Đời sống vốn đã khó khăn với những công nhân xa quê, giờ còn nhân lên gấp bội bởi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2, họ phải vật lộn với cuộc mưu sinh hàng ngày. Hai ngày thâm nhập vào cuộc sống của người công nhân tại một số khu công nghiệp tại TPHCM cũng như Bình Dương, tôi mới thấm hơn tình cảnh khốn khó mà những công nhân ở đây đang trải qua.
Trung tâm giải quyết việc làm Bình Dương luôn đông người đến tìm việc.
|
Chợ công nhân vắng lặng
Tác động dễ dàng nhận thấy nhất của công nhân khi bị giảm giờ, mất việc công việc chính là bữa ăn hằng ngày bị teo tóp, người lao động chỉ quanh quẩn với rau và mì tôm cho qua ngày.
Chị Đinh Thị Tuyến, ở trọ quận Thủ Đức, TPHCM cho hay nhiều tháng nay công ty chị đang làm hết hàng do dịch nên công nhân phải luân phiên tháng nghỉ, tháng làm. Tháng làm thì tuần làm ba buổi vì thế lương cũng bị giảm theo. Tổng thu nhập của chị trước khi dịch diễn ra khoảng 8 triệu đồng một tháng nhưng nay thu nhập chỉ còn hơn ba triệu đồng.
Thời gian rảnh còn lại trong tuần chị tìm việc làm dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, rửa bát nhưng cũng rất ít người thuê. Chính vì thế nhiều tháng nay gia đình chị ba thành viên phải sống rất tiện tặn mà vẫn không đủ. Anh Thân - chồng chị Tuyến, làm nghề phụ hồ nay việc ít nên thu nhập cũng không có.
Trong khi đó đứa con trai 17 tuổi lại bị bệnh suy thận giai đoạn cuối không có tiền để chữa trị. Cuộc sống của gia đình công nhân từ tỉnh Bắc Giang vào mưu sinh ở Sài Gòn đang như bước vào đường cùng. "Nếu tình hình này kéo dài thêm nữa chắc vợ chồng em sẽ kéo nhau về quê để mưa sinh chứ không bám trụ nổi ở trong Nam nữa anh ạ", chị Tuyến nói.
Vợ chồng chị Đinh Thị Tuyến trong ngôi nhà trọ tại quận Thủ Đức, TPHCM.
|
Có mặt tại khu chợ công nhân Tân Tạo, quận Bình Tân vào những ngày này khá vắng người mua bởi một phần số lượng công nhân làm việc tại các công ty của khu công nghiệp này giảm đáng kể sau đợt bùng phát của dịch Covid-19 lần trước công nhân bị thất nghiệp khá nhiều. Chợ vắng còn một nguyên nhân nữa là số người còn lại làm thu nhập giảm đi nên sức mua tại chợ cũng giảm đi thấy rõ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại chợ Khiết Tâm, gần khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương. Đây là trung tâm mua sắm của công nhân, những ngày này khung cảnh mua bán vắng lặng. Theo nhiều người bán hàng ở đây, mặt hàng bán chạy nhất vào thời điểm này là trứng và các sản phẩm có giá rẻ khác như mì tôm, thịt gà công nghiệp, cá biển…
Trên tay là bịch cá nục có giá bán chưa tới 20.000 đồng vừa mua được dành cho bốn miệng ăn trong gia đình, chị Nguyễn Thị Nhung - công nhân một công ty cơ khí trong KCN Sóng Thần - cho biết trước đây với mức lương cơ bản của chị là 5,5 triệu đồng, nếu có tăng ca thì mỗi tháng có thể được gần 8 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ một bữa ăn nên chi tiêu của gia đình khá thoải mái.
Thế nhưng, hiện nay mọi thứ bắt đầu thay đổi. Lương tháng của chị bị cắt giảm xuống còn 50%, hơn một nửa thời gian ở nhà. Mỗi ngày ra chợ, chị phải suy đi tính lại, cân nhắc xem hôm nay ăn gì, nếu giá cao quá thì phải cân nhắc lại để đổi món khác.
“Tiết kiệm tiền là việc đầu tiên tôi nghĩ mỗi ngày, có hôm phải đổi đi đổi lại bảy lần mới chọn được món ăn ưng ý, phù hợp túi tiền. Điều may mắn là tôi chưa phải mất việc như nhiều công nhân khác cùng công ty”, chị Nhung chia sẻ.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, trong quí 2 vừa qua, có chưa đến 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, vì vậy số lượng tuyển cũng rất hạn chế.
Xóm trọ công nhân luôn mở cửa
Rời khu vực chợ, tôi tìm đến các xóm nhà trọ nơi công nhân sinh sống quay khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương. Chị Lê Thị Hương, quê ở Bình Định, có năm năm làm việc ở KCN Sóng Thần, chia sẻ chưa bao giờ chị rơi vào tình cảnh khó khăn như lúc này, chồng chị vừa bị mất việc tuần trước, hiện đang cầm hồ sơ đi tìm việc khắp nơi nhưng chưa có công ty nào tiếp nhận.
Bản thân chị vừa phải chăm con, vừa phải cố gắng đi làm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. “Khó khăn là điều mà hầu hết công nhân chúng tôi gặp phải nhưng ngoài chấp nhận ra thì biết làm gì, chỉ mong dịch qua mau, công việc được ổn định là chúng tôi mừng rồi”, chị Hương ngán ngẫm nói.
Những xóm trọ công nhân thường cửa chốt, then cài vì họ phải đi làm nhưng nay hầu hết các phòng đều mở toang cửa, tiếng trẻ con khóc ầm ỉ, tiếng người lớn bàn tán xôn xao. Ngoài câu chuyện về việc làm và tiền lương, hiện đang vào kỳ nghỉ hè, tất cả học sinh đều ở nhà, điều này cũng khiến không ít công nhân lao động phải đau đầu giải bài toán làm thế nào để vừa có thời gian trông con vừa bảo đảm công việc để có thu nhập.
Những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chị Hương không phải ít. Có những công nhân ở trọ kể mặc dù bị mất việc, giảm lương nhưng mọi chi tiêu vẫn thế, thậm chí còn tăng lên vì thời gian ở nhà nhiều hơn thường lệ, nên họ như người càng đi càng thấy ngõ cụt.
Trung tâm Dịch vụ việc làm đông nghẹt
Ngồi ở dãy ghế chờ đến lượt giải quyết hồ sơ, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan, người hiện làm công nhân trong một xưởng may gia công tại TP Thuận An, cho biết từ khi Đà Nẵng xuất hiện ca dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng, xưởng may nơi chị làm việc cũng chịu nhiều ảnh hưởng, số đơn hàng bị sụt giảm nên xưởng buộc phải giảm giờ làm của công nhân, từ đó khiến thu nhập của chị cũng giảm đáng kể.
Trong khi chồng chị đang làm tại một công ty giày da gần đó phải nghỉ việc vì công ty không còn nguyên liệu để sản xuất. “Đây là lần thứ ba vợ chồng tôi tới trung tâm này vì hai lần trước rất đông người. Từ sáng sớm hai vợ chồng tôi đã phải đánh thức con dậy đi xe máy từ TP. Thuận An chạy xuống đây, hy vọng lần này sẽ giải quyết được để có chút tiền xoay xở ”, chị Loan cho hay.
Không chỉ riêng gia đình chị Loan, qua trao đổi với phóng viên TBKTSG Online, hầu hết những người đến đây làm hồ sơ đều rơi vào tình cảnh tương tự. Tính đến ngày 31-5-2020, toàn tỉnh Bình Dương có 289 doanh nghiệp ngừng hoạt động với 210.377 công nhân bị ảnh hưởng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương số người đến nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến. Trung tâm nhiều lúc đã bị quá tải phải tận dụng cả các phòng trước đây dùng để tư vấn việc làm để giải quyết hồ sơ cho người lao động.