Giá điện 1 bậc sắp được áp dụng, ai thiệt ai lợi?
Theo Bộ Công thương, phương án tính giá điện 1 bậc cho điện sinh hoạt dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu năm sau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương án nào cũng cần phải công khai, minh bạch, hợp lý trong tính giá điện bình quân trước hết.
* Đề xuất một giá điện nên bằng giá bán lẻ bình quân
* Dự kiến người dân được quyền chọn biểu giá điện 1 bậc hoặc 5 bậc
Chuyên gia cho rằng, nếu cách tính giá điện bình quân minh bạch và rõ ràng hợp lý thì phương án 1 bậc mới phát huy hiệu quả. Ảnh: MAI VỌNG
|
Nội dung tính giá điện 1 bậc vừa được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào ngày 3.8 vừa qua. Mức giá điện được tính theo phương án 1 bậc đến nay vẫn chưa được bộ này công bố giá cụ thể, chỉ cho biết có thể căn cứ tính toán trên mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh (thêm thuế VAT là khoảng 2.086,7 đồng/kWh), bên cạnh đó là phương án 2, tính theo 5 bậc.
Quan trọng là thu đúng, thu đủ
Thực tế, kiến nghị nên tính giá điện sinh hoạt theo phương án 1 bậc đã được người tiêu dùng và chuyên gia ngành điện đề cập lâu nay với mong muốn có sự rõ ràng, công bằng đối với người tiêu dùng trong tiêu thụ điện. Một khảo sát nhỏ trên Thanh Niên thực hiện sau khi Bộ Công thương đưa ra phương án với 2 cách tính giá điện, có đến 79% bạn đọc tham gia khảo sát chọn phương án trả tiền điện theo 1 bậc, 21% chọn phương án nhiều bậc.
Chiều 4.8, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tân (ngụ P.15, Q.11, TP.HCM) cho rằng, giá điện nên đưa về một mức giá để khuyến khích người dân tiết kiệm điện hơn, không lo ngại bị tính trội số hay chuyển bậc, rất rắc rối, phiền phức, mệt. Đó là chưa tính nhiều nhân viên điện lực ghi sai số khiến tiền điện gia đình đóng vượt bậc bị đội lên 50% phải phản ánh, kiện cáo rất mất thời gian. Ông nói: “Với cách tính 5 bậc hiện nay, đa số các gia đình nhỏ thành thị xài trên mức 400 kWh/tháng, giá bậc 4 theo dự thảo của Bộ Công thương cũng đã hơn 2.700 đồng/kWh, trong khi theo tôi hiểu, mức 1 bậc mà Bộ Công thương hướng đến phải thấp hơn số đó rất nhiều”.
Đồng quan điểm, bà Phương Thanh (ngụ Q.4, TP.HCM) cũng cho biết sẽ chọn phương án trả 1 giá với tiền điện để bớt nghĩ, bớt mệt. “Bậc này bậc kia rắc rối. Một bậc nói cách nào đó sẽ đơn giản hơn và khiến người tiêu dùng có cảm giác không bị thiệt thòi. Tâm lý mình đang bị đối xử để trả tiền điện theo bậc này bậc kia là có. Vì đây là sản phẩm không cổ vũ cho người xài nhiều, nên nếu một bậc, không phân biệt giàu nghèo, tạo cảm giác an toàn hơn”, bà Thanh nêu quan điểm.
Cũng có một số người lại tỏ ra nghi ngờ về mức giá 1 bậc. Bà Phan Thanh Thu (ngụ P.6, Q.3, TP.HCM) nói, nếu Bộ Công thương áp mức 1 bậc lấy giá trung bình của 6 bậc giá điện hiện nay, với mức tiêu thụ từ 400 - 500 kWh mỗi tháng hiện nay của gia đình, trả theo bậc mới bất lợi hơn. Bà Thu dẫn chứng, nếu tiêu thụ 401 kWh/tháng, tính theo mức giá 6 bậc hiện tại, gia đình trả 911.927 đồng/tháng. Nhưng nếu tính trung bình mức 2.312 đồng/kWh (lấy giá trung bình của 6 bậc) thì trả 927.112 đồng/kWh. Tương tự, hộ sử dụng 500 kWh/tháng, trả theo bậc lũy tiến hơn 1,055 triệu đồng, nhưng theo 1 bậc là 1,156 triệu đồng.
Việc đưa về tính giá điện theo 1 giá, bằng với giá bình quân là điều đương nhiên phải làm theo đúng quy định của luật, nếu đề xuất giá cao hơn giá bình quân là sai
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương)
|
“Thực tế, Bộ thêm một lựa chọn để chứng tỏ có sự dân chủ, không có độc quyền trong ngành điện như người dân phản ánh là ngành điện vì độc quyền nên tự tung tự tác. Tuy nhiên theo tôi, cách tính nào vẫn phải bảo đảm ngành “thu đúng, thu đủ”. Thế nên, nếu được chọn lựa, tôi vẫn chọn phương án trả tiền điện theo bậc”, bà Thu khẳng định.
Cần công khai tính giá điện bình quân
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết quan điểm về cách tính giá điện trong thời gian tới vẫn là đảm bảo vấn đề tiết kiệm điện và có những hỗ trợ hợp lý với đối tượng người nghèo. Theo đó, dự kiến ngành điện sẽ điều chỉnh bảng giá điện bậc thang xuống còn 5 bậc theo xu hướng khoảng cách giữa các nhóm gần với nhau, dễ dàng hơn cho người sử dụng, giảm bù chéo giữa các phần phụ tải. Đồng thời, sẽ bổ sung một phương án nữa là 1 bậc, tức khách hàng chỉ trả bằng 1 giá. Theo vị này, giá cụ thể đang được Bộ Công thương cùng các đơn vị nghiên cứu, xây dựng nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân vì nếu để bằng giá điện bình quân, tất cả khách hàng sử dụng nhiều điện sẽ đồng loạt lựa chọn tính tiền theo 1 giá để hưởng lợi, vô hình trung đẩy giá điện bình quân thấp xuống, ngành điện chịu lỗ.
“Về cơ bản, trong lần sửa đổi này, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn cách tính giá điện phù hợp với nhu cầu sử dụng. Sau khi phía Bộ Công thương tính toán ra mức giá điểm cân bằng để áp dụng điện 1 giá, những người trước giờ sử dụng điện ít hơn mức này sẽ có tâm lý chọn biểu giá bậc thang, biểu giá tiết kiệm điện. Ngược lại, những gia đình thường xuyên sử dụng nhiều sẽ chọn phương án tính 1 giá điện. Tuy nhiên, chắc chắn điểm cân bằng sẽ được xây dựng hợp lý để với cùng một số điện, người dùng chọn cách tính nào cũng sẽ ra số tiền phải trả giống nhau. Bảng giá điện mới sẽ công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích của cả 2 bên: khách hàng và doanh nghiệp cung ứng”, vị này khẳng định.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng bổ sung phương án tính giá điện, thêm sự lựa chọn cho người dân là hợp lý, song cả 2 phương án mà Bộ Công thương đang đề xuất đều có bất cập.
Ông phân tích: Theo quy định của luật Điện lực, giá điện phải tính theo 1 giá là giá bình quân. Trong giá bình quân đã bao gồm đầy đủ tất cả chi phí từ phát điện đến truyền tải điện, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành điện... Ngoài ra, EVN còn được nhà nước cho phép tính lãi định mức, một phần để tái đầu tư, một phần dành cho các công tác phúc lợi của ngành điện. Mặt khác, điện là ngành sản xuất ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, không tốn chi phí đóng gói, bao bì, truyền thông... Như vậy, chỉ với giá bình quân, doanh nghiệp chắc chắn đã có lãi.
“Đây là ưu đãi đặc biệt mà không ngành nào có được. Do đó việc đưa về tính giá điện theo 1 giá, bằng với giá bình quân là điều đương nhiên phải làm theo đúng quy định của luật, nếu đề xuất giá cao hơn giá bình quân là sai”, TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh và cho rằng, nếu áp dụng giá điện theo 1 bậc, cần phải công khai, tính toán lại giá điện bình quân cho minh bạch, hợp lý. “Đồng thời, song song sử dụng quỹ bình ổn để hỗ trợ những hộ gia đình nghèo, khó khăn”, ông Lâm đề xuất.
Theo TS Ngô Đức Lâm, tính giá điện theo 1 bậc thì công bằng nhất, nhưng để đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, người giàu sử dụng nhiều bù đắp cho người khó khăn sử dụng ít, tạo công bằng xã hội thì bảng giá 3 bậc điều hòa là hợp lý nhất. Tuy nhiên dù chọn cách nào, phương án của Bộ Công thương cũng cần tính toán lại cho phù hợp và nếu phương án bất hợp lý thì dù có cho người dân chọn cũng không có ý nghĩa.
|
Hà Mai
Thanh niên
|