Thứ Hai, 24/08/2020 06:17

Dè sẻn trong mùa dịch

Dịch Covid-19 kéo dài khiến những bà nội trợ, dân văn phòng... có thói quen tiêu xài thoải mái nhất cũng phải nhìn lại và dè dặt

Dịp cuối tuần, nhóm bạn của chị Nga Lê (ngụ quận 2, TP HCM) thường tụ tập, gặp nhau. Tuy nhiên, thói quen này đã thay đổi từ khi có dịch Covid-19 để vừa hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người ngoài đường, vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn vui.

Chi tiêu sinh hoạt ít nhất

Từ việc thường xuyên hẹn nhau ngồi quán xá, nhà hàng, nhóm đã chuyển sang gặp ở nhà, phụ nữ thay phiên đi chợ, nấu nướng, con nít chơi với nhau trong phòng, đàn ông trò chuyện rôm rả…

Để chuẩn bị cho "bữa tiệc" của nhóm, chị Nga Lê và bạn sẽ đi siêu thị hoặc đi chợ. Trước khi đi, mọi người lên danh sách những món định nấu, đồ định mua, đến nơi chỉ việc mua đúng món đó, không la cà hoặc nhặt thêm nhiều đồ không cần thiết. Các mặt hàng được chọn để nấu cũng bảo đảm chất lượng nhưng không quá đắt, ưu tiên hàng được giảm giá, mua vừa phải, đủ dùng, không để dư… "Với cách thức này, nhóm tôi thường gặp nhau vào cuối tuần như trước nhưng chi phí ăn uống, vui chơi đã giảm khoảng 50%" - chị Nga Lê chia sẻ.

Tương tự, từ khi có dịch hồi đầu năm đến nay, thói quen sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình chị Quỳnh Như (ngụ quận 9, TP HCM) cũng thay đổi đáng kể. Chị không còn đi chợ hằng ngày hoặc 2-3 ngày/lần như trước mà chuyển sang đi chợ hoặc siêu thị theo tuần. Thu nhập của vợ chồng bị cắt giảm đáng kể buộc chị phải tính toán lại việc chi tiêu trong nhà.

"Có việc làm và vẫn được nhận lương trong mùa dịch thế này đã là may mắn. Để tiết kiệm, tôi cân đối lại sinh hoạt trong gia đình. Không sắm sửa quần áo cho cả nhà khi chưa thật sự cần thiết, hạn chế ra ngoài ăn uống mà chuyển sang đi chợ, nấu nướng ăn ở nhà. Quanh nhà có 2-3 siêu thị lớn, hằng tuần hoặc hằng tháng từng siêu thị đều có chương trình khuyến mại. Khi mua, tôi sẽ ưu tiên lựa những món đồ được khuyến mại mà chất lượng không đổi và tính toán dùng dần trong cả tháng" - chị Quỳnh Như nói.

Bước vào siêu thị, chị không còn đi dạo từng dãy quầy kệ, nhặt món gì thấy thích như trước mà chỉ tập trung mua món cần. Giá cả cũng được đặt lên hàng đầu trước khi nhặt hàng; thói quen so sánh giá được chị tận dụng triệt để.

"Từng là người ít mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, kể từ sau dịch, tôi lướt xem hàng hóa trên mạng nhiều hơn. Chọn sàn uy tín, mỗi sàn sẽ giảm giá "khủng" một thời điểm, xem món hàng cả nhà đang cần, so sánh với các nơi bán khác, nếu thấp hơn nhiều thì tôi sẽ chọn mua. Nhờ cân đối và tính toán lại chi tiêu trong nhà, tôi cũng tiết kiệm được khoảng 30% tiền sinh hoạt so với trước dịch" - chị Quỳnh Như tiết lộ.

Dè sẻn trong mùa dịch - Ảnh 1.
Việc chi tiêu, mua sắm của các gia đình hiện nay đã thay đổi rất nhiều từ khi có đại dịch Covid-19. Ảnh: THANH NHÂN

Sống chậm, tiêu xài ít

Theo báo cáo về "Hành vi người tiêu dùng sau thời gian giãn cách xã hội" tại Việt Nam và một số quốc gia Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Thái Lan của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, có đến 90% người Việt cho rằng dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập gia đình. Những hộ trong nhóm thu nhập thấp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, 17% trong số họ phải chịu cắt giảm một nửa tài chính. Dù bức tranh chung là lạc quan nhưng khoảng 30% người tiêu dùng chưa nghĩ thu nhập sẽ được cải thiện. Do đó, họ có thể chưa quay trở lại với thói quen chi tiêu như trước khi có dịch…

Nhìn chung, tác động của dịch bệnh đã khiến rất nhiều gia đình sống chậm lại, suy nghĩ cho sức khỏe và "túi tiền" của gia đình, nhất là những bà nội trợ, dân văn phòng… Chị Thanh Trúc, nhân viên bán hàng cho một tập đoàn toàn cầu về thực phẩm, kể chị đang sống những ngày lạ lùng chưa từng có trong gần 20 năm đi làm của mình. "Tôi đã sống chậm hơn, dành thời gian cho mình nhiều hơn và đặc biệt là tiêu xài cực kỳ ít" - chị nói.

Hơn 2 năm nay, khoảng lương dù trên 40 triệu đồng/tháng của Thanh Trúc khiến nhiều dân văn phòng mơ ước nhưng chị gần như không tiết kiệm được gì. "Tiền sinh hoạt cho 2 mẹ con, trả tiền vay mua nhà hằng tháng, phụ cấp cho cha mẹ.... chiếm 2/3 thu nhập, số còn lại dùng để làm đẹp, chi xài cá nhân. Dịch ập đến, nhìn số người nhiễm bệnh, tử vong trên thế giới và trong nước, rồi thấy rất nhiều người thất nghiệp, bạn bè mình mất việc làm khiến tôi suy nghĩ và quyết tâm thay đổi. Từ một người chủ quan, không lo lắng về công việc và tài chính của bản thân, tôi bắt đầu tính đến chuyện phải có khoản tiết kiệm phòng khi gặp khó" - chị Trúc bộc bạch.

Là người nhiều năm không đụng tay vào chuyện bếp núc, thường đặt đồ ăn giao tận nhà, chị Thanh Trúc tập nấu cho mình những món đơn giản. Thói quen đi spa chăm sóc da cũng giảm bớt, thay vào đó là tự làm và đắp mặt nạ tại nhà. "Tháng đầu tiên đưa mình vô "kỷ luật", tôi mở tài khoản tiết kiệm online và để dành được 10 triệu đồng. Tháng sau đó để dành được 11 triệu đồng, đến giờ mỗi tháng đều đặn bỏ thêm vào tài khoản 10 triệu đồng. Điều tôi hài lòng nhất là mọi thứ đang tốt dần lên, làm việc ở nhà vẫn bảo đảm chất lượng trong khi tôi có thêm thời gian chơi với con, ăn ngủ đúng bữa, đủ chất nên da dẻ hồng hào, tinh thần phấn chấn" - chị Trúc chia sẻ.

Trong khi đó, chị Minh Trang, huấn luyện viên yoga của một trung tâm thể dục thể thao ở quận 6, tất bật hơn hẳn kể từ đầu năm đến nay. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng học viên, khách hàng đến trung tâm giảm hơn 50%, chủ đầu tư buộc phải rút bớt một số giờ dạy, đồng thời giảm 30% tiền đứng lớp của huấn luyện viên.

Mới đây, chủ đầu tư thông báo tháng sau sẽ đóng cửa phòng tập vì không thương lượng giảm giá thuê mặt bằng, trong khi công ty không có khả năng gánh lỗ thêm. Chi phí ăn ở, sinh hoạt cho 2 mẹ con tối thiểu 10 triệu đồng/tháng nhưng 2 tháng liền thu nhập từ phòng tập chỉ còn 6 triệu đồng/tháng khiến chị khá căng thẳng. "Nếu trung tâm đóng cửa, khoảng thu nhập hiện tại cũng mất. Tình hình này kéo dài sẽ rất khó, nhất là sắp tới phải chi ít nhất 4 triệu đồng học phí, quần áo, sách vở cho con" - chị Trang lo lắng.

Để ứng phó lâu dài, chị Trang lên phương án tìm nhà trọ giá rẻ hơn và nhận huấn luyện riêng cho một số học viên với chi phí thấp. "Tổng cộng đến giờ tôi có khoảng 10 học viên, người này truyền người kia nên số người hỏi đăng ký tập tăng, vất vả hơn trước nhưng có đồng ra đồng vô. Tôi cũng muốn tìm mặt bằng phù hợp để vừa ở vừa làm nơi dạy yoga cho nhóm nhỏ 2-3 người hoặc tìm nhà đầu tư hợp tác mở 1 phòng tập riêng" - chị tính toán. 

Học cách chi tiêu thông minh

Trên các diễn đàn hoặc trong nhóm nhỏ của những "mẹ bỉm sữa", bà nội trợ, dân văn phòng, câu chuyện được chia sẻ, trao đổi nhiều nhất là làm sao để chi tiêu tiết kiệm, thông minh "thời Covid-19" như tận dụng tối đa chương trình khuyến mại, giảm giá, ưu đãi của các thương hiệu khi đi siêu thị, đi chợ, mua sắm... hay cùng sản phẩm dầu ăn nhưng sẽ chọn loại giá "mềm" hơn; chuyển sang dùng túi xách, giày dép loại bình dân hơn thay vì hàng cao cấp...

Ngay tiền học phí cho con cũng được các mẹ "mách" nhau cách tiết kiệm. Thông thường, các trường tư, trường quốc tế đóng học phí theo quý, theo năm sẽ được giảm từ 5%-15%, thậm chí tùy giai đoạn có thể được giảm tới 30%, nhiều người chọn cách đóng theo năm để được chiết khấu cao nhất. Một số trường liên kết với ngân hàng, cho phép phụ huynh thanh toán qua thẻ, trả góp 0% lãi suất mà vẫn được chiết khấu tối đa (cà thẻ mỗi tháng số tiền còn lại sau khi đã được chiết khấu)...

LINH ANH - PHƯƠNG AN

Người lao động

Các tin tức khác

>   Vàng trồi sụt, lãi suất giảm... sẵn tiền tỷ tìm nơi bỏ vốn (22/08/2020)

>   Giá vé máy bay lại xuống đáy, khứ hồi TP.HCM - Hà Nội còn 1 triệu (21/08/2020)

>   Giá bán điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý? (21/08/2020)

>   Đại dịch Covid-19 'ăn mòn' tài chính của cả người dân và doanh nghiệp (21/08/2020)

>   Tiền điện của người dân sẽ như thế nào với biểu giá 5 bậc thang? (19/08/2020)

>   Nở rộ ứng dụng hoàn tiền mua sắm biến tướng, đa cấp (19/08/2020)

>   Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Tạm giữ khẩn cấp lãnh đạo tập đoàn Gold Time (19/08/2020)

>   Bay hàng ngàn tỉ vì đầu tư tiền ảo: Lừa đảo núp bóng đầu tư, khởi nghiệp (19/08/2020)

>   Bộ Công thương đề xuất bỏ cách tính 'điện 1 giá' trong dự thảo biểu giá điện bán lẻ (18/08/2020)

>   Năm năm nữa EVN hết độc quyền, người dân được đàm phán giá điện (18/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật