Báo Đức: Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng thay thế cho Trung Quốc
Nhà sản xuất băng dính Tesa kỳ vọng nhà máy tại Tô Châu sẽ đạt tới công suất tối đa trong 5 năm nữa. Thế nhưng, thay vì mở rộng nhà máy ở Tô Châu, Tesa lại lựa chọn một địa điểm hoàn toàn mới: Phía Bắc Việt Nam, Tesa muốn xây dựng một nhà máy rộng 70,000 m2 và sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2023.
Quyết định này được đưa ra trong tháng 5/2020. “Việc Tesa thực hiện đầu tư 55 triệu Euro trong thời điểm dịch Covid-19 là một tín hiệu mạnh mẽ dành cho cổ đông”, CEO Norman Goldberg cho biết.
Dây chuyền sản xuất quạt tại Hà Nội
|
Tesa không cô độc trong hành trình chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Trong vài năm qua, đất nước hình chữ “S” đã trở thành điểm đến phổ biến dành cho các công ty muốn mở rộng mạng lưới sản xuất tại châu Á. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang khuếch đại xu hướng này: Sản xuất gián đoạn sau khi các lệnh phong tỏa đã khiến các nhà quản lý chuỗi cung ứng chú ý đến rủi ro của việc quá phụ thuộc vào một quốc gia. Bước leo thang căng thẳng Mỹ-Trung cũng thúc đẩy xu hướng này.
Các quốc gia thuộc khối ASEAN – trong đó có Việt Nam – có vị thế tốt để hưởng lợi từ diễn biến này. Trong lúc dòng chảy giữa Trung Quốc với châu Âu và Mỹ đã giảm đáng kể trong 3 năm qua, thì hoạt động thương mại tại Đông Nam Á lại gia tăng.
Giá trị hàng hóa giao thương của Đông Nam Á với châu Âu và Mỹ sẽ tăng thêm 20 tỷ USD vào cuối năm 2023. Dòng chảy hàng hóa giữa Đông Nam Á và Trung Quốc được dự báo tăng thêm hơn 40 tỷ USD, theo một cuộc nghiên cứu công bố vào cuối tháng 7/2020.
Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á trong năm 2020
Việt Nam, với 100 triệu dân, được cho là có triển vọng cực tốt để tận dụng xu hướng chuyển dịch sản xuất này. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đất nước hình chữ “S” có thể kỳ vọng tăng trưởng gần 3% trong năm 2020 và làm tốt hơn các quốc gia khác trong khu vực. Theo dự báo của IMF, sản lượng kinh tế toàn cầu có thể giảm 3%. Chính phủ Việt Nam thậm chí còn đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 5%, một phần là nhờ kiểm soát tương đối tốt dịch Covid-19 bằng những quyết định quả quyết của các cơ quan chức trách.
Bất chấp cơn bão “Covid-19”, dòng vốn FDI 6 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ so với năm 2019. Ở đặc khu kinh tế Việt Nam – nơi dòng vốn nước ngoài trú ngụ, không gian để xây dựng nhà máy mới trở nên ngày càng khan hiếm. Ở phía Nam – cũng là trung tâm kinh tế của Việt Nam, giá thuê mỗi m2 cũng tăng thêm 10% trong quý 2/2020 so với cùng kỳ. Tp.HCM cam kết tăng gấp 3 khu vực khu công nghiệp vào cuối năm 2020.
Ước tính tăng trưởng GDP của IMF
|
Một lý do thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là thỏa thuận EVFTA – vốn đã có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Đây là thỏa thuận thương mại toàn diện mà phía châu Âu từng ký kết với một thị trường mới nổi. Trong những năm tới, thỏa thuận sẽ dần dần xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với 99% hàng hóa giao thương giữa hai nước. Ở Đông Nam Á, chỉ có Singapore có thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Các công ty châu Âu muốn sản xuất tại châu Á có thể có lợi thế về chi phí thông qua thỏa thuận EVFTA.
“Chúng tôi chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành bến đỗ đầu tư hấp dẫn và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng thay thế”, Marko Walde, người đứng đầu Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, nhận định.
Ngoài EVFTA, Việt Nam còn tham gia vào thỏa thuận thương mại CPTPP với các quốc gia như Nhật Bản, Canada và Mexico. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang góp mặt trong cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại RCEP – có bao gồm Trung Quốc và Australia.
Apple và Google đánh cược vào Việt Nam
Sự cởi mở của Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn. Nhà sản xuất iPhone – Apple đã chuyển khoảng 1/3 dây chuyền sản xuất tai phone không dây từ Trung Quốc sang việt Nam. Theo Nikkei Asian Review, Google và Microsoft cũng sẽ đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất phần cứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Về phần Samsung, Việt Nam – đất nước được biết tới chủ yếu vì dây chuyển sản xuất giày dép và hàng dệt may – đã là địa điểm sản xuất quan trọng của gã khổng lồ này trong nhiều năm. Hơn 50% điện thoại Samsung được làm ra tại nhà máy ở Việt Nam.
“Việt Nam ngày càng hưởng lợi từ lợi thế kinh tế theo quy mô ngờ dòng vốn FDI cao trong những năm gần đây”, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Dragon Capital, nhận định. Nhờ đó, tính cạnh tranh của Việt Nam cũng gia tăng.
Vũ Hạo (Theo Handelsblatt)
FILI
|