Tỷ giá từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định
Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia khi dự báo về tình hình tỷ giá VND/USD trong 6 tháng cuối năm 2020.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đồng USD trên thị trường thế giới giảm trước hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng của nước Mỹ được công bố không mấy khả quan. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Tỷ giá USD tại Việt Nam ổn định nhất khu vực
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng diễn biến tỷ giá của Việt Nam ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Theo đó, tỷ giá USD dao động trong một biên độ hẹp trong 6 tháng đầu năm 2020 khi áp lực từ yếu tố cung cầu USD tương đối thấp với bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã nới lỏng tiền tệ rất mạnh tay khiến áp lực bên ngoài lên VND là không lớn.
Cụ thể, diễn biến tỷ giá USD trong nước từ đầu năm 2020 cho đến giữa tháng 3 khá ổn định với mức dao động chỉ ở mức 0.2-0.3%. Đến giai đoạn từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/2020, tỷ giá USD tăng khá mạnh khoảng 1.86% do nhu cầu USD tăng mạnh trước biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Từ giữa tháng 4, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt và thời điểm cuối tháng 6 năm 2020, tỷ giá đã ổn định trở lại và quay về gần với mức đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, NHNN cũng đã áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm, tuy nhiên, chủ yếu để thị trường tự điều tiết và chưa có động thái bán ra lượng lớn USD để can thiệp vào thị trường.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
|
MBS dự báo với xu hướng dao động đi ngang của USD trên thị trường tài chính thế giới cộng thêm áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ giảm trong các tháng cuối năm, sức ép giảm giá VND so với USD không quá mạnh.
Tỷ giá từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định
Về phía các chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính dự báo tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định vì một số lý do.
Thứ nhất, do đồng USD suy yếu. Khi tình hình kinh tế của Mỹ càng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh, số người thất nghiệp ngày càng cao, Chính phủ Mỹ đưa ra những gói hỗ trợ lớn hơn, cộng thêm chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ làm cho đồng USD suy yếu. Do đó, có khả năng tỷ giá VND/USD thay vì tăng, có thể giảm. Nhưng ít nhất tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ có sự quân bình.
Thứ hai, NHNN cũng có một lượng dự trữ ngoại hối rất tốt để có thể can thiệp vào thị trường nếu thị trường dao động mạnh. Thống đốc NHNN cho biết, dự trữ ngoại hối thời điểm cuối tháng 6 đạt khoảng 84 tỷ USD, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Thêm vào đó, tình hình xuất nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục giữ sự quân bình, mặc dù thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có thể tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới, nhưng Việt Nam có khả năng tiếp tục xuất siêu trong năm nay, mặc dù lượng xuất siêu không bằng năm ngoái, thậm chí có thể rơi vào tình trạng nhập siêu nếu xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Nhưng cung cầu trên thị trường ngoại hối vẫn giữ được sự quân bình.
Thậm chí cả năm sau và 1-2 năm nữa tỷ giá vẫn sẽ ổn định
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) chia sẻ, chính sách tiền tệ của Việt Nam là neo VND vào USD. Trong những năm gần đây, mặc dù USD tăng giá so với các đồng tiền khác, nhưng VND vẫn ổn định, nên VND tăng giá so với các đồng tiền khác chung với USD.
Tính đến hiện tại, ngoại trừ XAU/USD, còn giá vàng neo theo tất cả những đồng tiền khác trên thế giới như VND, GBP, AUD, EUR... đều đã vượt mốc cao nhất trong lịch sử mọi thời đại. Lý do là USD-Index tăng hơn 30% trong 9 năm qua. Cách nay khoảng 9 năm thì 1.1 AUD mới đổi được 1 USD, bây giờ 1 USD bằng đến 2 AUD. Như vậy, có thể thấy giá USD đã vượt đỉnh theo những đồng tiền của từng nước.
Một trong những điều tốt là Việt Nam đã khống chế được nhu cầu đầu tư vào vàng. Trước đây, mua vàng gửi ngân hàng có lãi suất, bây giờ gửi vàng vào ngân hàng còn phải mất phí giữ vàng. Vàng đã bị loại ra khỏi kênh thanh toán, chỉ còn là một dạng tài sản. Do đó, nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam giảm rất lớn. Điều này cũng giúp cho tỷ giá ổn định so với USD trong 3-5 năm gần đây.
Với chính sách này, ông Khánh dự báo tỷ giá trong thời gian tới vẫn sẽ ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí cả năm sau hoặc 1-2 năm nữa. Vì trong 3-5 năm gần đây, tỷ giá VND/USD cực kỳ ổn định.
Từ năm 2018 đến nay, dù tình hình thế giới tương đối bất ổn, lại thêm dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020, nhưng tỷ giá VND/USD vẫn không thay đổi nhiều. USD trên thế giới tăng nhiều trong những năm qua nhưng VND vẫn tương đối ổn định so với USD. "Trong tình hình khó khăn mà tỷ giá VND/USD vẫn ổn định, thì không có lý do gì khi nền kinh tế bình thường mà tỷ giá lại bị xáo động", ông Khánh khẳng định thêm.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng nhận định về cơ bản, tỷ giá sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, vì quan hệ cung cầu, ngoại tệ của Việt Nam cơ bản tốt. Tỷ giá USD trên thế giới được dự báo không còn xu hướng tăng giá nữa, giả sử có tăng cũng không đáng kể, nguyên nhân chính là do kinh tế Mỹ năm nay trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cho rằng việc lãi suất sẽ giảm thêm nữa trong thời gian tới khó xảy ra, ông Phan Dũng Khánh dự báo lãi suất nếu có giảm thì sẽ giảm với tỷ lệ ít.
Ông Khánh cho biết việc giảm lãi suất đã bắt đầu từ trước khi có dịch Covid-19. Khi đó, NHNN đã có động thái yêu cầu NHTM giảm lãi suất trong nền kinh tế, và dịch Covid-19 đã làm lãi suất giảm thêm lần nữa. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn các quốc gia khác. Và HSBC vừa có dự báo khả năng NHNN khó có thể áp lãi suất giảm thêm lần nữa.
Theo ông Khánh, lãi suất sẽ giữ nguyên, nếu giảm thì sẽ giảm một phần nào đó. Vì nếu giảm nữa sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng, khách hàng gửi tiền không có lãi. Biên độ giảm sẽ thấp hơn các đợt giảm trước, tần suất giảm cũng sẽ giảm đi. Vì kinh tế Việt Nam đã bắt đầu hoạt động trở lại, việc giảm lãi suất phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế… nên NHNN sẽ điều hành linh hoạt, chỉ khi nền kinh tế thiếu tiền thì NHNN mới điều chỉnh theo. Còn thực tế hiện nay, trong nội địa, không nhất thiết phải giảm lãi suất thêm nữa, mà cần chờ đợi phản ứng từ thị trường và nền kinh tế.
|
Cát Lam
FILI
|