá điện bình quân thêm 8,36% lên gần 1.860 đồng/kWh. Với mức giá mới này, tổng kết năm 2019 của công ty mẹ - EVN ghi nhận mức lợi nhuận ước đạt 950 tỉ đồng, tất cả tổng công ty thuộc tập đoàn đều có lợi nhuận đạt kế hoạch.
Nếu áp dụng biểu giá điện 1 giá cao hơn khoảng 1,4 - 1,5 lần so với giá điện bình quân (1.000 đồng/kWh), với sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 261,456 tỉ kWh, trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 251,6 tỉ kWh, EVN có thể thu về 250.000 tỉ đồng, đây là con số cực khủng với một DN ở bất cứ ngành nào.
Giá điện bình quân “gánh” cả khối chi phí điều độ, điều tiết của đơn vị quản lý?
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích giá bán lẻ điện có vấn đề chủ yếu cần làm rõ. Đó là giá điện bình quân hiện đã được cộng “tất tần tật” các khoản chi trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và phát điện, kể cả lợi nhuận định mức các khâu trong đó có cả chi phí điều tiết, chi phí quản lý vận hành sau đó.
Đồng quan điểm, một chuyên gia thuộc Liên minh Năng lượng Việt Nam đánh giá: Cách cộng các chi phí cấu thành giá điện bình quân còn rất nhiều bất cập. Cụ thể, khi xây dựng luật Điện lực, ngoài các yếu tố như giá phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ… thì chi phí đầu vào có bao gồm thêm phí quản lý ngành, phí điều độ, điều tiết điện lực. Trong đó, điều độ điện lực được hiểu là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia, mang tính kỹ thuật. Các nước khác cũng có tính giá điều độ trong chi phí đầu vào của điện. Tuy nhiên, điều tiết điện lực là cơ quan thay mặt Bộ Công thương giám sát quá trình hoạt động của các DN, đơn vị sản xuất, mua bán điện. Đây là cơ quan độc lập của nhà nước, công chức nhà nước thuộc Bộ, thậm chí ở nhiều quốc gia, đơn vị này trực thuộc Chính phủ, không phải cán bộ ngành điện.
“Năm 2017, khi soạn thảo Quyết định 24 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá lẻ điện bình quân, Bộ Công thương đã đưa thêm phí điều tiết điện lực vào khoản chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện, để điều tiết núp dưới vỏ ngoài của điều độ. Việc này dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, cán bộ nhà nước, hưởng lương từ chế độ nhà nước nhưng lại hưởng cả lương từ DN, vi phạm quy chế lương thưởng. Thứ hai, cơ quan điều tiết thay mặt Chính phủ, Bộ, nhân dân kiểm tra, thanh tra DN, giờ lại nhập về làm một với DN. Đây gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi, rất dễ gây tiêu cực, hệ lụy nghiêm trọng”, vị này thẳng thắn nêu quan điểm.
Cần giải thích rõ thêm
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bình luận: Có phải vì đưa vào nhiều khoản chi phí vô lý nên giá điện bán lẻ trong dự thảo mới ngay từ bậc thứ 2 đã tăng cao hơn giá bình quân và đến bậc 5 cao hơn giá bình quân quy định đến 185 - 274%. Dẫn đến tính giá 1 bậc cao hơn đến 145 - 155% giá bình quân. Bộ Công thương phải lý giải rõ hơn cho đề xuất giá này một cách hợp lý trước khi đưa ra “trưng cầu dân ý”.
|
Hà Mai
Thanh niên
|