Thứ Bảy, 29/08/2020 11:33

Cách Mỹ dùng 'uy lực' đồng USD áp đặt lệnh trừng phạt quy mô toàn cầu

Sự thống trị của đồng USD trong thanh toán quốc tế là cú hích để Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với các quốc gia khác.

Theo South China Morning Post, Mỹ đã hạn chế chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài sử dụng USD trong tài chính quốc tế để họ không thể nhận thanh toán cho hàng xuất khẩu, mua hàng hóa hoặc sở hữu tài sản bằng đồng bạc xanh.

Hệ thống thanh toán làm công cụ trừng phạt

Dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Bill Clinton (1993-2001), Mỹ bắt đầu thực hiện khai thác hệ thống thanh toán bằng đồng USD, sau đó tiếp tục được mở rộng ở các thời chính quyền tiếp theo.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chính sách “Nước Mỹ trên hết” (American first) cách đây 3 năm, một số biện pháp trừng phạt thanh toán đã được áp dụng đối với Iran, Triều Tiên, Syria, Venezuela và ở mức độ thấp hơn là Nga. Các cá nhân và tổ chức Trung Quốc cũng bị trừng phạt vì cáo buộc xử lý các khoản thanh toán từ Iran và Triều Tiên. Trong đó có Ngân hàng Kunlun, Trung Quốc bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu năm 2012 vì các giao dịch tài trợ với Iran.

Mỹ, Trung, căng thẳng Mỹ Trung, đồng USD ảnh 1
USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và được giao dịch nhiều nhất trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Ảnh: SCMP.

Tháng trước, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty và quan chức chính phủ Trung Quốc, với cáo buộc có liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Trước việc Bắc Kinh thực hiện luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hong Kong, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt 11 cá nhân Hong Kong và đại lục trong tháng 8 với cáo buộc phá hoại quyền tự trị của Hong Kong và hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân.

Các biện pháp trừng phạt này của Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào được nêu tên - được gọi là công dân được chỉ định đặc biệt - có hoạt động kinh doanh liên quan đến các giao dịch tài sản hoặc đầu tư với các tổ chức của Mỹ ở bất kỳ mọi nơi thế giới hoặc các tổ chức nước ngoài tại Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được áp dụng thông qua hệ thống tài chính toàn cầu nhằm làm tê liệt một quốc gia hoặc các cá nhân, thực thể và hoạt động cụ thể, như các quy định áp đặt đối với các cá nhân ở Hong Kong và đại lục nhằm hạn chế tác động kinh tế tổng thể.

Tuy nhiên, sự tách biệt của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Mỹ triển khai "lựa chọn hạt nhân" nhằm đóng băng lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Điều này dự báo không chỉ gây xáo trộn cho Trung Quốc mà còn gây ra những làn sóng khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu, do sự hội nhập của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo Đạo luật Tự trị Hong Kong của Mỹ được ký vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có 30-60 ngày để tìm ra ngân hàng nào tiếp tục giao dịch với bất kỳ vị nào trong số 11 quan chức trong danh sách đen. Luật quy định 10 chế tài có thể được áp dụng đối với các ngân hàng bị xử phạt. Tổng thống Mỹ có tối đa một năm tính từ thời điểm có danh sách các ngân hàng, áp đặt ít nhất 5 lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính đó, và 2 năm để mở rộng số lệnh trừng phạt lên 10.

Danh sách các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các ngân hàng bị xử phạt bao gồm: chặn bất kỳ giao dịch ngoại hối nào thuộc quyền tài phán của Mỹ; cấm trạng thái "đại lý chính" xử lý chứng khoán nợ của chính phủ Mỹ của các ngân hàng; cấm thanh toán, chuyển tiền tín dụng hoặc cho vay từ các tổ chức tài chính thuộc thẩm quyền của Mỹ; và cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào vốn chủ sở hữu hoặc nợ của ngân hàng.

Quy mô và sự phức tạp của hệ thống tài chính Mỹ cho thấy một điều, các ngân hàng quốc tế không thuộc nước này rất có thể sẽ tuân thủ các yêu cầu trừng phạt để bảo vệ mạng lưới ở nước ngoài. Các giao dịch bằng đồng USD sẽ thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House của Mỹ (Chips).

Chips là mạng lưới thanh toán chính cho các khoản thanh toán bằng USD trong nước và quốc tế có giá trị lớn, có 47 thành viên tham gia, bao gồm Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông, 2 trong số 5 ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc phải tuân thủ các chương trình trừng phạt của Mỹ để tránh bị đào thải.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết áp lực nặng nề từ Mỹ có thể buộc các ngân hàng nước ngoài không chỉ hạn chế hoạt động kinh doanh giao dịch bằng đồng USD với tư cách là đại lý cho các ngân hàng Trung Quốc, mà còn từ chối các giao dịch không liên quan đến USD, vì sợ rằng họ có thể bị kết tội khi liên kết với bất kỳ ngân hàng hoặc cá nhân nào trong danh sách đen.

Mỹ, Trung, căng thẳng Mỹ Trung, đồng USD ảnh 2
Áp lực nặng nề từ Mỹ có thể buộc các ngân hàng nước ngoài tuân thủ các yêu cầu trừng phạt để bảo vệ mạng lưới ở nước ngoài. Ảnh: Investopedia.

Mỹ cũng có thể sử dụng quyền năng của mình để yêu cầu Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) - hệ thống nhắn tin thanh toán điện tử lớn nhất thế giới - chuyển thông tin về các giao dịch đến Mỹ phục vụ cho mục đích điều tra về bất kỳ ngân hàng nào được nhắm đến.

Mặc dù không trực tiếp giải quyết các giao dịch, SWIFT có trụ sở tại Bỉ kết nối 11.000 ngân hàng và công ty trên toàn cầu, để gửi thông tin về các giao dịch tài chính. Trong số 25 thành viên hội đồng quản trị, Mỹ nắm giữ 2 vị trí, Trung Quốc có một.

Mỹ có quyền truy cập vào thông tin giao dịch tài chính của SWIFT như một phần trong nỗ lực kìm hãm hoạt động tài trợ khủng bố. Trước đây, Mỹ cũng buộc SWIFT cắt đứt liên kết với các ngân hàng của Iran và Triều Tiên.

Viễn cảnh quan hệ Mỹ - Trung

Nhà kinh tế độc lập Cliff Tan, cựu trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu khu vực Đông Á tại MUFG Bank cho biết, Mỹ có thể muốn duy trì ít nhất một số mối quan hệ tài chính với Trung Quốc và cho phép các ngân hàng nước này tiếp tục truy cập Chips và SWIFT để thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, bởi vì sự phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Trừ khi căng thẳng Mỹ - Trung vượt ra khỏi tầm kiểm soát và thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sụp đổ, các quan chức Mỹ chắc chắn không muốn dòng chảy xuyên biên giới dừng lại, vì điều này đồng thời ngăn các công ty Mỹ thu lại lợi nhuận và tài sản của họ từ Trung Quốc. Từ những năm 1990, các công ty của Mỹ đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua đầu tư trực tiếp hoặc quan hệ đối tác. Các công ty của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc hiện tại sẽ không muốn mất đi khoản lợi nhuận khoảng 40 tỷ USD thu được từ doanh thu 600 tỷ USD hàng năm.

Thêm nữa, điều này cũng đi ngược lại lợi ích của Mỹ nếu thực hiện các biện pháp nặng tay nhằm cấm Cục quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (Safe) - cơ quan quản lý ngoại hối và giao dịch quốc tế của quốc gia - gửi tiền vào các ngân hàng toàn cầu. Điều đó sẽ buộc Safe phải bán bớt một phần hoặc toàn bộ 1.080 tỷ USD chứng khoán ở Kho bạc Mỹ. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu, Tan nhận định.

“Tôi nghĩ rằng (các thành viên của chính quyền ông Trump) đã xem xét điều này và biết rằng nó sẽ không chỉ gây tổn hại cho Trung Quốc mà còn gây xáo trộn lớn cho hệ thống tài chính toàn cầu, vì vậy họ đã chọn không làm điều gì đó quá quyết liệt”, Tan nói.

Các nhà phân tích cho biết, viễn cảnh Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân khác hoặc bổ sung danh sách trừng phạt mà các ngân hàng nước ngoài và Trung Quốc phải tuân thủ, có nghĩa là cần phải có thêm các biện pháp phòng ngừa trong cuộc chiến tài chính với Trung Quốc.

Các ngân hàng ngoài Mỹ như Credit Suisse, HSBC, Julius Baer và UBS nằm trong số được cho là đang gia tăng giám sát khách hàng đối với các mối quan hệ chính trị và chính phủ. Các tổ chức cho vay thương mại và quốc doanh của Trung Quốc như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Thương gia Trung Quốc cũng được cho là đang tiến hành bổ sung các bước về việc mở tài khoản mới cho 11 cá nhân trong danh sách đen.

Evans-Pritchard của Capital Economics cho biết: “Mục tiêu chính của Mỹ là ngăn chặn (các cá nhân trong danh sách đen) chuyển tiền qua hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu mối quan hệ tiếp tục xấu đi, chúng ta có thể thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ mở rộng hơn nữa”.

Mỹ, thông qua Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, đã áp dụng các hình phạt thương mại và tài chính nặng nề đối với các ngân hàng không thuộc Mỹ vi phạm chính sách của nước này bằng cách xử lý các giao dịch bất hợp pháp thông qua hệ thống thanh toán toàn cầu. Danh sách bao gồm BNP Paribas, Bank of Tokyo Mitsubishi, RBS, Intesa Sanpaolo, ING và National Bank of Abu Dhabi.

Năm 2012, HSBC đã nộp phạt 1,92 tỷ USD cho chính quyền Mỹ vì tội rửa tiền ma túy chảy ra khỏi Mexico. Năm ngoái, Ngân hàng Standard Chartered đã trả 1,1 tỷ USD cho chính quyền Mỹ và Anh vì vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran và luật chống rửa tiền của Mỹ.

Thu Hằng

ZING

Các tin tức khác

>   Dầu tăng trong tuần qua bất chấp đà giảm trong phiên (29/08/2020)

>   Vàng thế giới vọt hơn 42 USD (29/08/2020)

>   Vàng thế giới giảm gần 20 USD sau khi trồi sụt mạnh trong phiên (28/08/2020)

>   4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể thiếu 940 tỷ USD vốn (27/08/2020)

>   Dầu WTI đi ngang mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 khi bão Laura đổ bộ (27/08/2020)

>   Tăng gần 30 USD, vàng thế giới lên cao nhất trong 1 tuần (27/08/2020)

>   Dầu lên cao nhất kể từ tháng 3/2020 (26/08/2020)

>   Vàng thế giới giảm 2 phiên liên tiếp khi căng thẳng Mỹ - Trung dịu bớt (26/08/2020)

>   Nhà đầu tư ngóng chờ bài phát biểu cực kỳ quan trọng của Chủ tịch Fed trong ngày 27/08 (25/08/2020)

>   Sắp vượt Trung Quốc, Nga sẽ trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới (25/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật