Thứ Sáu, 07/08/2020 13:30

Đồng USD sắp chạm đáy?

Từng được đánh giá là đồng tiền an toàn trong bối cảnh đại dịch lây lan và phá hủy nền kinh tế toàn cầu, thế nhưng, đồng USD đã liên tiếp bị bán tháo trong suốt những tháng qua. Vì đâu nhà đầu tư giờ đây lại quay lưng với tài sản này và đồng USD liệu sẽ còn giảm đến khi nào?

Chỉ số USD Index đã giảm đến 4.5% riêng trong tháng 7 vừa qua. Ảnh minh họa

Từ đồng tiền an toàn đến bị xa lánh

Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ (USD) là diễn biến thu hút nhiều sự chú ý nhất trong những ngày gần đây, khi chỉ số USD Index đã giảm đến 4.5% riêng trong tháng 7 vừa qua, tiếp nối đà lao dốc từ tháng 5 đến nay. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh này hiện đã rớt về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2018 cho đến nay, tại vùng 93 điểm, khi đồng USD suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chính khác.

Còn nhớ trong giai đoạn quý 2, đặc biệt là vào nửa đầu tháng 3, đồng USD đã tăng vọt khi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh đã thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào USD trú ẩn như một tài sản an toàn. Thời điểm đó chỉ số USD Index có lúc vượt mốc 103 điểm, đỉnh cao nhất kể từ tháng 12/2016. Nhưng thời thế luôn thay đổi nhanh chóng như tâm lý của chính các nhà đầu tư, giờ đây đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới đang trở thành tài sản bị bán tháo nhiều nhất.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho sự chìm sâu của đồng USD trong thời gian qua, từ dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Mỹ biến nước này trở thành quốc gia có lượng người nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất, khiến nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề và chứng kiến suy thoái sâu nhất trong hàng chục năm qua, cho đến sự lo ngại về các chính sách nới lỏng ngày càng gia tăng cường độ của nước này đang làm xói mòn giá trị của đồng USD.

Hôm 31-7, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings đã điều chỉnh triền vọng tín dụng của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực dù vẫn duy trì ở mức xếp hạng AAA, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang dự kiến tung ra một gói kích thích mới với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD. Theo đồng hồ đếm nợ của Mỹ, nợ quốc gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã vượt mốc 26.6 nghìn tỷ USD, tỷ lệ nợ công/GDP đã lên mức 102.6% và tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP lên gần 126%.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng chính quá trình đảo ngược toàn cầu hóa, mà dẫn đầu là Mỹ, khi chủ động kích hoạt các cuộc chiến thương mại với các đối tác, rút ra khỏi các Liên minh toàn cầu, đề cao chủ nghĩa bảo hộ, khiến vị thế đồng tiền dự trữ và thanh toán của USD ngày càng suy yếu, do giờ đây các đồng minh của nước này trở nên thiếu niềm tin vào các chính sách của chú Sam.

Việc đồng USD lao dốc mạnh cũng vô tình đẩy giá các loại hàng hóa và tài sản khác vọt tăng mạnh trong những tuần qua, do hầu hết trong số đó đang được định giá theo USD. Đơn cử như vàng, giá kim loại quý này đã vọt tăng mạnh và phá vỡ kỷ lục cao nhất trong lịch sử, thậm chí xuyên thủng luôn mốc cản 2,000 USD/ounce trong những ngày gần đây.

Sắp chạm đáy?

Chứng kiến sự lao dốc mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua, không ít nhà đầu tư tự hỏi khi nào đồng USD mới chạm đáy. Đây rõ ràng là một mối quan tâm lớn, vì một khi đồng USD phục hồi trở lại, các tài sản và hàng hóa khác như vàng có thể chịu áp lực suy giảm và đặc biệt cộng thêm áp lực chốt lời khi giá kim loại quý này đã tăng quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn và đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử.

Theo biểu đồ kỹ thuật, nếu nhìn theo kênh tăng giá của USD Index được thiết lập từ cuối tháng 4/2011, mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số này nằm ở vùng 92 điểm, tương ứng với đường xu hướng dưới của kênh tăng giá, tức cách không xa so với vùng giao dịch quanh mốc 93 điểm như hiện nay. Vùng này cũng tương ứng với mức hỗ trợ Fibo 78.6% kéo từ đáy của tháng 2/2018 đến đỉnh tháng 3/2020, và cũng là mức hỗ trợ Fibo 38.2% kéo từ đáy của tháng 4/2011 đến đỉnh cao tháng 12/2016.

Chứng kiến sự lao dốc mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua, không ít nhà đầu tư tự hỏi khi nào đồng USD mới chạm đáy. Đây rõ ràng là một mối quan tâm lớn, vì một khi đồng USD phục hồi trở lại, các tài sản và hàng hóa khác như vàng có thể chịu áp lực suy giảm và đặc biệt cộng thêm áp lực chốt lời khi giá kim loại quý này đã tăng quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn vừa qua và đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử.

Nếu xuyên thủng vùng hỗ trợ này, mức hỗ trợ kế tiếp sẽ nằm ở vùng 88 - 88,5 điểm, tương ứng mức Fibo 50% kéo từ đáy của tháng 4/2011 đến đỉnh cao tháng 12/2016. Đây cũng là mức đáy của tháng 1/2018, thị trường đã bật lại mạnh mẽ khi chạm vùng này và đảo ngược xu hướng, duy trì đà đi lên trong suốt 2 năm, kéo dài cho đến nửa đầu tháng 3 năm nay.

Đáng lưu ý là đợt sụt giảm hiện nay khá tương đồng với đợt điều chỉnh diễn ra trong giai đoạn tháng 12/2016 đến tháng 2/2018, khi đó chỉ số USD Index cũng giảm từ đỉnh cao trên 103 điểm về vùng 92 điểm, sau đó bật lên trở lại vùng 95 điểm trước khi tiếp tục giảm xuống và tìm thấy đáy tại vùng 88.5 điểm.

Về yếu tố cơ bản, việc tăng trưởng GDP của Mỹ chìm sâu trong quý 2 do ảnh hưởng của chính sách cách ly các bang tại Mỹ đã gây áp lực rất lớn lên đà sụt giảm của đồng USD, tuy nhiên, trong nửa cuối năm có thể sẽ bắt đầu phục hồi trở lại, theo như dự báo trước đây của Chủ tịch ngân hàng dự trữ tại Dallas - Robert Kaplan.  

Bên cạnh đó, nếu các nghiên cứu vắc xin chống virus Corona sớm được phê chuẩn tại Mỹ, khi tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm đang cho kết quả khả quan, tình trạng lây lan nhiễm bệnh tại quốc gia này giảm xuống sẽ giúp kinh tế khởi sắc sớm hơn.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo cập nhật ngày 06/8 của ngân hàng Goldman Sachs tiếp tục kiên quyết giữ vững quan điểm giá xuống đối với đồng bạc xanh. Trước đó vào ngày 29/7, Goldman Sachs cũng đã đưa ra cảnh báo: 'Đồng USD đứng trước nguy cơ sụp đổ, mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới!', trước mối lo ngại về tình hình lạm phát ở Mỹ ngày càng gia tăng.

Chỉ số USD Index liệu có sắp tìm được đáy?

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới lên sát ngưỡng 2,070 USD (07/08/2020)

>   Dầu đứt mạch 4 phiên tăng liên tiếp trước lo ngại về nhu cầu nhiên liệu (07/08/2020)

>   Vàng tương lai tiếp tục chuỗi tăng nóng lên 2,075 USD (06/08/2020)

>   Vàng thế giới tăng 4 phiên liên tiếp lên gần 2,050 USD/oz (06/08/2020)

>   Dầu lên cao nhất trong 5 tháng khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh (06/08/2020)

>   Tăng tiếp gần 40 USD, vàng thế giới lên ngưỡng 2,060 USD/oz (05/08/2020)

>   Morgan Stanley bị cấm giao dịch trái phiếu Chính phủ Pháp 3 tháng (05/08/2020)

>   Vàng thế giới lên ngưỡng 2,021 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử (05/08/2020)

>   Dầu tăng giá chờ dữ liệu nguồn cung từ Mỹ (05/08/2020)

>   Những món nợ khổng lồ vì đại dịch (04/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật