Vì sao kinh tế năm 2021 được kỳ vọng phục hồi?
Nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 và được kỳ vọng sẽ hồi phục từ năm 2021.
Kinh tế chịu tác động kép 2 vòng ở cả phía cung và cầu
Ngày 24/06, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ra báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ước giảm 4.9% do ảnh hưởng nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Năm 2021, có 2 kịch bản xảy ra. Trong trường hợp xấu, bùng phát đợt dịch mới vào đầu năm tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ dừng lại ở mức 0.5%. Ở kịch bản tươi sáng hơn, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng đạt mức 8.4% trong năm 2021.
|
Chia sẻ với báo chí ngày 16/07, ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Chính sách công và Quản lý Trường Fulbright - cho biết năm 2020 đang chịu tác động của đại dịch, về mặt kinh tế thì chịu tác động kép 2 vòng ở cả phía cung và cầu.
Tác động phía cung thể hiện ở sản xuất ngưng trệ. Còn phía cầu, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, doanh nghiệp cắt giảm đầu tư. Cả thị trường nội địa và sức cầu đối với hàng xuất khẩu ở thị trường nước ngoài cũng đều sụt giảm.
Cả sản xuất và nhu cầu đều bị tác động 2 vòng.
Về mặt sản xuất, vì đại dịch nên nhà máy đóng cửa, nhà hàng, sân bay, hãng hàng không đóng cửa… Tác động vòng 2 là khi một số quốc gia kiểm soát được đại dịch như Trung Quốc, Việt Nam… mở cửa trở lại, muốn sản xuất nhưng chỉ sản xuất mang tính cầm chừng, gây nên xáo trộn chuỗi cung ứng, lệch pha trong việc mở cửa lại của các nền kinh tế, nước này mở cửa nhưng nước khác còn đóng cửa.
Về phía cầu, người dân muốn chi tiêu nhưng vì đại dịch phải ở nhà, chi tiêu nào có thể trực tuyến được thì làm ở nhà, không trực tuyến được thì cắt giảm, dù người dân còn tiền nhưng không thể chi tiêu được. Tác động vòng 2 là nguy cơ thất nghiệp, khả năng thu nhập bị suy giảm.
Kỳ vọng năm 2021 kinh tế sẽ hồi phục
Theo ông Thành, có nhiều lý do để kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục trong năm 2021. Đầu tiên, dù diễn biến dịch phức tạp nhưng mọi người vẫn kỳ vọng sẽ có vaccine, và ít nhất đến quý 2/2021 có thể phục hồi.
Thứ hai, có sự phối hợp phản ứng chính sách cả về tài khóa và tiền tệ của tất cả nền kinh tế trọng điểm, mang tính khẩn cấp với quy mô lớn mang tính nới lỏng, hỗ trợ kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp, mang tính đồng bộ cao.
Thứ ba là, thị trường vẫn kỳ vọng dù chịu tác động của Covid-19 nhưng sức khỏe tài chính của các nền kinh tế vẫn được giữ vững.
Dẫn chứng các khủng hoảng trước đây, có thể xuất phát từ chiến tranh, y tế, tiền tệ, nhưng khủng hoảng thuần túy về mặt kinh tế kéo dài, dẫn tới đổ vỡ tài chính, ngân hàng sụp đổ, bong bóng bất động sản nổ ra,… những đổ vỡ này làm cho sự hồi phục mất nhiều thời gian.
Còn thực tế hiện nay, tác động từ y tế, sức khỏe cộng đồng lên kinh tế chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính, nợ xấu gia tăng, nhưng xác suất thấp để dẫn đến khủng hoảng tài chính. Nếu các ngân hàng vẫn khỏe mạnh, có thể mất một phần nguồn vốn, nợ xấu tăng cao, nhưng vẫn đứng vững, sẵn sàng cho vay. Đến khi đại dịch được kiểm soát, dòng vốn vẫn lưu chuyển trong nền kinh tế thì kinh tế vẫn hồi phục.
Nhiều khả năng Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP từ 2.5-2.7% năm 2020
Có thể năm nay, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Nhiều tổ chức vẫn dự báo lạc quan Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP trên 3%, có nơi còn dự báo trên 4%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành dự báo năm nay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 2.5-2.7%.
Đầu tiên, tăng trưởng suy giảm ở tất cả khu vực kinh tế. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng giảm và dịch vụ giảm mạnh nhất do ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19. Trong dịch vụ, ngành suy giảm sâu nhất là nhà hàng, khách sạn, bất động sản cũng giảm sút.
Điểm tích cực là hoạt động thương mại vẫn tăng trưởng. Kinh tế sẽ đi vào suy thoái từ phía cầu nếu tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ sụt giảm.
Nếu GDP tăng trưởng khoảng 7%, lạm phát ở mức 5%, thì tổng mức bán hàng hóa ở khoảng 12-13%. Còn nếu loại bỏ lạm phát, tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng khoảng 9%.
Trong thời gian cách ly xã hội thì tổng mức bán hàng hóa giảm, trong tháng 4/2020 giảm 26%. Đến tháng 6/2020 tăng 5.3%, không chỉ tăng mạnh so với tháng 5/2020 mà so với tháng 6/2019 vẫn tăng 5%. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở lại bình thường, ít nhất là trong nội địa.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (mức danh nghĩa hàng tháng so với cùng kỳ)
|
Việt Nam đã trải qua tác động vòng 1 từ phía cầu, khả năng tác động vòng 2 sẽ đến vào quý 3. Hiện nay, Việt Nam đang hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Theo số liệu tháng 6 của Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở thành thị tăng từ 3.1% lên 4.16%. Tính riêng cho lao động trong độ tuổi từ 15-24 tuổi thì tỷ lệ thất nghiệp trên 10%.
Khó kỳ vọng thị trường xuất khẩu ổn định trở lại mà kỳ vọng thị trường trong nước. Và kể cả trong nước, Việt Nam vẫn chỉ kỳ vọng giữ được mức như trong tháng 6. So với các nước, Việt Nam vẫn có tăng trưởng do hoạt động kinh tế nội địa hoạt động trở lại. “Trong 6 tháng cuối năm, sức mua có thể suy yếu nếu thất nghiệp và thiếu dụng lao động gia tăng”, ông Thành nhận định.
Cát Lam
FILI
|