Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên nhà đầu tư đến từ Malta có dự án đầu tư mới vào Việt Nam, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam lên 137 đối tác.
Bên cạnh đó, một trong những điểm đáng chú ý trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là sự xuất hiện ngày càng nhiều "thiên đường thuế" trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Đơn cử, ngoài "thiên đường thuế" Malta lần đầu tiên rót vốn vào Việt Nam, còn có nhiều nhà đầu tư đến từ các "thiên đường thuế" khác như các vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh như quần đảo Cayman, Bermuda và quần đảo British Virgin; Luxembourg; Ireland; Mauritius... hiện đều có dự án đầu tư ở Việt Nam.
Dù có vốn đăng ký chỉ đạt 600.000 đô la Mỹ nhưng dự án của nhà đầu tư đến từ quần đảo Malta đã giúp cái tên Malta trở thành đối tác có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký lớn thứ 103 ở Việt Nam.
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê
|
Cảnh báo về tình trạng dự án li ti
Một điểm đáng chú ý khác là nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư đăng ký còn rất thấp, góp phần tạo nên tình trạng dự án FDI quy mô nhỏ li ti tại Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến ngày 20-7 vừa qua, cả nước có hơn 32.390 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 380,6 tỉ đô la. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 221,87 tỷ USD, bằng 58,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 222,3 tỉ đô la, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 59,8 tỉ đô la (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,5 tỉ đô la (chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư).
|
Tính đến nay, Li-băng có đến 5 dự án đầu tư vào Việt Nam nhưng tổng số vốn đăng ký chỉ đạt 525.000 đô la; hay Iran (Islamic Republic of) cũng có 5 dự án nhưng chỉ đạt 83.500 đô la. Ngay cả Bồ Đào Nha và Mexico, mỗi quốc gia cũng có được 4 dự án FDI nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký cũng khá thấp với thứ tự là hơn 200.000 đô la và hơn 170.000 đô la.
Thậm chí Bangladesh có đến 15 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tổng vốn đăng ký đến nay không tới 1 triệu đô la.
Theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, ngoài Malta là nhà đầu tư mới hoàn toàn, từ đầu năm đến nay cả nước cũng lần đầu tiên đón thêm dự án FDI đến từ Guinea với tổng vốn đăng ký 10.000 đô la Mỹ. Đây cũng là dự án có vốn FDI đăng ký thấp nhất vào Việt Nam.
Tính đến nay, cả nước có đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ có một dự án FDI và 18 đối tác khác có hai dự án FDI được cấp phép đầu tư với số vốn còn khá thấp.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến nay, Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu vốn FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 70 tỉ đô la (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư) với gần 8.860 dự án.
Nhật Bản đứng thứ hai với 60,2 tỉ đô la (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư, đạt 4.568 dự án) và Singapore là 2.544 dự án với tổng vốn đầu tư là gần 55 tỉ đô la; tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Hồng Kông...
Danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI đăng ký cao nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài
|