7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 33%
Tháng 7/2020, XK tôm Việt Nam đạt 388.5 triệu USD, tăng 16.3% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 1.9 tỷ USD, tăng 7.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-10, nhu cầu NK tôm Việt Nam từ các thị trường lớn không bị sụt giảm. Việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Việt Nam được đánh giá hiệu quả hơn so với các nước trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam vẫn phải vật lộn với dịch bệnh nên khách hàng những nước này chuyển sang NK tôm của Việt Nam.
XK tôm Việt Nam thị trường lớn nhất là Mỹ trong tháng 7 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến XK tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo. XK sang Trung Quốc trong tháng 7 vẫn tăng trưởng dương tuy nhiên tốc độ đã giảm so với tháng trước đó. Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam sang các thị trường Hàn Quốc, Anh, Canada, Australia đồng loạt tăng trưởng hai con số trong tháng 7 năm nay.
Bảy tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 71% tổng XK tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 17.2%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị XK tôm chân trắng tăng 12% trong khi XK tôm sú giảm 14%. XK tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 21% và 5%. XK tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 34% trong khi XK tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 18%. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, XK tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú, các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.
Mỹ: Mỹ là thị trường dẫn đầu về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 22,8%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7/2020 tăng trưởng tốt 45.3% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 435.2 triệu USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 7 tháng đầu năm nay.
Trên thị trường Mỹ, trong 7 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Các nhà chế biến và XK tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ. XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5 và 6 đều giảm mạnh do hoạt động sản xuất bị xáo trộn bởi dịch bệnh, chuỗi nguồn cung bị ảnh hưởng và hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng bị ách tắc.
Nhật Bản: Nhật Bản đứng thứ hai về NK tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17.2%. XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm nay không ổn định. Tháng 7/2020, XK tôm sang Nhật Bản đạt 51.5 triệu USD, giảm 7.8% so với tháng 7/2019. Bảy tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 329.7 triệu USD, tăng 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020 được đánh giá là năm thứ 2 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp. Khả năng Nhật Bản sẽ không tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm trong năm 2020. XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2020 dự kiến giảm khoảng 2% so với năm 2019.
EU: EU đứng thứ 4 về NK tôm của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang EU đã tăng nhẹ 2% trong tháng 7/2020 đạt 54.2 triệu USD. Bảy tháng đầu năm nay, XK tôm sang EU đạt 254.9 triệu USD, giảm 5.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi tăng trưởng âm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7 đã có xu hướng tăng. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy XK sang thị trường EU trong những tháng cuối năm nếu các DN có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Với những tín hiệu khả quan trong XK tôm Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay. XK tôm Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới. Cả năm 2020, dự kiến XK tôm Việt Nam đạt 3.6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.
Nhật Quang
FILI
|