Thứ Năm, 09/07/2020 13:00

Giữ trụ cột đầu tư để chống suy thoái kinh tế

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quí 2-2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quí 2 các năm trong giai đoạn 2011-2020. Đây là con số làm “vỡ mộng” mọi dự báo màu hồng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.

Điểm nghẽn tăng trưởng là những thủ tục hành chính, giấy phép con rườm rà trói buộc doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bị nhũng nhiễu và không “lớn” được.Ảnh: NGỌC LINH

So với dự báo GDP quí 2 âm 20-30% của một số nền kinh tế lớn thì con số này đáng xem là khích lệ như một người bạn làm lãnh đạo một quỹ đầu tư của người viết cho biết. Tuy nhiên, con số này vẫn đáng lo ngại.

Vấn đề ở chỗ Việt Nam không phải một ốc đảo, mà là một trong những nền kinh tế mở nhất trong khu vực nếu xét trên số hiệp định thương mại tự do chúng ta ký kết. Nếu những nền kinh tế lớn giảm GDP 10-20% trong quí 2 thì liệu mọi việc sẽ ra sao đối với các công ty xuất khẩu ở Việt Nam?

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế Việt Nam là cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Với tình hình bi quan của kinh tế toàn cầu, thì trục trặc ở bánh xe xuất khẩu là có thể dự đoán được. Vấn đề là trong hai cấu phần còn lại, tiêu dùng cũng đang bị đe dọa bởi áp lực phá sản các công ty có thể dẫn đến nhiều người lao động mất việc, đặc biệt là trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Việc Công ty PouYen cắt giảm hàng ngàn lao động chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Nền kinh tế đang đối mặt với một sức ép suy giảm chưa từng có trong hơn 10 năm trở lại đây. Sự sụt giảm của số lượng doanh nghiệp trong nhiều khu vực của nền kinh tế phản ánh điều đó. Số doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống đều giảm trên 20%, trong đó đáng chú ý là nhóm vui chơi giải trí giảm đến 37%.

Đi cùng với sự sụt giảm này chắc chắn là một lượng không nhỏ người thất nghiệp. Con số gần 8 triệu người mất việc, nghỉ luân phiên do dịch bệnh có lẽ vẫn chưa phản ánh hết tình hình thật sự.

Những biện pháp chi đầu tư kịp thời, đúng chỗ đóng vai trò quan trọng giữ lại trụ cột đầu tư trong cỗ xe tam mã và từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa về niềm tin để giữ lại trụ cột tiêu dùng trong quá trình chờ đợi trụ cột xuất khẩu hồi phục.

Vì vậy, lời kêu gọi “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” và đề xuất thành lập ban chỉ đạo về chống suy thoái kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phù hợp tình hình hiện tại.

Bài học từ các gói giải cứu kinh tế ở Anh và Mỹ cho thấy một vấn đề nổi trội là mặc dù có những gói chi tiêu vài trăm đến vài ngàn tỉ đô la Mỹ được đưa ra ở những nước này, thì thủ tục phức tạp, đặc biệt là với những gói kích thích kinh tế thông qua cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là rào cản rất lớn cho đối tượng cần được cứu trợ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu những kênh thông tin kịp thời, không có những kênh phản ánh khó khăn lên Chính phủ và truyền thông một cách nhanh nhất nên họ luôn thiệt thòi trong tiếp cận các gói giải cứu. Trong khi đó, họ là thành phần bị “chảy máu tiền mặt” nhanh nhất mà không thể tiếp cận được những kênh vốn có lãi suất thấp hơn, dẫn đến khả năng kiệt quệ tài chính lớn nhất. Đây lại là số đông trong nền kinh tế, chiếm đến 98% số doanh nghiệp của Việt Nam theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Vì vậy, thống nhất một ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế và để ban này tạo ra những cú huých đối với tình hình trì trệ giải ngân đầu tư công và các gói cứu trợ trong thời điểm này có vai trò cực kỳ quan trọng. Những biện pháp chi đầu tư kịp thời, đúng chỗ đóng vai trò quan trọng giữ lại trụ cột đầu tư trong cỗ xe tam mã và từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa về niềm tin để giữ lại trụ cột tiêu dùng trong quá trình chờ đợi trụ cột xuất khẩu hồi phục.

Chủ trương của Chính phủ đối với việc giải cứu nền kinh tế cho đến nay có thể thấy bao hàm việc đẩy nhanh đầu tư vào những dự án có tính lan tỏa, các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và giữ việc làm cho người dân, hướng tới miễn giảm thuế để giúp đỡ doanh nghiệp. Đây là những chủ trương đúng. Tuy nhiên, năng lực thực thi luôn là một nỗi lo. Trong quá khứ, chúng ta có nhiều bằng chứng là có những chủ trương, chính sách đúng nhưng kết quả đạt được lại rất tệ, thậm chí phát sinh tiêu cực. Đó là do những lợi ích của người thực thi không tương thích với chủ trương, chính sách. Người ta chỉ cần sửa đổi, thêm bớt vài câu chữ vào trong các văn bản là đã sai một ly, đi một dặm rồi. Vì vậy, thống nhất một ủy ban chỉ đạo đến “nắn” các hoạt động chống suy thoái kinh tế đi đúng đường là rất quan trọng.

Thế nhưng, điều lo ngại ở đây là ban chỉ đạo này sẽ có được sức ảnh hưởng như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hay không, khi mà quyền lực và lợi ích của nhiều địa phương và bộ ngành trong lĩnh vực kinh tế đã cắm rễ rất sâu, không giống như chuyện dịch bệnh. Làm sao ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế không bị “vô hiệu hóa” cũng đã là một vấn đề.

Ở một khía cạnh khác, tuy Việt Nam không ở vào điều kiện thuận lợi về ngân sách như một số nước để tung ra những gói cứu trợ ngàn tỉ hay đưa ra những khoản “tiền trực thăng” trăm tỉ đô la Mỹ, Việt Nam có một lợi thế khác. Đó là xưa nay chúng ta luôn tồn tại một điểm nghẽn tăng trưởng là những thủ tục hành chính, giấy phép con rườm rà trói buộc doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bị nhũng nhiễu và không “lớn” được. Đây là thời điểm thích hợp để rà soát lại những thủ tục và giấy tờ này, giúp giảm bớt nhũng nhiễu và nạn tham nhũng vặt. Đây mới là cú huých thật sự quan trọng cho nền kinh tế.

Một bạn cũ của tôi làm chuyên gia kinh tế của một tổ chức kinh tế toàn cầu dự đoán sau khi công bố số liệu GDP quí 2-2020 toàn cầu, Việt Nam có thể là một điểm sáng vì vẫn giữ được tăng trưởng trên 1% trong khi nhiều nước sẽ sụt giảm GDP 10-30%.

Nhưng quan trọng là khi mà người ta bắt đầu tăng trưởng lại 10-15% trong quí 3 và quí 4 như những dự báo hiện tại với một môi trường kinh doanh lý tưởng hơn, Việt Nam chúng ta khi đó sẽ vẫn đứng yên hay sẽ bật lại? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực ở ngay lúc này. Đây là lúc Việt Nam cần chứng tỏ chúng ta có thể làm được những điều phi thường.

Thời điểm sau dịch Covid-19 này là một cơ hội nữa để Việt Nam chuyển mình mà chúng ta không thể bỏ lỡ. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, những dòng vốn đang chảy ra khỏi Trung Quốc sẽ đổi sang địa điểm khác ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, hay Malaysia chứ không phải Việt Nam.

Hồ Quốc Tuấn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế (09/07/2020)

>   Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (08/07/2020)

>   Thủ tướng: 'Nơi nào không giải ngân vốn đầu tư công thì chuyển đơn vị khác' (08/07/2020)

>   Ba điểm nhấn đầu tư thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2020 (07/07/2020)

>   Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng (06/07/2020)

>   Kinh tế Việt Nam: Nhiệm vụ bất khả thi (06/07/2020)

>   GDP và GNI, đâu mới là phát triển thực sự? (03/07/2020)

>   HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 3%, lạm phát 3.3% trong năm 2020 (03/07/2020)

>   'Nửa năm không giải ngân nổi một đồng vốn ODA' (02/07/2020)

>   Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5-4% (02/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật