Thứ Năm, 20/08/2020 13:00

Đế chế REE mở lối đến tương lai bằng mã lực quá khứ

Đương đầu với những cơn gió ngược, biểu tượng kinh doanh thời kỳ hội nhập thêm một lần xoay chuyển để mở ra chân trời mới.

Một năm qua, những cơn gió ngược đã đẩy REE - đế chế kinh doanh đầu tư đa ngành - chệch khỏi đường ray tăng trưởng.

Tại lĩnh vực hạ tầng năng lượng, thủy điện thiếu nước do hạn hán kéo dài. Trong vai trò chủ đầu tư bất động sản và nhà thầu cơ điện công trình, REE nằm dưới sức ép của một thị trường nhà đất bị kiềm tỏa bởi thủ tục pháp lý. Các thách thức lại tiếp tục chất chồng khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Sức ì của kết quả kinh doanh làm dấy lên lo ngại của cổ đông. Tại cuộc họp thường niên diễn ra giữa tháng 5/2020, các chủ sở hữu chất vấn ban điều hành liệu REE có đang đầu tư quá dàn trải thay vì nắm cổ phần chi phối. Họ cũng muốn một mức cổ tức cao hơn khi mà giá trị thị trường REE không tăng trưởng trong 3 năm qua, và cho rằng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Thanh, 68 tuổi, đã trở nên quá cẩn trọng trong vai trò dẫn dắt một hãng đầu tư tiềm lực.

Đây không phải lần đầu REE đứng giữa môi trường kinh doanh khắc nghiệt và những niềm tin lung lay của cổ đông. Và cũng thêm một lần nữa để tiến đến tương lai, REE chọn cách khởi động những thay đổi từ bên trong, vốn là mã lực từng giúp nó vươn mình trong những ngày xưa cũ.

Tại cuộc họp thường niên 2020 diễn ra vào giữa tháng 5, Ban lãnh đạo REE đã đệ trình và được cổ đông thông qua phương án tái cấu trúc, sắp xếp 19.8 ngàn tỷ đồng tài sản vào các công ty holdings riêng biệt. Mục tiêu của sự thay đổi là nhằm giúp REE dễ dàng hơn trong việc mở rộng, với mỗi holdings sẽ đảm nhiệm một mảng kinh doanh cốt lõi.

Điều hành guồng máy mới không phải người phụ nữ đã dẫn dắt REE từ xí nghiệp điện lạnh trở thành đế chế kinh doanh ngàn tỷ mà là một tân Tổng giám đốc được chọn ra từ đội ngũ nội bộ. Trong khi đó, bà Mai Thanh vẫn là người có tiếng nói quyết định trong đường hướng phát triển của REE dưới cương vị Chủ tịch.

Thị giá cổ phiếu REE tính đến kết phiên ngày giao dịch 12/08/2020. Nguồn: VietstockFinance

Mã lực quá khứ

Thành lập từ năm 1977, linh hoạt xoay chuyển theo thời cuộc là con đường đưa REE trở thành một biểu tượng tiên phong trong thời kỳ quốc gia hội nhập.

Bà Mai Thanh gia nhập Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh TP HCM, tiền thân của REE, kể từ năm 1982 dưới vai trò kỹ sư và trở thành giám đốc chỉ 3 năm sau đó. Đến năm 1993, chấp nhận đánh đổi việc sản phẩm không còn được bao tiêu, người phụ nữ quyết đoán xin cổ phần hóa để cởi trói xí nghiệp khỏi những cơ chế khuôn mẫu và những gò bó của một đơn vị Nhà nước.

Giai đoạn sau khi Việt Nam được Mỹ dỡ bỏ cấm vận từ 1994-1996, nhiều cơ hội kinh doanh mở ra nhưng lãi suất ngân hàng lúc đó chạm đến 24-25% mỗi năm. Để giải bài toán nguồn vốn, REE đã theo đuổi và trở thành doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào năm 1997, ngay trước khi “những con hổ kinh tế châu Á” bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tiền tệ. Nguồn vốn mới đã cho phép bà Mai Thanh, kỹ sư cơ khí về từ Đông Đức, bắt tay sản xuất những chiếc máy điều hòa Reetech đầu tiên.

Các hướng kinh doanh làm nên vị thế ngày nay của REE đều thai nghén trong giai đoạn khủng hoảng.

Ý tưởng về tòa nhà văn phòng đầu tiên tại quận Tân Bình, TP HCM, mà sau này được REE phát triển thành tổ hợp cao ốc cho thuê E.Town Cộng Hòa, thành hình trong những ngày gian khó cuối thập niên 90 và khởi công vào năm 2001. Giai đoạn 2009-2010, lĩnh vực hạ tầng điện nước được dồn lực đầu tư trong lúc nền kinh tế hậu khủng hoảng tài chính vẫn chưa vững vàng. Đến năm 2019, các nhánh kinh doanh cốt lõi này đóng góp gần 85% lợi nhuận sau thuế của REE.

Là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu, và giờ vẫn hiện diện trong nhóm công ty đại chúng hàng đầu VN30, nhưng cổ phiếu REE lúng túng trong những năm gần đây khi kết quả kinh doanh của công ty chững lại.

Trong cơn bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp 2018-2019, việc huy động thành công trên 2.3 ngàn tỷ đồng từ trái phiếu với lãi suất cố định ở mức thấp 7% là minh chứng cho vị thế tài chính vững chắc của REE. Nhưng trước mắt, doanh thu vẫn chưa được tạo ra trong khi doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư dự án và phải chịu lãi suất.

Từ 2018-2019, tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) và trên tài sản (ROA) của đế chế đầu tư này giảm từ mức 21% và 13% xuống còn lần lượt 17% và 10%. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn khi doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2020 trong khi guồng máy giải ngân đầu tư vẫn đang quay không ngừng nghỉ.

Giữa bối cảnh đó, những người điều hành REE vẫn đặt một mục tiêu đầy thách thức là trở thành doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô, hay nói cách khác là tăng gấp đôi giá trị mà hãng đầu tư này mất hơn 4 thập kỷ tích lũy, trong vòng 5 năm tới.

Để hiện thực hóa điều đó, REE - đế chế với “hạt đậu thần” là những thương vụ M&A - phải duy trì mức tăng trưởng kép 15% trong nửa thập kỷ. Công cuộc tìm kiếm những thương vụ đủ sức nặng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng khi quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn là một nhiệm vụ khó khăn. Trong khi đó, một vấn đề khác cũng hiển hiện - hệ thống quản trị lâu nay khó theo kịp quy mô và sự phức tạp của các nhánh kinh doanh ngày càng sinh sôi.

Nguồn: Báo cáo thường niên của REE, Vietstock tổng hợp

Áo mới của đế chế

Trong 5 năm qua, tổng tài sản của REE đã tăng từ 8.6 ngàn tỷ đồng lên mức 19.8 ngàn tỷ đồng.

Xa hơn, kể từ năm 2010 - thời điểm bắt đầu xoay trục trọng tâm sang ngành hạ tầng điện nước, đến cuối năm 2019 REE đã nắm cổ phần tại nhóm doanh nghiệp sở hữu gần 30 nhà máy khắp cả nước từ thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời cho đến các nhà máy nước.

Mô hình một công ty mẹ nắm cổ phần trực tiếp hàng chục đơn vị không thể là con đường để trở thành một đế chế kinh doanh đúng nghĩa. Điều này đòi hỏi bà Mai Thanh và cộng sự khởi xướng kế hoạch tái cấu trúc với trọng tâm là việc phân chia hệ thống 12 công ty thành viên và 19 công ty liên doanh liên kết vào 4 khối holdings cơ điện lạnh, bất động sản, hạ tầng nước và hạ tầng năng lượng.

Chìa khóa ở đây là quá trình định hình chiến lược cùng các mối quan hệ hợp tác trong từng mảng kinh doanh sẽ dễ dàng hơn với cơ cấu mới. Sự phân chia rạch ròi cũng mở ra khả năng độc lập huy động vốn cho các holdings, được xem là bước đi hành lang cho việc đại chúng hóa (thông qua bán cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO) các mảng kinh doanh về sau này, đương nhiên, với quyền chi phối vẫn nằm trong tay REE.

“Các ngành kỹ nghệ của mình dù liên hệ với nhau về mặt kỹ thuật nhưng mô hình kinh doanh thì khác hẳn”, bà Mai Thanh nói. Các nhà đầu tư tiềm năng cũng từng đặt vấn đề “nếu không thành lập các công ty holdings thì REE sẽ rất khó mở rộng”.

“Giờ là thời điểm thích hợp về mọi phương diện để thành lập các công ty công nghiệp chuyên ngành”, nữ Chủ tịch quả quyết khi trả lời chất vấn tại cuộc họp đại hội thường niên diễn ra giữa tháng 5.

Hệ thống công ty của REE sau khi được tái cấu trúc. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên REE

Công tác sắp xếp nhân sự đang cấp tập triển khai để đảm bảo hệ thống mới vận hành trơn tru, trong đó, thay đổi đáng để tâm nằm ở vị trí điều hành cao nhất của REE.

Nhiều ý kiến cho rằng bước ngoặt này có phần bất đắc dĩ, để đảm bảo thực hiện  đúng quy định tại Nghị định 71 về quản trị công ty đại chúng - một cá nhân không được cùng lúc kiêm nhiệm chủ tịch lẫn tổng giám đốc của cùng một doanh nghiệp đại chúng từ tháng 08/2020 - vốn cũng là cái khó chung của không ít doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, REE có lợi thế của riêng mình khi tìm được người đảm đương trọng trách từ chính đội ngũ quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Theo đó, Phó Tổng Giám đốc REE kiêm Giám đốc khối M&E - ông Huỳnh Thanh Hải đã được chọn vào vị trí điều hành cao nhất. Việc một nhân sự đã gắn bó 26 năm và có kinh nghiệm trong các mảng hoạt động được bổ nhiệm Tổng giám đốc sẽ giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng liên quan đến quản lý, “trong bối cảnh việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh có thể khá phức tạp” - nhà phân tích của CTCK Bản Việt nhận định.

Bà Mai Thanh đang có sự ủng hộ của Jardine Matheson, cổ đông lớn nhất có 3 đại diện tại HĐQT REE.

Trong giai đoạn các kế hoạch chuyển đổi vẫn còn đang thai nghén, Jardine Matheson thông qua cánh tay đầu tư Platinum Victory Pte Ltd đã thực hiện vòng chào mua công khai 31 triệu cp, tương ứng 10.1% cổ phần REE. Đế chế kinh doanh có trụ sở tại Hồng Kông gom được chưa đến phân nửa lượng cổ phần mong muốn, qua đó nâng cổ phần tại REE từ 24.9% lên gần mức 29%. Được chào mua giá 45 ngàn đồng/cp, cao hơn khoảng 30% thị giá lúc bấy giờ, nhưng các cổ đông nước ngoài không sẵn lòng để cổ phần tại REE tuột khỏi tay.

Những ngày đầu tháng 8, Platinum Victoria cũng nhận chuyển nhượng thêm gần 2.4 triệu cp từ đối tác nước ngoài để nâng sở hữu tại REE lên mức 29.8%.

Nguồn: Các báo cáo thường niên và Báo cáo Quản trị của REE, Vietstock tổng hợp

Cuộc trình diễn

Vào tháng 3 vừa qua, bà Mai Thanh mua vào 15 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu tại REE từ 7.33% lên mức 12.16%. Các giao dịch được cho là nhằm tranh thủ sự lúng túng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn virus corona bùng phát, và cũng là bước đi củng cố lòng tin đối với giới đầu tư về sự vững chắc của REE.

Ở một góc độ khác, nói về các giao dịch trên thương trường, nữ Chủ tịch cho rằng đây cũng là thời điểm thuận lợi để REE bật đèn xanh cho những thương vụ M&A tiếp theo. “Có nhiều bên gọi đến muốn bán thủy điện này, thủy điện kia”, bà chia sẻ tại đại hội thường niên.

Nhưng REE không có thói quen nuốt lấy mọi thứ.

Từng trả giá đắt trong khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước, bà Mai Thanh thừa nhận bản thân bây giờ là một nhà đầu tư bảo thủ, không thoải mái với rủi ro, thành ra cũng hạn chế trong việc tìm kiếm cơ hội.

Trong những năm sắp tới, nếu không có bước ngoặt lớn, REE sẽ tiếp tục đầu tư trong những ngành quen thuộc.

Tòa nhà E.Town 6 với quy mô đầu tư 2 ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai đầu năm 2021, và dự kiến hoàn thành trong hơn 2 năm.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục là xương sống cho tổ hợp công ty ngày càng đông đúc, với mục tiêu nâng công suất thiết kế tính theo sở hữu vốn từ 515 MW lên mức 1,000 MW trong giai đoạn 2020-2025. Sự khan hiếm các cơ hội M&A lớn cũng thúc đẩy REE tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển dự án năng lượng.

Thủy điện Thượng Kon Tum quy mô 220 MW, nhà máy chỉ cần 0.5 m3 nước để sản xuất 1 kWh, theo lời bà Mai Thanh, sẽ bắt đầu phát điện từ quý 3 năm nay. Thượng Kon Tum thuộc sở hữu của Vĩnh Sơn - Sông Hinh, công ty thủy điện mà REE nắm 49.5% cổ phần. Sau một thập kỷ đóng vai người mua, dự án này là lần đầu tiên người chơi lớn trong lĩnh vực năng lượng thể hiện khả năng tự phát triển một nhà máy phức tạp, làm tiền đề cho các dự án điện mặt trời và trang trại điện gió những năm sắp tới.

“Chúng tôi kỳ vọng REE sẽ hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt điện tại Việt Nam nhờ danh mục đầu tư điện lớn… với vị trí đắc địa và có chi phí sản xuất thấp”, nhà phân tích thuộc CTCK Bản Việt đánh giá.

Các động lực tăng trưởng đang trong quá trình tích lũy và một cấu trúc phân quyền hơn sẽ giảm tải áp lực cho tân Tổng giám đốc Huỳnh Thanh Hải, nhưng nhiệm vụ tiếp nối sự nghiệp của một biểu tượng kinh doanh còn lâu mới giống một cuộc dạo chơi. “Chúng tôi tìm kiếm những nhân tố mới để họ tìm kiếm những việc kinh doanh khác hơn”, bà Mai Thanh chia sẻ.

Cuối tháng 7 này, một buổi lễ đã được tổ chức để giới thiệu tân Tổng giám đốc đến toàn thể nhân sự quản lý cấp trung cao của REE.

Nói về thời khắc chuyển giao, theo bà Mai Thanh, là lúc bà gửi gắm thông điệp cho người mới và xem cái cách người đó tiếp nhận thông điệp. “Nó mang tính chất bên trong hệ thống nhiều hơn. Đấy không phải là cuộc trình diễn ra bên ngoài”.

Thừa Vân

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   HOSE: Danh sách các Công ty Niêm yết có Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã được công bố trên website của HOSE (tính đến hết ngày 12/08/2020) (13/08/2020)

>   SAL: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (13/08/2020)

>   Làm thủ tục phá sản, liệu còn điểm sáng nào cho ‘đại gia bê tông’ Beton 6? (13/08/2020)

>   VTB: BCTC quý 2 năm 2020 (13/08/2020)

>   VTB: BCTC Hợp nhất quý 2 năm 2020 (13/08/2020)

>   Chậm nộp tiền thuế, PXT bị cưỡng chế gần 3.5 tỷ đồng (13/08/2020)

>   QNS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (13/08/2020)

>   Ngôi độc tôn trên ‘sân chơi’ trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu lung lay? (13/08/2020)

>   HVA: Báo cáo tài chính quý 2/2020 (13/08/2020)

>   HCS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (13/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật