Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã lợi dụng Việt Nam để thay đổi nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam được ưu đãi thuế từ Mỹ hay EU, dẫn đến nguy cơ bị trừng phạt, liên lụy đến các doanh nghiệp trong nước cùng ngành, rộng hơn là việc xem xét lại thuế suất của các nhóm hàng khác.
Kho nhôm khổng lồ của Trung Quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: T.M
|
Trong hoạt động thương mại quốc tế, các quy chế ưu đãi và không ưu đãi thuế quan là khác nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự khác biệt đáng kể về thuế suất nhập khẩu của cùng một loại hàng hóa sẽ khiến cho doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu mặt hàng này tự nhiên tìm cách thay đổi nguồn gốc xuất xứ sao cho có lợi nhất cho mình. Phổ biến nhất là trường hợp doanh nghiệp của một nước không có trong hiệp định thương mại tự do song phương hay đa phương với nước nhập khẩu.
Kể từ khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001, Trung Quốc trỗi dậy và trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2009. Hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc xuất hiện mọi nơi với chiến lược giá rẻ.
Cho đến một ngày, nhiều quốc gia nhận thấy những dấu hiệu bán phá giá và sự cần thiết để bảo vệ nền sản xuất trong nước nên bắt đầu xem xét lại các chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy vậy, một số đối tác thương mại của các quốc gia này vẫn được quy chế ưu đãi thuế trên cùng một mặt hàng. Do đó, hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu tìm cách vi phạm nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ (rules of origin violations) bằng cách thay đổi đường đi của hàng hóa (rerouting).
Các hoạt động nhằm thay đổi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa diễn ra ngay cả trước khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Khi Hiệp định về vải sợi và quần áo (Multifiber Agreement) bước vào những năm cuối (2001-2005), Mỹ áp hạn ngạch với hàng nhập từ Trung Quốc nhưng lại mở cửa thoải mái với châu Phi qua đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA). Chính vì vậy, số liệu cho thấy mặt hàng này nhập vào châu Phi tăng đột biến và nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi cũng như vậy.
Cần để ý đến những doanh nghiệp Trung Quốc được thành lập và hoạt động trước đó ở Việt Nam, trong những lĩnh vực có nhiều khả năng thực hiện việc tráo đổi nguồn gốc xuất xứ, vì nếu không có những “cơ sở nằm vùng” thì cũng không dễ thực hiện được hành vi này.
|
Khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc này bắt đầu leo thang, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến những quốc gia có thuế suất nhập khẩu vào Mỹ hay EU thấp nhất. Nhưng thuế suất không chỉ là yếu tố duy nhất. Một số nghiên cứu và quan sát chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lựa chọn điểm đến có khoảng cách địa lý không xa nhà máy của mình, và nơi đó phải có cộng đồng người Trung Quốc hỗ trợ họ.
Trong số các điểm đến ưa thích của doanh nghiệp Trung Quốc, có thể kể đến Đài Loan, Campuchia và Việt Nam.
Vào cuối năm 2019, Đài Loan đã sửa đổi Luật Ngoại thương nhằm chống lại việc lợi dụng nhãn hàng “Made in Taiwan” của hàng hóa có nguồn gốc thực sự từ Trung Quốc, như xe đạp và xe đạp điện. Việc tăng mức phạt liên quan đến giả mạo nguồn gốc xuất xứ lên đến khoảng 100.000 đô la Mỹ là động thái quan trọng nhằm bảo vệ danh tiếng của các doanh nghiệp Đài Loan.
Trong khi đó, tại Campuchia, đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) được thành lập từ năm 2008 trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” được coi như là căn cứ địa để hàng hóa Trung Quốc mượn đường trước khi xuất khẩu sang Mỹ và EU. Vào tháng 6-2019, Mỹ đã phát hiện và phạt một số doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong đặc khu này vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp Việt Nam thì có thể coi là hình mẫu của điểm đến nhằm thay đổi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ đầu năm 2016, hệ thống của ông trùm nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian đã dịch chuyển kho nhôm khổng lồ từ Mexico sang Bà Rịa - Vũng Tàu. Mới đây, nhà chức trách Việt Nam đã đề nghị điều tra các dấu hiệu vi phạm của Công ty Nhôm Toàn Cầu (trong hệ thống của Liu Zhongtian) liên quan đến hành vi đến trốn thuế, chuyển giá. Nhưng rất có thể đây là một bước quan trọng để ngăn chặn âm mưu mượn Việt Nam để thay đổi nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, ông trùm nhôm này cũng đã bị Mỹ truy tố vì trốn gần 2 tỉ đô la Mỹ tiền thuế, do gian lận trong việc nhập khẩu nhôm vào Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã lợi dụng Việt Nam để thay đổi nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam được ưu đãi thuế từ Mỹ hay EU như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, để làm được, họ cũng phải có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp trong nước, một số cá nhân và tổ chức.
Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để có được các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nhưng để có được ưu đãi thuế suất ở một nhóm hàng nào đó thì Việt Nam phải ưu đãi lại thuế suất ở nhóm hàng khác cho đối tác thương mại. Nếu một nước thứ ba, như Trung Quốc, mượn danh Việt Nam để trục lợi thì hơn ai hết, Việt Nam phải chủ động phòng ngừa và ngăn chặn. Bởi vì đối với Mỹ và EU, đây là trách nhiệm của Việt Nam, nếu Việt Nam không làm tốt thì sẽ liên lụy đến các doanh nghiệp trong nước cùng ngành, rộng hơn là việc xem xét lại thuế suất của các nhóm hàng khác.
Muốn vậy, Việt Nam cần chủ động theo dõi danh mục nhập - xuất của các mặt hàng mà Việt Nam đang được ưu đãi thuế suất, còn Trung Quốc thì không. Nếu có một sự gia tăng đột biến trong số lượng và giá trị của hàng hóa nhập từ Trung Quốc và tương ứng là lượng xuất khẩu đi Mỹ, EU thì cần có chế độ theo dõi sát sao. Bên cạnh đó, cần để ý đến những doanh nghiệp Trung Quốc được thành lập và hoạt động trước đó ở Việt Nam, trong những lĩnh vực có nhiều khả năng thực hiện việc tráo đổi nguồn gốc xuất xứ, vì nếu không có những “cơ sở nằm vùng” thì cũng không dễ thực hiện được hành vi này.
Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng rất quan trọng, trong việc giám sát, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cần bám sát và thực hiện nghiêm Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT. Trong trường hợp thực tế phát sinh các tình huống mới, phức tạp, cần cập nhật nhanh các quy định để công tác giám sát, phòng chống đạt được hiệu quả như mong muốn.
TS. Võ Đình Trí