'Chưa tìm ra mối liên quan giữa các ca trong và ngoài viện ở Đà Nẵng'
Bộ Y tế đã phân tích dịch tễ nhưng chưa tìm ra mối liên quan giữa các ca tại cộng đồng và trong bệnh viện ở Đà Nẵng.
Thông tin vừa được GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị Covid-19, ngày 1/8.
Khó tìm ra F0
Theo GS Long, tâm dịch được xác định tại 3 bệnh viện của Đà Nẵng, gồm Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
Thành phố ghi nhận 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở ngoài cộng đồng, không liên quan đến các cơ sở y tế. Hiện mối liên quan giữa các ca này chưa được tìm ra.
GS Long nhận định: "Tình hình Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng rất phức tạp. Đà Nẵng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, do đó, việc tìm được F0 hiện rất khó khăn".
Theo thống kê từ đầu tháng 7 đến nay, hơn 800.000 người đã đến Đà Nẵng và trở về các địa phương. Trong đó, hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện là tâm dịch tại Đà Nẵng.
"Tình hình dịch Covid-19 hiện nay không còn là vấn đề của riêng Đà Nẵng khi đã có ca nhiễm ngoài tâm dịch ở Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác", GS Long nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế. Ảnh: VGP News.
|
Với quyết tâm ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tử vong do Covid-19 ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã hành động quyết liệt, thành lập bộ phận thường trực đặc biệt tại đây. Bộ phận này do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo.
Bộ Y tế cũng cử các đội tinh nhuệ nhất đến cắm chốt tại Đà Nẵng, trực tiếp tham gia chống dịch.
GS Long cho biết đến nay, Tiểu ban Điều trị đã thực hiện 6 phiên hội chẩn cấp quốc gia, kéo dài 4-5 giờ, để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân. Đồng thời, Bộ Y tế đã huy động và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ gần 1.000 người, bao gồm sinh viên trường y, nhân viên y tế, lực lượng quân đội để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tất cả bộ phận làm việc ngày đêm với quyết tâm cao nhất ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả người trở về từ Đà Nẵng. Đặc biệt, địa phương cần rà soát các địa điểm Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch xảy ra trên địa bàn.
Các địa phương phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót người có liên quan đến Covid-19 tại Đà Nẵng.
Bệnh nhân nặng diễn tiến khả quan
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đã kích hoạt trạng thái phòng ngừa dịch như giai đoạn đầu.
Hiện Việt Nam có 48 đơn vị điều trị Covid-19. Trong thời gian trước, việc phân tuyến điều trị được thực hiện tốt, không ghi nhận ca tử vong. Trong 93 trường hợp được ghi nhận trong cộng đồng mới đây, 34 bệnh nhân là nam, 59 người là nữ. Ba người đã không qua khỏi.
“Dù rất cố gắng, Việt Nam đã có bệnh nhân tử vong. Trước đó, trong thời gian ngắn, Bộ Y tế và các chuyên gia liên tục hội chẩn. Phía trước chúng ta còn nhiều thách thức, đặc biệt trong giai đoạn bức tranh toàn cảnh ở thế giới vẫn còn màu xám xịt. Số tử vong trên thế giới đang tăng cao”, PGS Khuê nói.
Theo PGS Khuê, ca bệnh đầu tiên ở Bệnh viện C Đà Nẵng. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng và được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Từ đơn vị này, ngành y tế phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Nhiều trường hợp mắc Covid-19 nằm trong khu vực điều trị bệnh nhân mạn tính. Khi mắc thêm Covid-19, bệnh trạng diễn biến rất nhanh.
Phó trưởng Tiểu ban Điều trị thông tin trong quá trình điều trị, có những bệnh nhân đáp ứng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những người đáp ứng kém, bệnh nền quá nặng và không qua khỏi như 3 bệnh nhân mới đây.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị. Ảnh: Bộ Y tế.
|
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 8 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông Khuê cho biết hôm qua (31/7), một nhân viên y tế có diễn biến khá nặng.
"Chúng tôi đang cố gắng cứu chữa cho người này. Nếu diễn biến nặng hơn, chúng tôi sẽ triển khai thêm lọc máu và các biện pháp khác", ông Khuê nói thêm.
Tuy nhiên, trong tổng cộng 18 ca bệnh nặng, nhiều trường hợp diễn tiến khả quan hơn. Hôm qua, BN418 đã tỉnh, cười tươi với các y bác sĩ.
PGS Khuê nhận định trong giai đoạn này, việc xét nghiệm sớm, phân luồng, cách ly người có triệu chứng nghi ngờ tại các bệnh viện là điều quan trọng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế mất cảnh giác trong thời gian vừa qua, bao gồm nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng. Nếu tiếp tục mất cảnh giác, nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao.
Bệnh nhân tử vong là bất khả kháng
GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, cho biết ở giai đoạn trước, Việt Nam có ghi nhận bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, các trường hợp này được tập trung cứu chữa, người bệnh có khả năng hồi phục.
Vào giai đoạn này, các ca mắc đều cao tuổi, nhiều bệnh nền, thường ngày phải sống nhờ máy móc. Khi bị Covid-19 tấn công, bệnh nhân khó qua khỏi.
"3 bệnh nhân Covid-19 tử vong mới đây đều là bất khả kháng", GS Bình nói.
GS.TS Nguyễn Gia Bình - người đứng đầu về chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Ảnh: VGP News.
|
GS Bình cho biết nguyên nhân tử vong của bệnh nhân 499 là ung thư máu không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và mắc Covid-19. Bệnh nhân còn bị đái tháo đường type II và tăng huyết áp. Bệnh nhân này có tình trạng quá nặng, hệ thống bạch cầu mất chức năng bảo vệ, mắc Covid-19 chỉ là "giọt nước tràn ly".
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay Việt Nam đã có những bệnh nhân Covid-19 mắc nhiều bệnh mạn tính phải sử dụng biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO (tim phổi nhân tạo), thở máy hoặc oxy.
“Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại. Những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng còn kèm theo bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Bích Huệ
ZING
|