Dầu lên đỉnh 5 tháng khi nguồn cung tại Mỹ giảm 3 tuần liên tiếp
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Tư (12/08) lên cao nhất trong 5 tháng, khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa giảm tuần thứ 3 liên tiếp, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 1.06 USD (tương đương gần 2.6%) lên 42.67 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 05/03/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 93 xu (tương đương 2.1%) lên 45.43 USD/thùng, cũng đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 05/03/2020.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 4.5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 07/08/2020 sau khi đã giảm đáng kể trong 2 tuần trước đó, thấp hơn dự báo sụt 4.7 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng cao hơn dự báo mất 4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Okla. tăng khoảng 1.3 triệu thùng trong tuần trước, nhưng tổng sản lượng dầu nội địa đã giảm 300,000 thùng xuống còn 10.7 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, EIA còn cho biết nguồn cung xăng giảm 700,000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với dự báo sụt 2.1 triệu thùng từ một cuộc thăm dò. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2.3 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo mất 100,000 thùng từ cuộc thăm dò của Platts.
Trở ngại lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ tiếp tục là sự không chắc chắn xung quanh dịch bệnh Covid-19, Tariq Zahir, Thành viên quản lý tại Tyche Capital Advisors, nhận định. Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 20 triệu người vào ngày thứ Tư, dữ liệu được tổng hợp từ Đại học Johns Hopkins cho biết.
Trong khi đó, trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố vào ngày thứ Tư, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9.1 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống còn 90.6 triệu thùng/ngày, chủ yếu do mức hoạt động kinh tế thấp ở các quốc gia phát triển. Dự báo giảm trong tăng trưởng nhu cầu thấp hơn 100,000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.
OPEC cho biết dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm 2021 sẽ tăng 7 triệu thùng lên 97.6 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo hồi tháng 7/2020.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 9 vọt 3.3% lên 1.2438 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 cộng 1.5% lên 1.2572 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 mất 0.9% còn 2.152 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|