BBI Việt Nam bị tố chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư
Sau loạt bài “Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0”, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn tố cáo của hàng loạt nhà đầu tư về việc Công ty Cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam vẽ ra các dự án thương mại điện tử để huy động vốn đa cấp và có dấu hiệu chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các nhà đầu tư.
* Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Đội lốt quốc gia khởi nghiệp
* Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Chiêu trò lôi kéo đầu tư Forex
Sau một thời gian hoạt động, Cty BBI Việt Nam dừng hệ thống khiến hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bị "đóng băng"
|
Lộ diện đa cấp
Cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam (gọi tắt Cty BBI Việt Nam) nổi đình đám khi được giới thiệu là một startup khởi nghiệp đột phá trong trong lĩnh vực thương mại điện tử, và từng được ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) rót vốn tham gia đầu tư. Công ty quảng cáo sở hữu một mô hình kinh doanh giúp khách hàng và doanh nghiệp gắn kết với nhau dễ dàng. Đặc biệt, ứng dụng của công ty là BBI Mall có cơ chế tích điểm tối đa lên tới 100% giá trị sản phẩm và có thể tạo các giao dịch ảo, tự mua tự bán, tự trả chiết khấu.
Thời điểm đó, mô hình này đã bị dư luận đặt nghi vấn giống đa cấp trá hình bởi cơ chế trả lãi suất theo dạng nhánh, cành. Đặc biệt, TGĐ Cty BBI Việt Nam là ông Thân Ninh Hoài, từng giữ chức vụ quan trọng trong các công ty đa cấp nổi tiếng một thời như Cty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 hay Cty Cổ phần Liên kết Sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt).
Phản ánh đến Tiền Phong, anh N.H.M (Nghệ An) cho biết, vào tháng 7/2019, anh được ông Đàm Xuân Đan, Giám đốc chi nhánh tại Nghệ An Cty BBI Việt Nam giới thiệu ứng dụng mua hàng tích điểm “thần kỳ” BBI Mall. Khách hàng muốn mua số sản phẩm trên ứng dụng BBI Mall, chỉ cần chuyển 10% giá trị sản phẩm vào tài khoản của Cty BBI Việt Nam. Đổi lại khách hàng sẽ được tích tương ứng số điểm. Số điểm này sẽ được hoàn tiền, chuyển đổi thành tiền mặt theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về cho chủ tài khoản cho đến khi hết điểm tích lũy. Bên cạnh đó, người dùng càng lôi kéo nhiều thành viên sử dụng ứng dụng, mức thưởng lợi nhuận càng cao từ 2,5% đến 5% tổng tích điểm.
Để tham gia giao dịch, ngày 16/1, anh M. mua 1 tài khoản bán hàng và 1 tài khoản mua hàng của Cty BBI Việt Nam với giá 3,5 triệu đồng/tài khoản. Sau đó, anh được hướng dẫn tham gia tạo 1 giao dịch ảo trị giá 2,3 tỷ đồng. Để có thể nhận lãi mỗi ngày, anh M phải chuyển 230 triệu đồng (tương đương 10% giá trị đơn hàng) sang tài khoản của Cty BBI Việt Nam và nhận tích điểm là 2,3 tỷ điểm trên ứng dụng.
Ở vai người bán, anh M. vẫn được Cty BBI Việt Nam trả số điểm tương đương với khoản hoa hồng nộp vào là 230 triệu điểm. Số điểm này sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về chủ tài khoản cho đến khi hết số điểm tích lũy. Với 230 triệu đồng bỏ ra, anh M nhận được 1.265.000 đồng/ngày. Tính ra, lãi suất gần 200% năm.
Ông Thân Ninh Hoài, TGĐ Cty BBI Việt Nam
|
Tuy nhiên, mới nhận được lãi khoảng 15 ngày, anh M được ông Đan giới thiệu, Cty BBI Việt Nam vừa ra mắt ứng dụng BBNOUS (giao dịch bằng đồng tiền điện tử) với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, điểm tặng thưởng lớn. Thấy cơ hội tiềm năng, ngày 20/3, anh M tiếp tục tạo các đơn hàng ảo, rồi chuyển hơn 728 triệu đồng vào tài khoản của Cty BBI Việt Nam để nhận lãi. Sau nửa tháng, công ty bất ngờ dừng trả tích điểm. Còn bên BBI Mall, đến nay dù vẫn chạy tích điểm nhưng công ty khóa chức năng chuyển đổi, không thể rút ra tiền mặt.
“Trừ đi số tiền lãi công ty đã trả, hơn 800 triệu đồng của tôi bị công ty giữ suốt mấy tháng nay. Chúng tôi liên hệ Cty nhiều lần yêu cầu hoàn lại nhưng công ty hẹn lên, hẹn xuống, bảo công ty khó khăn, không trả nữa”, anh M. bức xúc nói.
Tiếp tục vẽ trò để thu tiền
Theo phản ánh của nhà đầu tư, bắt đầu từ tháng 4/2020, tất cả các ứng dụng của Cty BBI Việt Nam đều dừng chi trả. Trong khi hàng nghìn nhà đầu tư đang hoang mang, công ty này tiếp tục vẽ ra các ứng dụng để yêu cầu nhà đầu tư rót thêm tiền.
Anh Q.V.C, đại diện chi nhánh tại Thái Bình của Cty BBI Việt Nam cho biết, sau khi công ty lấy lý do dịch COVID-19 ngừng chi trả cho cộng đồng, vào tháng 4/2020 đại diện các chi nhánh, đại lý đã tập trung lên văn phòng của Cty BBI Việt Nam yêu cầu lãnh đạo công ty giải thích.
Tại đây, ông Hồ Quốc Anh, Chủ tịch HĐQT Cty BBI Việt Nam tuyên bố, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục chi trả dòng tiền sẽ phải tiếp tục tạo đơn hàng và mua các gói tài chính. “Công ty vẽ ra các dự án như Bfund, Oway và yêu cầu các văn phòng về thông báo với nhà đầu tư bỏ thêm một số tiền tương tự rồi sẽ cho dòng tiền chảy lại. Đợt vừa rồi, chúng tôi cắm nhà, cắm xe mỗi người đầu tư ít cũng một vài trăm triệu, người nhiều thì 4-5 tỷ đồng. Giờ làm gì có tiền để đầu tư”, ông C nói.
Ông C cho biết, sau đợt đó, ban lãnh đạo Cty BBI Việt Nam không còn liên hệ được nữa. Nhà đầu tư nhiều lần lên tìm để đối thoại nhưng đều bị né tránh. Riêng ông C. bỏ ra hơn 3 tỷ đồng, nhưng mới nhận được tiền lãi một tháng. Sau khi lên văn phòng gặp đại diện Cty BBI Việt Nam để phản ánh, ông C. còn bị khóa luôn cả ứng dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 3 năm hoạt động, Cty BBI Việt Nam đã thu hút gần 1 triệu người tham gia trên khắp các tỉnh, thành cả nước, với số tiền đầu tư ước tính đang bị giữ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Riêng tại Nghệ An, Hà Tĩnh số đơn tố cáo mà Tiền Phong nhận được lên tới 300 người, và số tiền là hơn 200 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
|
Nhóm PV KT-XH
Tiền phong
|